Sơn La: Tháo gỡ "nút thắt" đất đai, mở đường an cư cho đồng bào dân tộc thiểu số

Văn Ngọc

19/05/2025 11:49 GMT +7

Sơn La tháo gỡ khó khăn về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi về nhà ở, sản xuất, góp phần ổn định đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Clip: Hội nghị tổng kết công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Sơn La

Những nỗ lực thầm lặng ổn định đời sống đồng bào dân tộc

Tại Hội nghị tổng kết công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Sơn La, ông Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La đã có bài phát biểu, chia sẻ những kết quả và bài học kinh nghiệm trong việc tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đất đai, đặc biệt là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo. Đây là một trong những yếu tố then chốt giúp Sơn La đạt được thành công trong chiến dịch xóa nhà tạm, ổn định đời sống người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong bài tham luận của mình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Phùng Kim Sơn nhấn mạnh: Sơn La là tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên trên 14.109km², đứng thứ 3 cả nước, trong đó có trên 1 triệu ha đất nông, lâm nghiệp, chiếm tới 75,2% diện tích đất tự nhiên.

Với dân số trên 1,4 triệu người và 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó trên 80% là người dân tộc thiểu số, Sơn La đối mặt với nhiều thách thức trong công tác quản lý và sử dụng đất. Tỉnh có 10 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố, trong đó có 2 huyện nghèo (Thuận Châu, Sốp Cộp).

Hội nghị tổng kết công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Theo báo cáo rà soát của các huyện, thị xã, thành phố (tính tới ngày 11/01/2025), toàn tỉnh có 2.837 hộ (2.463 hộ xây mới, 374 hộ sửa chữa) người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát.

"Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, của Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến nay, theo báo cáo của UBND cấp huyện đã hỗ trợ được 3.058 hộ để thực hiện xây mới và sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát, đạt 100% so với kế hoạch đề ra", ông Sơn khẳng định.

Kết quả này không chỉ thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh mà còn minh chứng cho sự đồng lòng của toàn xã hội. "Trong vòng gần một năm triển khai và phát động phong trào đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và toàn xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở. Đồng thời, khích lệ sự đồng hành, hỗ trợ trực tiếp của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường chia sẻ.

Ông Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Ngọc

Gỡ vướng đất đai - Chính sách đúng, hiệu quả cao

Một trong những đóng góp quan trọng của Sở Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Sở Tài nguyên và Môi trường, được hợp nhất từ tháng 3/2025) là vai trò tham mưu, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách pháp luật đất đai.

Về hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đất đai, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Trong quá trình xây dựng Luật Đất đai năm 2024, Sở Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Sở Tài nguyên và Môi trường) đã tham mưu UBND tỉnh tham gia ý kiến vào hồ sơ Luật cũng như các Nghị định hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, Sở với vai trò là thành viên của Tổ Biên tập xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng góp, xây dựng hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật đất đai góp phần tháo gỡ các 'điểm nghẽn, nút thắt' trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Các điểm nổi bật bao gồm: Chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo quỹ đất để hỗ trợ, giao đất cho các cá nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; Cơ chế, chính sách giải quyết các tồn tại, vướng mắc đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Quy định đột phá trong việc đăng ký biến động đất đai, chuyển đổi mục đích đất rừng phòng hộ của hộ gia đình cá nhân khi có nhu cầu sau điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng, phù hợp với quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp, đất ở. Điều này đã "giải quyết được cơ bản các vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai của các hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trước đây đã cấp Giấy chứng nhận đất rừng phòng hộ, nay đã điều chỉnh ra ngoài quy hoạch 03 loại rừng".

 Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La hỗ trợ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số về nhà ở. Ảnh: Nguyệt Nga

Sở cũng đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024, cùng với đó là xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh, UBND tỉnh quy định chi tiết thi hành Luật, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Đồng thời, kịp thời tham mưu UBND tỉnh công bố danh mục thủ tục hành chính và quy trình nội bộ về đất đai, đảm bảo giải quyết thông suốt cho người dân.

Về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Sở đã thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của 12/12 huyện, thị xã, thành phố và kế hoạch sử dụng đất hằng năm", ông Sơn thông tin.

Việc rà soát nhu cầu đất ở của người dân, đặc biệt là quỹ đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở cho các cá nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo luôn được Sở quan tâm, hướng dẫn UBND cấp huyện chủ động rà soát nhu cầu và hỗ trợ hoàn thiện mọi thủ tục.

Thách thức và bài học cho tương lai

Tỉnh Sơn La đã có những  giải pháp tháo gỡ khó khăn về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Nguyệt Nga

Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Phùng Kim Sơn cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại: Thời gian thực hiện phong trào có hạn, đặc biệt lại diễn ra trong giai đoạn Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với quy định, đòi hỏi Sở phải tập trung lực lượng cho việc hoàn thiện các thể chế, chính sách tại địa phương; Một số hộ hưởng chính sách được tách ra từ hộ bố mẹ, sử dụng đất có nguồn gốc được tặng cho nhưng chưa kịp thời hoàn thiện các thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất; Công tác trao đổi thông tin giữa cấp huyện và Sở đôi lúc còn chưa kịp thời, dẫn đến công tác quản lý đất đai còn bộc lộ một số tồn tại, bất cập.

"Với những thành tựu đã đạt được trong năm 2025, đồng thời rút ra những kinh nghiệm quý báu trong quá trình tổ chức thực hiện, Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục trong việc chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp", ông Sơn khẳng định.

Các nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra bao gồm: Thực hiện tốt công tác rà soát để có hoạch định, định hướng chiến lược nhằm thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là chuẩn bị các điều kiện để triển khai quy hoạch sử dụng đất cấp xã; Chủ động hoàn thiện đầy đủ, kịp thời thể chế, chính sách về đất đai của địa phương; Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, phối hợp chặt chẽ với các cấp để hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về đất đai.

Tham mưu thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định tại Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 và Nghị quyết số 102/2024/NQ-HĐND ngày 30/12/2024 của HĐND tỉnh Sơn La; Tập trung chỉ đạo hệ thống Văn phòng Đăng ký thực hiện tốt công tác chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; phối hợp, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai.

Bài phát biểu của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La Phùng Kim Sơn đã nêu ra những nỗ lực và bài học kinh nghiệm quý báu của Sơn La trong việc xóa nhà tạm, an cư lạc nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vai trò quan trọng của công tác quản lý đất đai. Đây là tiền đề vững chắc để Sơn La tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai.

Sơn La: Hoàn thành xóa nhà tạm cho trên 3.000 hộ nghèo

Sơn La: Hoàn thành xóa nhà tạm cho trên 3.000 hộ nghèo

Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh Sơn La đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 3.058 hộ, đạt 100% kế hoạch, với nguồn kinh phí hơn 171 tỷ đồng.

Sơn La về đích sớm trong công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát

Sơn La về đích sớm trong công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát

Sơn La đã về đích trước thời hạn mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Xóa nhà tạm, hướng tới giảm nghèo bền vững nơi vùng cao Sơn La

Xóa nhà tạm, hướng tới giảm nghèo bền vững nơi vùng cao Sơn La

Hàng chục ngôi nhà mới cho hộ nghèo được dựng lên, giúp bà con ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Sơn La: Phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát

Sơn La: Phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát

Sơn La phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 19/5/2025, an cư cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở.