dd/mm/yyyy

Thanh Hóa thu hút đầu tư 17 dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với tổng mức 15.000 tỷ đồng

Về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Thanh Hóa cho thấy những bước chuẩn bị mang tính bài bản, dài hơi theo đúng tinh thần chỉ đạo của tập thể lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nói chung cũng như ngành nông nghiệp nói riêng.

Ấn tượng với Thanh Hóa

Tuần qua, đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung dẫn đầu thăm, tìm hiểu về Dự án Khu Liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1 tại xã Minh Tiến (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa).

Đi thực địa cùng công tác có ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh này, lãnh đạo các huyện Yên Định, Ngọc Lặc.

Thanh Hóa thu hút đầu tư 17 dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với tổng mức 15.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Trong cuộc làm việc ngày 24/2 gần đây với lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, Đoàn công tác Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đánh giá cao hiệu quả sử dụng vốn ODA của tỉnh Thanh Hóa.

Tại đây, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang giới thiệu tổng quát về ngành chăn nuôi cũng như thu hút đầu tư các dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn trên địa bàn Thanh Hóa.

Theo đó, đến nay, Thanh Hóa đã thu hút đầu tư được 17 dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. 

Đặc biệt, trong đó có 16 dự án chăn nuôi lợn và 1 dự án chăn nuôi gà. Khi các dự án đi vào hoạt động đủ quy mô, công suất sẽ nâng tổng đàn lợn của Thanh Hóa trong giai đoạn 2025-2030 lên 2,2 triệu con, gấp đôi so với hiện nay và đưa chăn nuôi Thanh Hóa vào top đầu của cả nước.

Khu liên hợp chăn nuôi kiểu mẫu

Chỉ riêng Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1 tại xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2014 và điều chỉnh chủ trương đầu tư lần thứ 5 tại Quyết định số 4193 ngày 22/10/2021 có quy mô, công suất đầu tư của Dự án rất quy mô.

Thanh Hóa thu hút đầu tư 17 dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với tổng mức 15.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang giới thiệu với lãnh đạo Đắk Lắk về dự án chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa.

Xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công suất 500.000 tấn/năm; chăn nuôi lợn hàng năm sản xuất 180.000 con lợn thịt; sản xuất đạm vi sinh công suất 4.000 m³/ngày; sản xuất phân bón vi sinh công suất 165.000 tấn/năm; nhà máy chế biến nông sản công suất 200.000 tấn sắn, ngô/năm.

Tới thời điểm này, dự án thành phần đầu tiên tại xã Minh Tiến với quy mô 54.000 lợn thịt và 6.500 lợn nái đang được khẩn trương hoàn thiện, dự kiến vận hành trong năm 2022.

Dự án sẽ góp phần thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện đời sống của bà con nông dân trên địa bàn huyện Ngọc Lặc và các địa phương lân cận.

Mục tiêu lớn, chiến lược dài hơi

Theo Kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá năm 2022 xác định rõ mục đích nhằm khai thác, sử dụng nguồn lực và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương này và nhu cầu đa dạng của từng thị trường để phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn với chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. 

Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và của tỉnh.

Thanh Hóa thu hút đầu tư 17 dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với tổng mức 15.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phát triển chăn nuôi. Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị hàng hóa và khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; mô hình liên kết chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cũng như rà soát, đánh giá xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở chăn nuôi thuộc diện phải di rời khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định.

Bên cạnh đó, chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, trang trại hoặc liên kết các hộ thành nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để phát triển chăn nuôi ứng dụng khoa học, công nghệ, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi.

Điều đó cho thấy những bước chuẩn bị mang tính bài bản, dài hơi theo đúng tinh thần chỉ đạo của tập thể lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nói chung cũng như ngành nông nghiệp nói riêng.

Theo đó, Thanh Hóa đặt chỉ tiêu tổng giá trị sản xuất chăn nuôi phấn đấu đến hết năm 2022 đạt 7.768 tỷ đồng. Tổng đàn trâu đạt 190.000 con, đàn bò đạt 285.000 con, đàn lợn đạt 1,25 triệu con, đàn gia cầm đạt 24 triệu con, con nuôi đặc sản đạt 2,25 triệu con… Sản lượng sản phẩm chăn nuôi thịt xẻ các loại phấn đấu đạt khoảng 178.000 tấn; sản lượng trứng đạt 300 triệu quả, 70.000 tấn sữa; tỷ trọng gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt 25%...

Ngọc Thọ