dd/mm/yyyy

Quảng Nam: Tam Kỳ hoàn thành nông thôn mới, nhưng chưa phải là về đích

“Tam Kỳ đã được công nhận hoàn thành nông thôn mới, nhưng đó không phải là về đích. Đích ở đây là làm sao cho thành phố ngày càng phát triển, các tiêu chí phải nâng chất, đời sống người dân ngày càng nâng cao…”- ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND Tam Kỳ chia sẻ.

Thành phố Tam Kỳ là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2020 và đây là thành quả nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

Vùng quê Tam Kỳ khởi sắc nhờ nông thôn mới…

Trên địa bàn thành phố Tam Kỳ có 4 xã tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 gồm xã Tam Ngọc, Tam Thăng, Tam Phú và Tam Thanh; trong đó, Tam Ngọc, Tam Thăng đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015; Tam Thanh được công nhận đạt chuẩn vào cuối năm 2017; Tam Phú được công nhận đạt chuẩn vào cuối năm 2018 và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại Quyết định số 474/QĐ-TTg ngày 29/3/2021.

Nông thôn mới ở Tam Kỳ (Quảng Nam): Hoàn thành nhưng chưa phải là về đích - Ảnh 1.

Thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Ảnh: T.H

Căn cứ vào định hướng xây dựng thành phố Tam Kỳ

cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 và xây dựng đô thị xanh, thông minh, đạt tiêu chí đô thị loại I

vào năm 2030. UBND thành phố định hướng mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025, trong đó.

- Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM đối với 4 xã theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2022-2025.

- Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí "Thôn NTM kiểu mẫu". Phấn đấu 100% thôn của 4 xã đạt chuẩn "Thôn NTM kiểu mẫu".

- Xây dựng xã Tam Ngọc và xã Tam Thanh đạt chuẩn "xã NTM kiểu mẫu", xã Tam Thăng và xã Tam Phú đạt chuẩn "xã NTM nâng cao" theo Bộ Tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

"Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; sự quản lý, điều hành của chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong triển khai thực hiện chương trình trong hơn 11 năm qua đã góp phần làm đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, môi trường nông thôn được cải thiện, an ninh nông thôn được đảm bảo, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, ý thức về "vai trò chủ thể" của người dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được nâng lên, thu nhập người dân ngày càng tăng…"- ông Nam nói.

Ông Nguyễn Minh Nam chia sẻ thêm, các xã của Tam Kỳ đã tập trung thực hiện cơ bản tốt công tác duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM, xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. 

Diện mạo các xã, thôn có nhiều khởi sắc và chuyển biến theo chiều hướng văn minh, cảnh quan nông thôn ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng tăng lên, chất lượng các phong trào thi đua đi vào chiều sâu.

Các phòng, ban ngành, mặt trận, hội đoàn thể và các địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong thực hiện Chương trình NTM nên đã đạt được nhiều kết quả. Kết cấu hạ tầng thiết yếu tiếp tục được đầu tư; lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, môi trường có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được củng cố; an ninh trật tự xã hội cơ bản được giữ vững.

"Những kết quả đạt được tạo nền tảng vững chắc cho xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu gắn với hình thành phát triển đô thị trong thời gian tới.

Có thể khẳng định chương trình NTM đã đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực nông thôn trên địa bàn Tam Kỳ…"- ông Nam nói.

Đưa thương hiệu của nông dân vươn xa

Nông thôn mới ở Tam Kỳ (Quảng Nam): Hoàn thành nhưng chưa phải là về đích - Ảnh 3.

Mô hình vườn mẫu trồng bưởi, xoài, măng tây xanh của ông Đỗ Ngọc Thanh (thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú) giúp người dân nâng cao thu nhập. Ảnh: H.B

Chương trình NTM rất sâu rộng và có ý nghĩa, không những giúp Tam Kỳ đã hoàn thành mà còn nâng cao đời sống, nhất là cuộc sống người dân nâng lên rõ rệt, các sản phẩm của nông dân sản xuất ra đạt chất lượng hơn nhờ OCOP.

Sau 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP của thành phố đã góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu nhiều sản phẩm trên địa bàn, tạo điều kiện để các chủ thể mở rộng thị trường, nâng cao năng suất lao động, giúp các chủ thể tiếp cận, giao lưu kết nối cung cầu, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, bán hàng qua Zalo, Facbook… quảng bá được hình ảnh, dần từng bước mở rộng liên kết về tiêu thụ nguyên liệu địa phương, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình OCOP từ thành phố đến xã, phường rồi đến cơ sở được triển khai thực hiện đồng bộ quyết liệt, linh hoạt; sản phẩm được phát triển từ thấp đến cao và từng bước được hoàn thiện, các cơ sở hạ tầng đảm bảo các điều kiện vệ sinh ATTP.

Sản phẩm được kiểm nghiệm các chỉ tiêu đảm bảo quy định và tự công bố sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, mẫu mã bao bì đẹp, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chất lượng sản phẩm ngày được hoàn thiện được người tiêu dùng đón nhận.

"Đến nay, thành phố Tam Kỳ có 21 sản phẩm được tỉnh Quảng Nam đánh giá, công nhận, trong đó 9 sản phẩm đạt 4 sao, 12 sản phẩm đạt 3 sao; hình thành 4 điểm bán hàng OCOP trên địa bàn thành phố.

Các sản phẩm tiêu biểu như: Nước mắm Tam Thanh, dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Thanh, dầu đậu phộng nguyên chất Bảo Tâm, dầu mè đen nguyên chất Bảo Tâm, bánh chưng Bà Ba Hội, dấm bào ngư sấy khô CENMUSH, linh chi Cenmus giống hồng chi Việt Nam, trà linh chi Cenmush và sản phẩm bột nhàu...

Bên cạnh đó, còn có các sản phẩm tiềm năng có thể xây dựng thành sản phẩm OCOP đã đề xuất xây dựng đạt chuẩn trong thời gian tới, như nước mắm cá cơm Ngọc Lan; trà ngũ cốc đinh lăng Phước Tường, đông trùng hạ thảo sấy Thăng Hoa, mỳ quảng khô Cô Huệ, chả cá nhồng sạch Tam Kỳ…"- ông Nam phấn khởi.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Nam, giai đoạn tiếp theo là giai đoạn hết sức quan trọng, thành phố Tam Kỳ đang hướng đến đô thị hiện đại, đồng thời thực hiện song song chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với chương trình "mỗi xã một sản phẩm".

Hiện nay, thành phố luôn xác định xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài có điểm bắt đầu nhưng không có thúc "đạt chuẩn nông thôn mới không phải là về đích", vì vậy cần tiếp tục tập trung lãnh chỉ các xã tiếp tục phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, tập trung xây dựng "Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu" và hướng tới xây dựng "xã đạt chuẩn NTM nâng cao" và "xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu" trong thời gian tới. Trong đó tập trung nâng cao hơn nửa đời sống vật chất và tinh thần của người dân, chú trọng đến các nội dung liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân.

"Để làm được điều đó, Tam Kỳ đang cố gắng nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn "sáng, xanh, sạch, đẹp".

Đặc biệt, xây dựng quan hệ tình làng nghĩa xóm tốt đẹp, đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn; chú trọng xây dựng các THT, HTX đa ngành nghề, hoạt động hiệu quả để làm nòng cốt trong liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; tiếp tục chỉ đạo tập trung lồng ghép mọi nguồn lực từ các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn thành phố để triển khai thực hiện"- ông Nam chia sẻ. 

Trương Hồng