dd/mm/yyyy

Sốp Cộp chú trọng phát triển sản phẩm OCOP

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) ở huyện Sốp Cộp (Sơn La) đã chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển các sản phẩm OCOP.

Người dân Sốp Cộp mạnh dạn làm sản phẩm OCOP

Trao đổi với PV, ông Vì Văn Định, Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Sốp Cộp cho biết: Chương trình OCOP với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Thời gian qua, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Sốp Cộp trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP, các xã, hợp tác xã, tổ liên kết đã mạnh dạn tham gia Chương trình và đã mang lại những kết quả khả quan, tạo động lực thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện.

Nếp tan Mường Và (xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) được nhiều người biết đến vì hương vị đậm đà và độ dẻo thơm đặc trưng của nó. Những ai đã từng thưởng thức nắm xôi làm từ loại nếp này dù chỉ ăn một lần nhưng sẽ nhớ cả đời về vị thơm ngon khó cưỡng...

Sốp Cộp chú trọng phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Sản phẩm gạo nếp tan Mường Và được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: HTX Nông nghiệp Nam Phượng.

Theo ông Lò Văn Chiến, già bản Mường Và, nếp tan Mường Và có hạt to, tròn, trắng, khi đồ xôi lên có độ dẻo thơm đặc trưng. Đặc biệt, khi lấy nếp tan Mường Và đồ xôi mà mở vung chõ thì dù ở cách xa đó hàng chục mét cũng sẽ thấy mùi thơm đặc biệt của nó.

Nếp tan Mường Và có nhiều loại giống, như: Tan Nhe, tan Hin, tan Lo. Trong đó, chủ yếu là giống nếp tan Nhe, tan Hin. Hiện, nếp tan Mường Và trồng trên địa bàn huyện Sốp Cộp có diện tích khoảng 1.000 ha, sản lượng hàng năm bình quân đạt 5.000 tấn. Đây là giống gạo đặc sản của địa phương.

Xác định được thế mạnh đó, các cấp, các ngành huyện Sốp Cộp đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và tổ chức đánh giá xếp loại OCOP cấp huyện, lựa chọn sản phẩm đánh giá và xếp hạng cấp tỉnh.

Sốp Cộp chú trọng phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Vùng sản xuất lúa nếp tan của huyện Sốp Cộp chủ yếu tập trung trên địa bàn các xã Mường Và, Mường Lạn, Dồm Cang, Púng Bánh, Nậm Lạnh. Ảnh: Tuệ Linh.

HTX, doanh nghiệp, doanh nhân ở Sốp Cộp cũng chung tay làm OCOP

Năm 2019, sản phẩm gạo nếp tan Mường Và với tên gọi "Nếp Mường Và - Sốp Cộp" đã được UBND tỉnh Sơn La đánh giá, xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trước đó, năm 2018, sản phẩm "Nếp Mường Và - Sốp Cộp" đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu bảo hộ.

HTX Nông nghiệp Nam Phượng, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp được lựa chọn là đơn vị sản xuất sản phẩm gạo nếp tan Mường Và.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Phượng, Giám đốc HTX nông nghiệp Nam Phượng cho biết: Dưới sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, HTX đã chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chất lượng và an toàn thực phẩm…

Sốp Cộp chú trọng phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Khách hàng mua sản phẩm gạo nếp tan Mường Và tại hội chợ. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo Giám đốc HTX nông nghiệp Nam Phượng, sau khi được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm gạo nếp tan Mường Và của HTX được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm được đánh giá cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Qua đó, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân liên kết sản xuất với HTX.

Bên cạnh sản phẩm gạo nếp tan Mường Và, năm 2020, huyện Sốp Cộp tiếp tục được UBND tỉnh Sơn La công nhận thêm 1 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh là "Viên Hà thủ ô mật ong rừng Sốp Cộp" của HTX Long Hiếu (bản Hua Mường, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp".

Theo lãnh đạo HTX Long Hiếu, để làm ra những sản phẩm hà thủ ô mật ong rừng Sốp Cộp có lợi cho sức khỏe của con người đòi hỏi cần phải có quy trình sản xuất công phu. Quy trình đó được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Trước hết, người sản xuất cần phải lựa chọn, tính toán thời điểm để thu hoạch được hà thủ ô đạt tiêu chuẩn chất lượng đó là vào mùa Thu hoặc mùa Xuân.

Sốp Cộp chú trọng phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh "Viên Hà thủ ô mật ong rừng Sốp Cộp" của HTX Long Hiếu (bản Hua Mường, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp". Ảnh: HTX Long Hiếu.

"Sau đó, hà thủ ô được rửa sạch cạo vỏ, chặt khúc ngâm nước vo gạo trong 3 ngày 3 đêm. Mỗi ngày thay 2 lần nước gạo rồi tiến hành rửa sạch và hầm hà thủ ô với đỗ đen theo tỉ lệ phù hợp là 1kg hà thủ ô tươi với 100 gam đỗ đen trong 1 ngày 1 đêm cho nước ngấm hết vào hà thủ ô.

Tiếp tục, bỏ hà thủ ô ra tách lõi, thái lát mang đi sấy rồi nghiền thành bột trộn với mật ong. Công đoạn cuối cùng là viên nhỏ lại và đem sấy khô để sản phẩm được bảo quản tốt nhất", vị lãnh đạo HTX Long Hiếu cho biết.

Ông Vì Văn Định, Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Sốp Cộp thông tin: Những sản phẩm được xếp hạng OCOP có chất lượng đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhiều người tiêu dùng đã biết đến, kênh phân phối sản phẩm được thiết lập, liên kết sản xuất được hình thành, có chỗ đứng ổn định trên thị trường... Đây là những ưu điểm mang lại thành công cho sản phẩm OCOP trên địa huyện Sốp Cộp. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất và tiêu thụ, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Cùng với đó, để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP, công tác quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại luôn được huyện Sốp Cộp đặc biệt quan tâm.

Theo đó, huyện Sốp Cộp đã kết nối, hỗ trợ các HTX trên địa bàn đưa sản phẩm OCOP tham dự nhiều chương trình kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh Sơn La, tham gia nhiều hội chợ triển lãm, sự kiện, tạo điều kiện tìm kiếm thị trường, kết nối sản phẩm OCOP tại các tỉnh và các siêu thị tại Thành phố Hà Nội.

Trong năm 2022, UBND huyện Sốp Cộp đăng ký 1 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Đó là sản phẩm thịt trâu gác bếp biên cương của HTX Nông nghiệp Toản Duyên (bản Phổng, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp).

Trong thời gian tới, huyện Sốp Cộp sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận và tập trung phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đồng thời, gắn phát triển sản phẩm OCOP chủ lực với quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn.

Tuệ Linh