Tết Thanh Minh - Nét đẹp văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc vùng cao Lào Cai
12/04/2025 20:30 GMT +7
Khi mùa Xuân dần khép lại, cũng là lúc đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao Lào Cai thực hiện nghi lễ thiêng liêng "Tết Thanh Minh" – ngày tảo mộ, tưởng nhớ tổ tiên, mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh đặc trưng của dân tộc.
Tết Thanh Minh – Ngày của lòng tri ân
Tỉnh Lào Cai có 25 dân tộc, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa đặc trưng, được thể hiện rõ nét thông qua các lễ hội, hay các ngày lễ, tết truyền thống.
Với đồng bào các dân tộc ở huyện vùng cao Si Ma Cai, Tết Thanh Minh không chỉ là nét đẹp văn hóa tâm linh, mà còn là dịp để giáo dục con, cháu về truyền thống, cội nguồn văn hóa của dân tộc, từ đó phát huy tinh thần đoàn kết trong mỗi gia đình và trong cộng đồng.
Vào ngày Tết Thanh Minh, các gia đình người Mông, người Nùng thường mang lễ vật như xôi, thịt gà, rượu ngô, bánh dày, bánh ngô lên khu vực mộ tổ tiên – thường là những quả đồi hoặc nương rẫy xa bản.
Nghi thức tảo mộ được tiến hành cẩn trọng như dọn sạch cỏ dại, vun lại đất, cắm hoa, và thắp nén hương thơm. Người dân vùng cao nơi đây tin rằng, tổ tiên luôn dõi theo con cháu, che chở cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống yên vui.
Không gian lễ cúng mang đậm màu sắc tâm linh, thiêng liêng, nhưng không nặng nề. Sau phần nghi lễ, cả gia đình quây quần ăn uống, trò chuyện, nhắc lại những câu chuyện xưa, những bài học về cội nguồn và tổ tiên.
Cứ vào tháng 3 âm lịch hàng năm, dòng họ Hảng ở thôn Seng Sui, xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai tổ chức ngày Tết Thanh Minh, hay còn gọi là ngày tảo mộ của gần 20 gia đình.
Từ sáng sớm, con cháu đã tập trung đông đủ, người lớn tuổi tỉ mỉ cắt giấy vàng mã, hoa giấy; thanh niên thì chuẩn bị lễ vật, dụng cụ phát dọn để cùng làm lễ, sửa sang lại từng phần mộ cho người đã khuất.
Anh Hảng Seo Tỉnh, thôn Seng Sui, xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai tâm sự: Mang cơm, gà, lợn về cho các cụ thì mình phải mổ trực tiếp ở đấy, luộc xong mời các cụ ăn xong về mình mới được ăn. Thanh minh xong thì các cụ phù hộ mình, các cháu làm gì cũng may mắn.
Tết Thanh Minh gắn kết gia đình, cộng đồng và cội nguồn
Còn đối với Tết Thanh Minh của dòng họ Lèng, dân tộc Nùng ở xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai, sau khi làm lý xin phép thần thổ địa, con cháu sẽ sửa sang tại từng mộ phần, cắm cây nêu giấy, dâng lễ vật là những sản vật nông nghiệp của địa phương.
Sau khi hoàn thành phần lễ, những lễ vật cúng sẽ được mang về chế biến và thực hiện nghi thức cúng tại bàn thờ gia tiên của từng gia đình, gia chủ báo cáo ông bà, tổ tiên đã hoàn thành Tết Thanh Minh của dòng họ.
Anh Lèng Văn Thành, thôn Đội 2, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) tâm sự: Cả dòng họ bất cứ ở nơi đâu cũng phải về chúc Tết để cảm ơn công ơn các cụ. Thời ông bà thì truyền cho thời cha, thời cha thì chuyền cho thời con để không bỏ phong tục, bản sắc của dân tộc.

Anh Lèng Hai Tuấn, thôn Bản Mế, xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) cũng bảo: Một năm là một gia đình tổ chức, qua Tết Thanh Minh tháng 3 này thì cầu mong là cả dòng họ, con cháu có một sức khỏe tốt, làm ăn phát đạt, càng ngày càng đoàn kết hơn.
Ngày nay, một số nghi thức trong ngày Tết Thanh Minh của đồng bào các dân tộc đã thay đổi ít nhiều để phù hợp với nếp sống mới.
Tuy nhiên, với mỗi hộ gia đình, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ngày này sẽ luôn được giữ gìn, lưu truyền, nhắc nhở cho thế hệ sau về truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn", thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng thôn, bản, cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Đó là minh chứng cho sức sống bền bỉ của văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao – một kho tàng quý báu cần được trân trọng và lan tỏa.
Tết Thanh Minh không chỉ là dịp để nhớ về người đã khuất, mà còn là dịp để người sống kết nối sâu sắc hơn với cội nguồn, với cộng đồng và với chính bản sắc dân tộc mình.