dd/mm/yyyy

Tam Đường phát triển sản phẩm OCOP

Quan tâm phát triển sản phẩm OCOP, huyện Tam Đường (Lai Châu) đã “gặt hái” được nhiều kết quả đáng mừng. Nhiều sản vật đặc trưng của huyện đã được công nhận sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nâng tầm giá trị nông sản từ chương trình OCOP

Những năm gần đây, huyện Tam Đường đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm OCOP, coi đó là đòn bẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn. Nhận thức được tầm quan trọng cũng như lợi ích thiết thực của chương trình OCOP, nhiều hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tam Đường mạnh dạn tham gia.

Sản phẩm miến dong Bình Lư từ lâu đã được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến, bởi độ thơm ngon, dẻo dai của sợi miến. Nghề làm miến dong ở Bình Lư ra đời, gắn với nỗi nhớ quê nhà của những người con tha hương từ Thái Bình lên vùng đất Tam Đường lập nghiệp. Với đôi bàn tay khéo léo, người dân Bình Lư (Tam Đường, Lai Châu) đã cho "ra đời" sản phẩm miến dong thơm ngon nức tiếng, với tên gọi miến dong Bình Lư.  Miến dong Bình Lư được chế biến từ 100% bột dong giềng nguyên chất. Củ dong giềng được trồng ở Bình Lư và một số xã của huyện Tam Đường.

Tam Đường phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Chú trọng phát triển sản phẩm OCOP, đến nay, huyện Tam Đường đã có 15 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. (Ảnh: Thanh Ngân)

Mang hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, miến dong Bình Lư do Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư sản xuất, được UBND tỉnh Lai Châu công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2020. Với thương hiệu xây dựng từ nhiều năm qua cộng với đạt chuẩn OCOP, sản phẩm miến dong Bình Lư ngày càng được đông đảo khách hàng lựa chọn. Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư mạnh dạn quảng bá, giới thiệu sản phẩm miến dong thông qua các ứng dụng zalo, facebook của các công ty, doanh nghiệp du lịch trong nước. Năm 2023, Hợp tác xã đề nghị xét nâng hạng sản phẩm miến dong từ 3 sao lên 4 sao.

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Nguyễn Ngọc Ánh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư phấn khởi cho biết: "Từ khi sản phẩm miến dong Bình Lư được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, lượng khách đặt hàng tăng đột biến. Hợp tác xã tăng khối lượng sản phẩm miến dong cung cấp ra thị trường từ 200 - 300 tấn/năm, tăng 30% so với trước. Sản phẩm miến dong Bình Lư được đơn vị đóng bao bì cẩn thận. Trên bao bì có mã vạch truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến và đóng gói. Giá trị sản phẩm miến dong Bình Lư cũng được nâng cao rõ rệt".

Tam Đường phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Đạt chuẩn sản phẩm OCOP, miến dong Bình Lư ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Nhiều giải pháp phát triển sản phẩm OCOP ở Tam Đường

Một sản phẩm nữa cũng mang đậm nét đặc trưng vùng miền, đó chẩm chéo. Đây là đồ chấm thường thấy trong bữa ăn của đồng bào dân tộc Thái và bà con dân tộc Giáy. Từ nhiều năm nay, gia đình chị Mùng Thị Lệ, ở bản Sân Bay (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) làm chẩm chéo bán ra thị trưởng. Được cán bộ thị trấn giúp đỡ, động viên, khích lệ, chị Lệ đã mạnh dạn tham gia chương trình OCOP, với sản phẩm chẩm chéo Lực Lệ. Năm 2021, sản phẩm chẩm chéo Lực Lệ của gia đình chị được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Chẩm chéo của gia đình chị Lệ được làm từ nhiều nguyên liệu, mang đậm hương vị đặc trưng của vùng Tây Bắc, như: Sả, ớt, hạt dổi, muối, mắc khén, lá chanh. Mẫu mã đẹp, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sản phẩm chẩm chéo Lực Lệ được nhiều người tin dùng.

"Tôi rất mừng vì chẩm chéo do gia đình làm ra được công nhận sản phẩm OCOP. Sản phẩm chẩm chéo Lực Lệ có 3 loại, đó là loại thường, loại đặc biệt và loại ướt. Mỗi tháng, gia đình tôi bán ra thị trường trên 8.000 hộp chẩm chéo. Dịp tết Nguyên đán vừa qua, gia đình tôi bán hơn 10.000 hộp cho khách hàng. Ai ăn cũng tấm tắc khen ngon. Gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm hơn nữa để bán ra thị trường. Gia đình mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện trong khâu quảng bá, tiếp thị sản phẩm" – chị Lệ bày tỏ.

Tam Đường phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Năm 2021, sản phẩm chẩm chéo Lực Lệ của gia đình chị được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. (Ảnh: Thanh Ngân)

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Đường cho biết: Thời gian quan, huyện Tam Đường đặc biệt quan tâm tới việc phát triển sản phẩm OCOP. Huyện Tam Đường đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ thể về lợi ích, tầm quan trọng, ý nghĩa và giá trị kinh tế khi tham gia chương trình OCOP; Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương gắn với phát triển du lịch, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Tính đến hết năm 2022, huyện Tam Đường có 15 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, trong đó có 4 sản phẩm chủ lực tăng doanh thu từ 10 - 30%/năm như: Miến dong, chanh leo; chẩm chéo và chuối tươi. Các chủ thể tích cực mở rộng quy mô, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị sản phẩm ngày càng gia tăng.

Qua Chương trình OCOP, các sản vật của huyện Tam Đường ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, đồng thời nâng tầm giá trị hơn. Thực hiện Chương trình OCOP đã góp phần phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của nông dân, xây dựng mối liên kết trong sản xuất, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển.

Bắc Kạn: Nhiều chính sách hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP
Thanh Ngân