Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về việc tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, ngày 28/10/2020 UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn nghiên cứu, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11/CT-UBND tập trung vào các nội dung gồm: Hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc ống hút nhựa dùng một lần tại công sở và trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp, ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên các sản phẩm tái chế, thân thiện tới môi trường; thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, bố trí các phương tiện, thiết bị để phân loại chất thải; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm thiểu chất thải nhựa; ký và thực hiện cam kết tham gia phong trào chống chất thải nhựa.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại, thu gom, xử lý chất thải, tăng cường tái sử dụng, giảm phát sinh chất thải nhựa, túi nylon khó phân hủy; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng đối với công tác quản lý chất thải, lồng ghép các hoạt động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong xây dựng và thực hiện hương ước ở các xóm, tổ dân phố; phát triển các mô hình sản xuất các sản phẩm bao gói thân thiện với môi trường.
Sở TNMT phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; các cơ sở thu gom nhựa, nhập khẩu và tái chế các sản phẩm nhựa. Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải tại nguồn... Trước ngày 10/12 hàng năm, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại chỉ thị và gửi về Sở TNMT tổng hợp chung.
Có thể thấy, sự chỉ đạo vào cuộc tích cực, bám sát thực tế, đồng bộ của tỉnh Thái Nguyên trong phong trào "Chống rác thải nhựa" đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần to lớn vào việc thay đổi nhận thức của mỗi người dân, tạo thành thói quen trong cộng đồng về việc xử lý, phân loại rác thải tại nguồn mỗi ngày. Từ đây xây dựng nếp sống mới, nhận thức mới trong sinh hoạt, tiêu dùng để giảm thiểu, tiến tới đẩy lùi ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa. Từng bước tạo bầu không khí trong lành hơn, nâng cao chất lượng đời sống.