Clip: Sơn La phát triển chi hội, tổ hội nghề nghiệp hỗ trợ nông dân
Hiệu quả từ mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp hỗ trợ nông dân
Hội Nông dân tỉnh Sơn La là tổ chức chính trị xã hội, có hệ thống tổ chức từ tỉnh tới cơ sở, trong đó có 12 Hội Nông dân huyện, thành phố; 199 cơ sở Hội và 2.191 chi hội với 171.138 hội viên. Triển khai Đề án số 24-ĐA/HNDTW, 23/6/2016, Ban Thường vụ Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam về Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp; Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW, ngày 05/8/2019, Ban Chấp hành Trung ương Hội (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp là nội dung rất cần thiết, là tiền đề nâng cao chất lượng hoạt động và xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh.
Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân các huyện, thành phố xây dựng mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp đảm bảo theo nguyên tắc "5 tự", "5 cùng". Trong đó, "5 tự" gồm: tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm; "5 cùng" gồm: cùng lĩnh vực lao động (ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ), cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng trách nhiệm, cùng hưởng lợi.
Chi hội nông dân nghề nghiệp bản Củ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La được thành lập năm 2023 với 15 hội viên và quy mô 15 ha cây ăn quả có múi gồm: Cam, bưởi và quýt. Theo đó, mô hình Chi hội nông dân nghề nghiệp sẽ góp phần mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo việc làm cho nông dân, phát huy được tiềm năng và thế mạnh ở địa phương, đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Chất, Chi hội nông dân nghề nghiệp bản Củ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Việc hình thành và phát triển hợp tác xã kiểu mới, chi hội nông dân nghề nghiệp đã thể hiện được vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Chi hội hoạt động theo nguyên tắc "5 tự, 5 cùng". Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các hội viên với nông dân toàn xã trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, nhanh và bền vững.
Khẳng định vai trò quan trọng trong hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho kinh tế hộ trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sử dụng dịch vụ, tiếp cận thị trường. Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ Chi hội nông dân nghề nghiệp bản Củ, xã Chiềng Ban trên 40 tấn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Triển khai có hiệu quả chi hội, tổ hội nghề nghiệp hỗ trợ nông dân
Ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La thông tin: Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Sơn La đã thành lập được 193 chi hội nông dân nghề nghiệp với 4.812 hội viên và 556 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 3.638 hội viên hoạt động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Các chi hội, tổ hội đi vào hoạt động, phát sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo sức cạnh tranh hàng hóa ra thị trường....
Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã tập trung khai thác các nguồn vốn và ưu tiên cho các tổ hội nghề nghiệp được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, tổng dư nợ trên 80 tỷ đồng; vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 1.561 tỷ đồng; dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT trên 1.131 tỷ đồng. Từ kết quả hoạt động của các tổ hội cho thấy việc thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, sản xuất tập trung đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao nhận thức cho hội viên, phát huy được trí tuệ, sáng tạo, nội lực của hội viên nông dân, giúp hội viên có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi thống nhất phương án sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí đầu như con giống, cây trồng, vật nuôi, thức ăn, vật tư phân bón.
Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của chi hội, tổ hội nghề nghiệp trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh đã và đang triển khai thực hiện một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vận động hội viên sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, ký cam kết sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm.
Chỉ đạo cơ sở hội thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng công tác quản lý hội viên; củng cố tổ chức hội, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động, sinh hoạt của cơ sở, chi hội; tiếp tục nhân rộng các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, THT, HTX... nhằm đổi mới, đa dạng hóa mô hình tổ chức Hội cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh, làm nòng cốt cho phong trào nông dân phát triển kinh tế.
Tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là cán bộ Hội cơ sở, chi hội trưởng nông dân nghề nghiệp, tổ trưởng tổ hội nông dân nghề nghiệp. Tập trung vào phương pháp, kỹ năng tổ chức vận động quần chúng, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành, kiến thức về canh tác nông nghiệp và quy trình thành lập chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hHội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp... hỗ trợ, đưa, cán bộ chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi, thành viên HTX đi đào tạo, bồi dưỡng, học hỏi kinh nghiệm ở trong và ngoài tỉnh.