Dự Hội nghị triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" có đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Công ty Thương mại điện tử Bưu chính Viettel, chuyên gia tư vấn Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố và đại diện các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đang sản xuất các sản phẩm phù hợp với các tiêu chí OCOP của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Nội dung Hội nghị tập trung vào 5 chuyên đề: Một số vấn đề cần lưu ý trong triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm và quản lý sản phẩm sau khi gắn sao. Một số nhiệm vụ triển khai Chương trình OCOP tỉnh Sơn La năm 2020. Những điểm mới trong bộ tiêu chí bổ sung, quy chế quản lý tư vấn chương trình OCOP, quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phâm OCOP Việt Nam; xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP qua sàn thương mại điện tử của Viettel, nhiệm vụ của các sở ngành và cơ hội kểt nối giao thương.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình OCOP, ông Nguyễn Thành Công - Phó Trưởng ban phụ trách Chương trình MTQG nông thôn mới, Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La, cho biết: Thời gian qua, Chương trình OCOP đã được tỉnh Sơn La đã triển khai khá bài bản và quyết liệt. Tuy nhiên, những bước đi của tỉnh ta còn khá chậm so với nhiều tỉnh khác. Bên cạnh đó, nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh Sơn La còn hạn chế. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh tham gia làm OCOP gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn.
Theo ông Công, tiềm năng, lợi thế làm sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La còn rất nhiều. Năm 2020, tỉnh quyết tâm có 17 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, trên 30 sản phẩm xếp hạng OCOP cấp huyện. Qua đó, từng bước đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng.
Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) phải nêu cao tinh thần trách nhiệm cao trong việc tiếp thu các kiến thức được truyền đạt tại Hội nghị. Ngoài ra, các đại biểu cần tập trung thảo luận những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP để tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, ông Đặng Văn Cường, Trưởng phòng Quản lý Chương trình OCOP, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã truyền tải cho các đại biểu dự Hội nghị một số vấn đề cần lưu ý trong triển khai Chương trình OCOP và công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm và quản lý sản phẩm sau khi gắn sao.
"Năm 2019, tôi về Sơn La triển khai Chương trình OCOP. Hôm nay, quay trở lại Sơn La tôi rất bất ngờ về tốc độ triển khai Chương trình OCOP của Sơn La. So với nhiều tỉnh khác, tốc độ triển khai của Sơn La rất nhanh. Sơn La cũng là tỉnh đầu tiên được sàn thương mại điện tử của Viettel tiếp cận trực tiếp để bán sản phẩm OCOP. Mục tiêu cuối cùng của Chương trình OCOP là để phát triển các sản phẩm có lợi thế ở mỗi đại phương mà chúng ta đang tự hào, giúp chủ thể kiếm được tiền. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân", ông Cường nhấn mạnh.
Năm 2019, tỉnh Sơn La có 28 sản phẩm được gắn sao OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 9 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 19 sản phẩm xếp hạng 3 sao.
Sản phẩm xếp hạng 4 sao gồm: Cá tép dầu khô, HTX Thái Tuấn; mận sấy gừng, HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5; mận sấy mật ong, HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5; mận sấy thảo dược, HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5; trà xanh mây (Tà Xùa), Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc; hồng giòn sấy dẻo, HTX nông nghiệp Quyết Thanh; cà phê bột nguyên chất, HTX cà phê Bích Thao Sơn La; trà vỏ cà phê, HTX cà phê Bích Thao Sơn La; Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái, HTX sản xuất kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận.
Sản phẩm xếp hạng 3 sao gồm: Xoài sấy dẻo, HTX nông nghiệp Xuân Tiến; chuối sấy giòn, Hộ kinh doanh Nguyễn Xuân Chiến; măng trúc muối ớt, HTX nông nghiệp, dược liệu Háng Đồng; rượu Mận, HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5; rượu Mơ, HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5; rượu trưởng Bản, HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5; mận sấy dẻo, HTX nông nghiệp Quyết Thanh; xoài sấy dẻo, HTX nông nghiệp Quyết Thanh; chuối sấy dẻo, HTX nông nghiệp Quyết Thanh; chè bát tiên đặc biệt, HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập; chè Shan đặc biệt, HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập; long nhãn sấy khô, HTX Bảo Minh; tỏi đen, THT sản xuất và kinh doanh tỏi Phù Yên; tỏi khô, THT sản xuất và kinh doanh tỏi Phù Yên; thịt Trâu hun khói, Hộ kinh doanh Tòng Ngọc Hoa; gạo nếp tan Mường Và, HTX nông nghiệp Nam Phượng; mật ong, Hộ sản xuất kinh doanh Hồ Văn Sâm; tinh dầu xả, HTX sản xuất tinh dầu và dược liệu Mường La; long nhãn sấy khô Nguyễn Phòng, HTX dịch vụ nông nghiệp nhãn chín muộn.