dd/mm/yyyy

Tái canh cà phê, yêu cầu cấp thiết giải quyết… rùa bò

120.000 ha cà phê già cỗi cần phải tái canh đang là vấn đề cấp thiết của cà phê Tây Nguyên. Thế nhưng, theo đánh giá, hiện việc này vẫn đang diễn ra khá chậm chạp.

 Việc tái canh sẽ giúp nâng cao năng suất sản lượng cà phê.

Năng suất, chất lượng giảm

Với hơn 450.000 ha, diện tích cà phê Tây Nguyên chiếm đến 90% diện tích cà phê của cả nước. Tuy nhiên, tính đến năm 2014, trong tổng số diện tích này có đến 120.000 ha cà phê đã già cỗi (hơn 20 tuổi) cần tái canh. Theo lộ trình mà Bộ NN&PTNT đưa ra, số diện tích này cần phải được thay thế trong vòng 6 năm từ 2014-2020. Bởi mặc dù diện tích này vẫn cho thu hoạch nhưng sản lượng giảm theo từng năm.

Theo thống kê đến giữa năm 2017, diện tích cà phê tái canh của các tỉnh Tây Nguyên đạt khoảng 66% (khoảng 80.000 ha). Trong đó, tỉnh Lâm Đồng đã trồng mới, tái canh, ghép cải tạo được hơn 43.600 ha. Tỉnh Đắk Lắk trồng tái canh được hơn 19.000 ha, trong đó có khoảng 30% sử dụng cây ghép và 70% dùng cây giống từ hạt lai đa dòng.

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), số diện tích cà phê già cỗi sinh trưởng kém, ít cành thứ cấp, nhiều cành không cho quả. Tình trạng này không chỉ khiến chất lượng giảm mà năng suất cà phê cũng bị sụt giảm đáng kể. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, hầu hết diện tích cà phê trên 20 năm tuổi chỉ cho năng suất từ dưới 1,5 tấn/ha, thấp hơn năng suất cà phê bình quân từ 5-10 tấn/ha.

Theo Bộ NN&PTNT, ngoài con số 120.000 ha cà phê cần tái canh đến năm 2020, thì hàng năm, diện tích cà phê già cỗi ở Tây Nguyên vẫn tiếp tục tăng thêm. Không chỉ thế, quá trình già cỗi cây cà phê đang có dấu hiệu tăng nhanh do một số diện tích được bố trí trồng trên những vùng đất không phù hợp, giống cây trồng và đầu tư không bảo đảm quy trình.

Bên cạnh đó, quá trình thâm canh cao độ cũng khiến cây cà phê nhanh chóng tàn kiệt. Đây chính là lý do mà tháng 10.2010, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020. Đề án được xem là giải pháp vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài cho ngành cà phê Việt Nam.

Việc trẻ hóa vườn cà phê không chỉ là cách để nâng cao năng suất mà quá trình này sẽ giúp dần thay những giống cà phê kém hiệu quả bằng những giống cà phê mới có nhiều ưu điểm về năng suất, chất lượng vào canh tác.

Diện tích tái canh cà phê của nông dân huyện Đắk Mil đang phát triển tốt.

Không chỉ trên lý thuyết, mà từ thực tế, nhiều mô hình tái canh cà phê cũng cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội. Tại Công ty Ea Pôk (Đắk Lắk) 100ha tái canh hơn 3 năm đã cho năng suất bình quân từ 2,5-3 tấn/ha; Hơn 30ha tái canh của Nông trường cà phê Thuận An (Ðắk Nông) cũng đang cho năng suất hơn 2 tấn/ha. Một số mô hình tái canh trong nông dân đạt năng suất từ 4-7 tấn/ha.

Ngành nông nghiệp đang cùng các ngành, địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết phát triển cà phê bền vững; tập trung nghiên cứu để sớm sửa đổi quy trình tái canh cà phê cho phù hợp với quy mô nông hộ có diện tích và điều kiện thực tế của từng địa phương; ban hành quy trình tái canh cà phê theo phương pháp ghép cải tạo...

Tỉnh Gia lai trồng tái canh được hơn 5.700ha, trong đó có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Ia Grai có diện tích tái canh hàng trăm ha. Diện tích tái canh cây cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2016 đạt hơn 8.000 ha. Trong đó, tỷ lệ tái canh thành công là 85%, diện tích tái canh không luân canh là 10%, luân canh một năm là 30%, luân canh hai năm 60%...

Nhiều "bài toán" chưa giải xong

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, diện tích tái canh lần này mới chiếm gần 20% tổng diện tích cà phê khu vực Tây Nguyên. Trong vòng 10 năm tới, diện tích cà phê già cỗi vẫn còn khá nhiều. Nếu diện tích này không được thay thế kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất và chất lượng của cà phê Việt Nam.

Tuy nhiên, để tái canh cây cà phê đạt hiệu quả cao, các địa phương cần xác định được diện tích tái canh cà phê, ghép cải tạo ở các mức độ luân canh khác nhau, dựa trên cơ sở các tiêu chí về vùng quy hoạch, lý, hóa tính đất, nguồn nước tưới, tuổi cây cà phê, giống, khả năng sinh trưởng và năng suất; tình hình bệnh hại cà phê…Từ đó có cơ sở hướng dẫn người trồng xác định được diện tích cà phê cần tái canh ở mức độ nào, không phải luân canh, luân canh một năm hay hai năm, cũng như diện tích cà-phê cần ghép cải tạo, hoặc phải chuyển đổi sang cây trồng khác. Chưa kể, trong quá trình tái canh, nhiều diện tích cà phê bị vàng lá, dẫn đến rụng lá, khô cành và chết do sâu bệnh hay thời tiết bất thường...

Ông Huỳnh Quốc Thích - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, cho biết: Chương trình cho vay tín dụng thực hiện tái canh cà phê chưa thật sự hấp dẫn do hạn mức vay thấp, giải ngân vốn vay theo tiến độ triển khai (mức vay cao nhất 150 triệu đồng/ha tái canh và 80 triệu đồng/ha ghép cải tạo) không đáp ứng nhu cầu của người dân thực hiện đầu tư tái canh, cải tạo. Việc nông dân áp dụng hình thức tái canh từng phần (cuốn chiếu) cũng là trở ngại trong thẩm định cho vay của ngân hàng. Nhiều hộ trồng cà phê (nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn) không có khả năng tài chính, không đủ vốn hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn (như đang còn dư nợ và thế chấp tài sản bằng vườn cây tại ngân hàng) chưa có khả năng trả hết nợ cũ để thực hiện vay gói tái canh.

Để đẩy nhanh quá trình tái canh cà phê thì trước tiên phía ngân hàng cần đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, thủ tục cho vay để người sản xuất dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay.

Ngoài ra, nhiều "bài toán" khác liên quan đến vấn đề tái canh cà phê đến nay vẫn chưa giải xong. Ông Nguyễn Văn Chương, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông) nhận định, về tổng thể chương trình tái canh cây cà phê, ghép cải tạo giai đoạn 2012- 2016 triển khai còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Nguyên nhân là do nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và người dân chưa đầy đủ về lợi ích của chương trình tái canh nên chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa triển khai đồng bộ.

Bên cạnh đó, việc cung cấp, quản lý nguồn giống, áp dụng kỹ thuật trong quá trình tái canh còn nhiều bất cập. Hiện nay nhu cầu về cây giống cà phê trồng tái canh rất lớn, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh chưa có một vườn ươm giống nào được cơ quan chức năng chứng nhận đạt chuẩn. Phần lớn diện tích trồng tái canh, ghép cải tạo là do các nông hộ tự triển khai nên đôi khi chất lượng nguồn giống không bảo đảm, áp dụng quy trình kỹ thuật còn hạn chế.

Theo ông Thích, để đẩy nhanh quá trình tái canh cà phê thì trước tiên phía ngân hàng cần đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, thủ tục cho vay để người sản xuất dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay; đối với quy mô diện tích nông hộ, nên giải ngân vốn vay một lần, hỗ trợ cấp bù lãi suất hoặc miễn lãi suất trong thời gian ân hạn. Bên cạnh đó, cần thường xuyên thực hiện việc sơ kết, đánh giá hiệu quả thực hiện Chương trình tái canh, nhằm phát huy những thế mạnh, khắc phục những hạn chế, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tránh tái canh cà phê theo phong trào.

Ông Lê Trọng Yên - Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông cho biết: Để đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê, trong những năm tiếp theo, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh Đắk Nông đang tập trung gỡ các “nút thắt” về quy hoạch, chất lượng cây giống, nguồn vốn.

Duy Hậu