dd/mm/yyyy

Tăng tốc xây dựng nông thôn mới, Quế Sơn đột phá

Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quế Sơn (Quảng Nam) trong xây dựng nông thôn mới, giờ đây diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể.

"Tăng tốc" xây dựng nông thôn mới

Ông Nguyễn Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được huyện Quế Sơn triển khai từ năm 2011. Thời điểm đó, xuất phát điểm của huyện còn thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ; tổ chức sản xuất chưa bài bản; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh…

Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sau 12 năm xây dựng nông thôn mới, Quế Sơn đã phát huy được nội lực trong nhân dân, đồng thời tranh thủ được sự đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách các cấp và lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện đã được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Thời gian qua, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường của Quế Sơn có chuyển biến tích cực; an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Ngoài hạ tầng thì lĩnh vực kinh tế cũng có những bước phát triển vượt bật, nông nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 3,5%/năm.

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Quế Sơn đột phá từ hạ tầng đồng bộ - Ảnh 1.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ đã giúp cho diện mạo những làng quê của huyện Quế Sơn “thay áo mới”. Ảnh: T.H

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Quế Sơn đột phá từ hạ tầng đồng bộ - Ảnh 2.

Điều quan trọng là thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện đáng kể; năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,36 triệu đồng, tăng 31,06 triệu đồng so với năm 2010 (11,3 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo còn 3,5% (theo chuẩn mới), giảm 21,53% so với năm 2010 (25,03%).

Đến nay, toàn huyện có 6 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới gồm: Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Long, Quế Phú, Quế Mỹ, Quế Châu, trong đó xã Quế Phú đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2020.

Ông Châu cho biết thêm, trong giai đoạn 2021-2025 huyện tranh thủ sự đầu tư của Trung ương, tỉnh và nguồn vốn đối ứng của huyện, xã và huy động khác, tổng vốn dành cho 5 xã chưa về đích (Quế Hiệp, Quế Minh, Quế An, Quế Phong, Quế Thuận) dự kiến là khoảng 129,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương và tỉnh là 85 tỷ đồng, huyện là 25,5 tỷ đồng, vốn của xã và huy động khác là 19 tỷ đồng.

"Tôi thấy đường sá giờ thông thoáng, đi lại và buôn bán thuận tiện hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, con em trên địa bàn được học tập trong các ngôi trường mới, khang trang. Có được điều đó là nhờ vào chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều công trình được thực hiện với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" rất có hiệu quả…" - ông Nguyễn Nghêu (người dân thôn Xuân Lư, xã Quế Mỹ), phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Theo ông Châu, trong xây dựng nông thôn mới thì phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Những năm qua, Quế Sơn đã phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Kinh tế vườn - rừng là thế mạnh của huyện Quế Sơn, thời gian qua địa phương đã được các cấp, các ngành quan tâm định hướng, hỗ trợ thực hiện các mô hình. Nhờ đó nhận thức của người dân được nâng lên và bà con chú ý cải tạo, đầu tư phát triển, nhất là ở những xã xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. 

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước được ban hành nhằm hỗ trợ trực tiếp hoặc lồng ghép hỗ trợ để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động ở nông thôn, đã góp phần tạo điều kiện cho kinh tế vườn - rừng bước đầu phát triển khá về số lượng, quy mô, gia tăng về giá trị sản xuất.

Nhiều mô hình kinh tế vườn - rừng đã phát huy hiệu quả rõ rệt, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã được chú trọng.

Trên địa bàn huyện hiện đã xây dựng được một số mô hình tiêu biểu như: Trồng rừng gỗ lớn, chăn nuôi bò 3B, chăn nuôi gà thả vườn, liên kết sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng cao...

Ngoài phát triển nông nghiệp, Quế Sơn đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện như: Hương An, Quế Cường, Đông Phú... nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết lao động cho địa phương.

"Với những kết quả đạt được trong thời gian qua chính là động lực để huyện Quế Sơn thực hiện ngày càng tốt hơn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, nhằm hướng đến huyện nông thôn mới vào năm 2025…" - ông Nguyễn Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho hay.

Giai đoạn 2022-2025, huyện Quế Sơn phấn đấu có 100% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 6 xã duy trì đạt chuẩn và 5 xã phấn đấu đạt chuẩn, có ít nhất 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025; có 2 thị trấn được công nhận đô thị văn minh; thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng/người/năm. 

Trần Hậu