dd/mm/yyyy

Thị trường hoa tết 2019 bắt đầu khởi động

Còn hơn 3 tháng nữa mới đến Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 nhưng tại nhiều nơi, thị trường hoa tết đã rục rịch khởi động.

Không chỉ tăng sản lượng, nhiều trang trại còn nỗ lực mở rộng thị phần bằng giống hoa mới, công nghệ mới. Người mua hoa ngày càng chịu chi, người trồng cũng ngày càng mạnh tay đầu tư.

Hoa trái trồng chậu ngắn ngày đang hút khách

Ðầu tháng 8.2018, hợp tác xã Nông nghiệp Mimosa Ðà Lạt (HTX Mimosa) tọa lạc gần chân đèo Mimosa chính thức ra mắt. Ước tính sau một tháng thành lập, HTX đã xuất vườn khoảng 30.000 chậu hoa, cây cảnh. Căn cứ đơn hàng từ nay đến hết năm 2018, HTX Mimosa tập trung các sản phẩm bán cho đối tác ở các tỉnh, thành phương Nam gồm hoa chậu ngắn ngày như trạng nguyên, hồng tỉ muội, sen đá, sống đời, đồng tiền và hoa chậu, cây cảnh dài ngày như tùng búp, đỗ quyên, nhất chi mai…

Ảnh minh họa: Trần Bảo Hòa (cuộc thi Ảnh hàng Việt do báo DNSG tổ chức)
Ảnh minh họa: Trần Bảo Hòa (cuộc thi Ảnh hàng Việt do báo DNSG tổ chức)

Tết Nguyên đán năm trước nhiều nhà trồng hoa Đà Lạt thắng đậm nhờ một số loại hoa “thời thượng” được mùa, được giá. Tết Nguyên đán sắp tới cũng hứa hẹn nhiều diễn biến khả quan nên sự ra đời của HTX Mimosa được coi là đúng thời điểm.

Vài năm trở lại đây, phong trào chưng hoa dâu tây ngày tết ở các thành phố lớn có sự đóng góp đáng kể của trang trại Mimosa. Ngay trong vụ dâu tây trồng trong chậu đầu tiên gần 3 năm trước, trang trại bất ngờ được nhiều lượt khách du lịch tìm đến trải nghiệm, sau đó đặt mua đưa về chăm sóc cho ra “hoa cảnh” và thu hoạch trái ăn tươi.

Không bỏ lỡ cơ hội, Nguyễn Trung Thành – chủ nhân Mimosa bắt tay vào sản xuất đồng loạt dâu tây chậu kinh doanh trên tổng diện tích nhà kính 1.000m2. Sau 3 tháng, thu về khoảng 140 triệu đồng tiền lãi, gấp 8 lần mức lãi trồng rau xà lách trong cùng thời điểm.

Nhận thấy nhu cầu hoa chậu ngắn ngày tăng cao, Nguyễn Trung Thành đã chuyển đổi từ trồng hoa xen kẽ rau sang sản xuất cây hoa chậu trên toàn bộ 3.000m2 nhà kính của trang trại, cùng với đó là quá trình mở rộng sản xuất từ quy mô hộ gia đình trở thành quy mô hợp tác xã.

Trước lượng đơn hàng liên tục tăng, anh chủ động tìm từng nông hộ liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Đầu tiên liên kết với các nông hộ sản xuất dọc cung đường đèo Mimosa, sau đó mở rộng lên vùng hoa Vạn Thành, Thái Phiên, Đà Lạt, xuống vùng hoa Định An, Phi Nôm, Đức Trọng và xuôi về Bảo Lộc.

Bên cạnh dâu tây chậu, dưa pepino cũng là mặt hàng được ưa chuộng trong dịp tết 2018. Từ đầu tháng 10 đến nay, trang trại Định Farm (đường vòng Lâm Viên, Đà Lạt) đã xuống giống trồng và chăm sóc 1.000 chậu dưa pepino để kịp thu hoạch, tiêu thụ vào dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Ngoài pepino vàng, năm nay Định Farm sản xuất thêm 300 chậu dưa pepino tím.

Trước đó, từ tháng 4/2018 đến nay, Định Farm đã thử nghiệm thành công và hoàn chỉnh quy trình sản xuất trên 300 gốc dưa pepino màu tím này. Năng suất ban đầu của giống dưa pepino tím chỉ bằng khoảng 50% giống dưa pepino vàng, nhưng nhờ hương vị khác biệt nên giá bán ra cao hơn 30 – 40%.

