dd/mm/yyyy

Sơn La: Lão nông bắt đất nương cằn cỗi nhả ra bạc triệu

Nhờ cần cù chịu khó, lão nông Lèo Văn Lo, bản Cỏ (xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) đã biến đất nương cằn cỗi trồng nhãn thành vườn cây bạc triệu. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, cuộc sống gia đình ngày càng có của ăn của để.

Từ diện tích đất được bố mẹ nhượng cho để sản xuất, trồng trọt, ông Lèo Văn Lo trồng hết lúa, đỗ và ngô, nhưng hiệu quả không cao, kinh tế gia đình mãi chẳng khá lên được. Sau nhiều đêm trằn trọc tìm hướng đi mới, nhận thấy cây nhãn Miền Thiết có thể cho thu nhập cao hơn nên ông quyết định trồng nhãn để thay thế.

Lão nông bắt đất nương cằn cỗi nhả ra tiền - Ảnh 1.

Ông Lèo Văn Lo, bản Cỏ (xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) trồng nhãn địa phương, sau đó ghép nhãn Miền Thiết, cho quả to, cùi dày, mã đẹp và sai quả hơn.

Ông Lèo Văn Lo, bản Cỏ (xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) kể về cơ duyên đến với cây nhãn: Năm 1991, tôi chuyển hơn 1 ha đất trồng lúa sang trồng nhãn cỏ địa phương. Tuy nhãn không được giá nhưng chăm sóc nhàn hơn các loại cây trồng khác. Hơn nữa, cây nhãn phù hợp với khí hậu, thời tiết ở huyện Sông Mã nên phát triển tốt. Vì vậy, năm 2010, gia đình tôi trồng thêm 2 ha nữa. Tuy nhiên, giống nhãn cