Mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo NTNN/Điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Nguyễn Tuyên Khánh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố Lai Châu vui vẻ nói: "Vài năm trở lại đây, hệ số sử dụng đất nông nghiệp ở thành phố nâng lên rõ rệt. Bà con nông dân các xã, bản đã chủ động, tích cực đưa cây trồng,vật nuôi giống mới vào sản xuất.
Quỹ đất sản xuất nông nghiệp của thành phố đã được người dân tận dụng triệt để. Cũng nhờ đó mà thu nhập, đời sống của người dân thành phố không ngừng cải thiện và nâng cao. Để nâng cao hơn nữa giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, thành phố đã định hướng và hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả".
Trên đường dẫn chúng tôi đến thăm bản Lò Suối Tủng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu), ông Khánh giới thiệu: "Bản Lò Suối Tủng là bản đi đầu về nâng cao hệ số sử dụng đất của xã San Thàng. Nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhiều loại cây ăn quả cũng đang sinh trưởng phát triển tốt trên đất này".
Đúng như lời ông Khánh nói, đến bản Lò Suối Tủng, chúng tôi được "mục sở thị" trên nương, dưới ruộng, trong vườn đều phủ kín màu xanh tươi tốt của các loại cây trồng.
Vườn bưởi của gia đình ông Phạm Văn Dương nằm ở gần cuối bản Lò Suối Tủng. Khi chúng tôi đến, ông Dương đang kiểm tra tình hình sâu bệnh trong vườn bưởi.
Chỉ vào những cây bưởi quả sai lúc lỉu, ông Dương vui vẻ cho biết: "Giống bưởi Da Xanh này rất hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Vườn bưởi này gia đình tôi trồng từ năm 2017. Năm ngoái chúng đã cho quả bói, nhưng số lượng quả không nhiều. Năm nay vườn bưởi cho quả nhiều hơn, có cây lên đến vài chục quả".
Tháng 5/2017, ông Dương mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình trồng bưởi do Trạm Khuyến nông thành phố Lai Châu triển khai. Được hỗ trợ cây giống và được tham gia lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi, ông Dương đã bỏ công cải tạo đất, đào hố trồng bưởi.
"Trước đây, nơi này là cái hủm sâu, tôi chủ yếu trồng ngô, năng suất thấp, thu nhập mỗi năm chẳng đáng là bao. Khi Trạm Khuyến nông thành phố triển khai mô hình trồng bưởi, tôi đã bàn với vợ con thôi không trồng ngô mà đổ đất, san gạt thành khu vườn bằng phẳng để trồng bưởi. Khu vườn này có tới 80% diện tích là bưởi Da Xanh, diện tích còn lại tôi trồng bưởi Diễn. Được chăm sóc, bón phân hợp lý, đủ dinh dưỡng, cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt. Gần 200 cây bưởi Da Xanh của gia đình tôi đều đã ra quả. Dự kiến năm nay tôi thu trên dưới 100 triệu đồng từ bán quả bưởi ra thị trường. Tính ra, trồng bưởi cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với một số cây trồng khác" – ông Dương cho hay.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Hữu Cam – Phó Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu, cho biết: "Dự án phát triển cây ăn quả nằm trong Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn, giai đoạn 2015 -2020, do UBND thành phố lai Châu ban hành. Không chỉ hỗ trợ người dân phát triển cây ăn quả có múi, mà thành phố cũng rất quan tâm tới phát triển cây ăn quả ôn đới".
"Qua kiểm tra, đánh giá, cây ăn quả khá phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của thành phố. Ngoài quan tâm tới phát triển cây chủ lực là cây chè, thì thành phố cũng rất chú trọng tìm hướng giúp người dân nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Hiệu quả kinh tế mà cây ăn quả mang lại là không thể phủ nhận, chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với trồng lúa, trồng ngô" – ông Cam nhấn mạnh.
Đến thời điểm này, toàn thành phố Lai Châu đã có hơn 100ha cây ăn quả, trong đó chủ yếu là: Bưởi Da Xanh, bưởi Diễn, chanh, mận tam hoa, đào, lê... Một số diện tích cây ăn quả trồng sớm đã bắt đầu cho thu hoạch, hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn thành phố Lai Châu.