Sơn La lấy nông thôn mới làm động lực bứt phá

Kiều Thiện

23/02/2017 14:16 GMT +7

Việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM) đã tạo những chuyển biến tích cực và bền vững trong nông dân – nông nghiệp và nông thôn của Sơn La. Vì vậy, năm 2017, Sơn La quyết tâm phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn của Sơn La lên 15 xã và tăng trưởng thêm các tiêu chí ở tất cả các xã trong tỉnh, gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị…

Nâng cao hiệu quả sản xuất tạo thu nhập ổn định và tăng trưởng cho nông dân vùng cao là giải pháp thiết thực trong xây dựng NTM. Ảnh Kiều Thiện

Huy động tổng lực

Sơn La bắt tay vào thực hiện mục tiêu xây dựng NTM trong hoàn cảnh một tỉnh nhiều khó khăn so với cả nước và vừa trải qua cuộc di dân tái định cư thủy điện Sơn La lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Bởi vậy, xuất phát điểm của Sơn La trong những ngày đầu làm NTM là rất thấp. Tuy thế, đến hết năm 2016, tỉnh Sơn La đã có 8 xã đạt chuẩn NTM, vượt 60% so với kế hoạch. Số tiêu chí NTM bình quân đạt 7,8 tiêu chí/xã, vượt 4% so với kế hoạch năm. Đặc biệt, vấn đề việc làm và thu nhập của người dân trong vùng nông thôn có sự tăng trưởng nhanh và bền vững, tạo lực cho NTM Sơn La bứt phá vươn lên trong những năm tiếp theo.

Không chỉ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, Sơn La còn nỗ lực nâng cao chất lượng giao dục. Ảnh KT.

Với Sơn La cũng nhờ bám sát thực tiễn và tôn trọng ý kiến người dân, tránh huy động sức dân quá mức nên chúng tôi thành lập hàng ngàn ban chỉ đạo phát triển bản do chính những người dân ở bản ấy, làng ấy tham gia. Do đó, việc NTM ở bản ấy, xã ấy, thôn ấy cần làm những cái gì, cái gì cần ưu tiên, cái gì cần huy động sức dân… là do chính người dân đề xuất, lập kế hoạch.
Ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Sơn La.

Lý giải về sự tăng trưởng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ông Phạm Anh Hữu, Chi cục trưởng Chi cục Hợp tác xã và PTNT, Văn phòng điều phối NTM Sơn La, cho biết: Là tỉnh nghèo nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã huy động tổng lực một cách hài hòa để tạo nên sức mạnh cho NTM. Những mục tiêu, tiêu chí về NTM được tỉnh Sơn La xác định “vừa là mục tiêu vừa là động lực”. Chính cách xác định đó cho chúng tôi thêm quyết tâm để đạt được những kết quả cao hơn. Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể, đơn vị chức năng tới người dân đều chung tay xây dựng NTM.

Những bài toán cụ thể để tạo thế và lực cho NTM được ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Sơn La cho rằng: Với nông dân, nông nghiệp và nông thôn miền núi, việc xây dựng các chỉ tiêu, kế hoạch chỉ có thể hoàn thành được nhờ hiệu quả công tác khảo sát, nắm bắt thực tiễn, đánh giá tình hình sát thực. Từ đó mới xây dựng được những tiêu chí phấn đấu cũng như có kế hoạch bám nắm địa bàn để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn từng bước nhằm nâng cao tính khả thi của kế hoạch đề ra. Nhờ thế, Sơn La có sự đồng thuận rất cao của người dân trong xây dựng NTM. Nhiều địa bàn nông dân còn đòi hỏi, xung phong được đóng góp nhiều hơn để nhanh chóng đạt được những tiêu chí NTM như: Điện, Đường giao thông, nhà văn hóa, nhà lớp học…

Người dân nỗ lực, Nhà nước quan tâm chặt chẽ. Ngoài hàng ngàn tỷ đồng vốn được lồng ghép từ nhiều nguồn đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ nông dân bứt phá vươn lên bám sát với những tiêu chí NTM, tỉnh Sơn La cũng tập trung cao chỉ đạo, điều hành thực hiện NTM. Chỉ riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành NT&PTNT tỉnh đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện 28 tiêu chí cơ bản liên quan chặt chẽ tới bát cơm – manh áo, nguồn tích tụ vốn cho người dân: Diện tích các loại cây trồng, sản lượng các loại cây trồng, số lượng đàn gia súc, gia cầm, thủy sản, sữa tươi, thịt hơi; cây ăn quả ngắn ngày, dài ngày… Những con số, những chỉ tiêu kế hoạch cơ bản ấy lại được cụ thể hóa ra hàng trăm kế hoạch chi tiết khác: Vốn lấy từ đâu ? Đơn vị nào thực hiện ? Thời gian triển khai ? Đôn đốc thế nào ? Kiểm tra đánh giá ra sao ?.... Nhờ thế nên các kế hoạch về vốn, nhân sự luôn đáp ứng yêu cầu thực tiễn, làm nên hiệu quả cao trong thực hiện mục tiêu.

Khởi sắc nơi bản khó

Một trong những nét khởi sắc đầu tiên và có chiều sâu đó chính là nhận thức của người dân về NTM trên đất Sơn La. Từ việc không ít người lúc đầu bắt tay váo thực hiện chương trình này còn có những nghi ngờ, e ngại, do dự về tính khả thi, về huy động sức dân… thì đến nay trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có hàng trăm ngàn hộ gia đình thực hiện đóng góp một cách vô tư với NTM: Đóng góp trí tuệ, giải pháp thực hiện; Hiến đất, hiến ngày công, tài sản, thậm chí là cả tiền mặt. Điều đó cho thấy sự đồng thuận cao trong NTM Sơn La.

Bà con nông dân ở xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp được hỗ trợ những giống lúa chất lượng, năng suất. Ảnh KT

“Khi được nghe, được thấy những mục tiêu kế hoạch hàng năm của tỉnh, huyện, xã, chúng tôi hiểu rằng Nhà nước rất quan tâm đến nông dân. Cũng nhờ đó dân chúng tôi cũng phải phấn đấu nhiều hơn. Khi tôi được nhận con bò hỗ trợ hộ nghèo, tôi cũng bảo vợ, con mình: Nhà nước vừa cho dân bản mình cái đường bê tông, lại lo cho dân mình con giống, cây giống, bảo cách làm ăn nên mình phải phấn đấu lên, phải làm tốt lên cho Nhà nước vui và mình cũng vui”.
Ông Lò Văn Thi, dân tộc Sinh Mun ở bản Tà Ẻn, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, Sơn La.
 

Từ những thay đổi trong nhận thức chuyển thành hành động, diện mạo của tam nông ở Sơn La có những khởi sắc rõ nét. Không chỉ ở những địa bàn thuận lợi như: Thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn, Mộc Châu mà ngay cả ở những vùng cao heo hút của các huyện đặc biệt khó khăn như: Sông Mã, Sốp Cộp, Mường La, Vân Hồ, Phù Yên… phong trào xây dựng NTM cũng đã thu được nhiều kết quả không nhỏ.

Tại xã Mường Lèo của huyện Sốp Cộp – nơi mà trước đây từng nổi tiếng về sự khó khăn với câu thành ngữ “Mường Lèo không thể đi một lèo”. Bởi từ trung tâm huyện đến trung tâm xã ít nhất cũng phải mất 2 ngày đi bộ. Xa xôi, gian khó tất gắn liền với đói nghèo, lạc hậu. Nhưng nay ở đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình có kết quả cao trong xóa đói – giảm nghèo, xây dựng tam nông, xây dựng đời sống văn hóa, phát triển giáo dục – đào tạo. Những giống lúa, ngô, cây ăn quả chất lượng cao; những đàn gà, lợn, ngan, ngỗng, bò lai đang sinh sôi ngày một nhiều giúp nông dân nâng cao hiệu quả lao động. Trụ sở UBND xã, Trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, đường giao thông, nước sinh hoạt… được đầu tư mạnh mẽ theo hướng khang trang, hiện đại.

Chính sự thay đổi ở vùng quê nghèo này đã giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tin tưởng hơn về NTM là của dân, do dân và vì dân. Khi tôi rào lại cái hàng rào quanh nhà cho gọn và đẹp hơn hay đầu tư làm nhà vệ sinh, di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm sàn, tham gia bảo vệ rừng và nguồn nước… tôi đều nghĩ rằng: Mình đang góp phần làm NTM cùng nông dân cả nước” - ông Đinh Văn Quyết, dân bản Vường xã Tân Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La bảo vậy.