Ưu điểm của sản phẩm dưa pepino là vừa sử dụng chức năng cây cảnh trang trí vừa thu hoạch quả ăn tươi hoặc chế biến trong nhiều món ăn khác nhau. Sau đó có thể đưa cây ra khỏi chậu và trồng trực tiếp xuống đất để chăm sóc ra hoa, tiếp tục thu hoạch các lứa quả mới. Trồng dưa pepino hấp dẫn thế nên vụ hoa tết 2019, nông dân Trần Văn Tiếp ở ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc (Đồng Tháp) cũng đang chuẩn bị khoảng 500 cây dưa pepino tím để tung ra thị trường.

Trước đây, pepino chỉ được trồng ở những vùng có khí hậu ôn đới như Đà Lạt nhưng nay ông Trần Văn Tiếp đã trồng thử nghiệm thành công tại làng hoa kiểng Sa Đéc trước khi chuẩn bị trồng số lượng lớn cung ứng cho thị trường. Theo ông, dưa hấu tím khá dễ trồng, ít sâu bệnh nhưng rất kén phân, không chịu phân hóa học, nếu trồng bằng hạt thì 5 tháng cho ra trái, trồng bằng cành thì chỉ 4 tháng. Hiện ông đã nhân giống khoảng 500 cây con, bắt đầu trồng từ cuối tháng 10.

Lấy hồng môn nuôi lan hồ điệp

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, trang trại hoa Nguyễn Phú Sơn (thị trấn Di Linh, Lâm Đồng) phải cung cấp đủ 60.000 chậu lan hồ điệp theo hợp đồng với khách hàng Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và khách hàng Campuchia. So với Tết Nguyên đán năm 2018, số lượng lan hồ điệp Tết Nguyên đán năm nay ở trang trại này tăng 20.000 chậu, trị giá tương đương 2,6 tỷ đồng.

Trước đó, trang trại Nguyễn Phú Sơn đã được UBND tỉnh Lâm Đồng chọn là một trong 6 mô hình hỗ trợ xây dựng liên kết chuỗi với 22 nông hộ trồng 8ha hoa hồng môn từ huyện Di Linh mở rộng lên huyện Đức Trọng và huyện Lâm Hà.

“Lan rừng là loài hoa đầu tiên được trưng bày trong trang trại chúng tôi. Lâu dần những người cùng chơi lan rừng đến trao đổi kinh nghiệm và cùng thảo luận đưa thêm giống hoa mới, công nghệ hiện đại vào trang trại sản xuất – kinh doanh nhằm đột phá thu nhập cho hộ gia đình. Kết quả, chúng tôi quyết định chọn giống hồng môn cắt cành nhập về từ Hà Lan trồng”, chủ trang trại Nguyễn Phú Sơn cho biết.

Để đưa giống hồng môn cắt cành về sản xuất trên 400 m2 ban đầu, Nguyễn Phú Sơn phải phá bỏ toàn bộ cây cà phê, bứng hết gốc rễ, cải tạo mặt bằng, phủ lên lớp giá thể rồi lắp đặt nhà kính. Anh trồng và chăm sóc đến 12 tháng sau mới bắt đầu thu hoạch hoa cắt cành. Sau khi mang vài trăm cành xuống các chợ hoa đầu mối ở TP.HCM để chào hàng, anh nhận được ngay lượng đặt hàng khá hấp dẫn.

Từ đó, Nguyễn Phú Sơn mạnh dạn mở rộng diện tích trồng hoa hồng môn liên tục vài năm sau đó và đạt tổng diện tích hơn 6.000 m2 nhà kính, trong đó phân bổ diện tích 4.000 m2 hồng môn cắt cành cùng 2.000m2 hồng môn chậu. Anh cho biết lợi nhuận ròng từ hồng môn trong năm qua đạt khoảng 3,2 tỷ đồng. Như vậy, trồng hoa hồng môn lấy lợi nhuận để theo đuổi trồng lan hồ điệp chất lượng cao, trang trại Nguyễn Phú Sơn đã thành công với tổng số lợi nhuận trên dưới 10 tỉ đồng/năm.

Văn Việt - Bích Hồ