Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong quý I-2018, số lượng các loại thịt nhập khẩu về thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 3 tháng đầu năm, lượng trâu bò sống nhập về gần 45.000 con, thịt trâu bò không xương chỉ 260 tấn, thịt trâu bò có xương trên 9.650 tấn; thịt lợn gần 1.000 tấn và thịt gà trên 31.150 tấn. “Trong số trên, lượng thịt trâu, bò nhập về có cao hơn năm ngoái chút ít, nhưng thịt gia cầm, lợn đã giảm khoảng 12% so cùng kỳ năm ngoái” - ông Vân nói.
Tuy nhiên, việc số lượng thịt nhập về lớn đã tạo sức ép cho chăn nuôi trong nước. Theo các chủ trang trại, giá lợn hơi chỉ mới “hửng” lên trong chục ngày qua ở các miền, với mức 35.000-40.000 đồng/kg. Đây là con số trái ngược với bức tranh ảm đạm những tháng đầu năm nay, đặc biệt là sau dịp Tết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước trong 3 tháng đầu năm có xu hướng giảm, phổ biến từ 30.000-35.000 đồng/kg, sức mua cũng chậm lại. Đặc biệt, tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi chỉ khoảng 27.000-32.000 đồng/kg. Mức giá quá thấp, khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã treo chuồng, không còn chăn nuôi lợn.
Ngoài ra, cũng trong quý I, việc nhập khẩu số lượng thịt, đặc biệt là thịt bò từ Mỹ, Australia…với giá “rẻ bất ngờ” khiến nhiều người lo lắng về chất lượng. Giá thịt bò nhập Mỹ bán sỉ theo thùng thời điểm đó chỉ 60.000-70.000 đồng/kg, tùy từng loại.
Còn giá bán lẻ trên thị trường như thịt ba chỉ bò Mỹ 165.000 đồng/kg, bắp đùi bò Australia 200.000 đồng/kg, vai bò Mỹ 170.000 đồng/kg…Trong khi giá thịt bò trong nước đã 220.000- 250.000 đồng/kg.
Liên quan đến kiểm soát chất lượng thịt nhập khẩu, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, các loại thịt nhập khẩu đều được kiểm soát chặt chẽ theo Luật thú y, Thông tư 25/2016 về kiểm dịch và Thông tư 25/2010 về an toàn thực phẩm.
“Theo quy định, các nhà máy giết mổ của nước ngoài, muốn xuất khẩu sang Việt Nam phải được cơ quan thẩm quyền chấp thuận, sau khi đã kiểm tra các điều kiện thực tế” - ông Thành nói.
Theo ông Thành, tất cả lô thịt khi nhập về phải lưu ở cửa khẩu, kiểm tra 100% về tên hàng, nhãn mác, hạn sử dụng và kiểm tra về lý hóa. Nếu không đạt sẽ phạt tiền, bắt tái xuất hoặc tiêu hủy.
Về thông tin người tiêu dùng nghi ngại thịt gần hết hạn sử dụng, thậm chí đã hết hạn sử dụng mới có giá rẻ? Ông Thành cho biết: “Qua thông tin cửa khẩu bị nhập về, chưa có lô hàng nào cận date hoặc hết date. Những lô hàng kiểu này về sẽ bị xử phạt nặng”.
Lãnh đạo Cục Thú y cũng cho rằng, sở dĩ một số sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu về Việt Nam có giá rẻ có thể người tiêu dùng Mỹ, Australia không thích, như: Nạm bò, ba chỉ bò, cánh gà, đùi gà… trong khi, đó là những món “khoái khẩu” ở Việt Nam.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2017, Việt Nam đã chi trên 520 triệu USD để nhập khẩu các loại thịt. Trong đó, nhập khẩu 6.500 tấn thịt lợn các loại (gần 11,1 triệu USD), hơn 81,4 ngàn tấn thịt gia cầm (75,7 triệu USD) và trên 262.300 con trâu bò sống (294 triệu USD); khối lượng nhập khẩu các loại thịt khác đạt gần 41,5 ngàn tấn (chủ yếu là thịt trâu bò có xương) với kim ngạch khẩu trên 145 triệu USD.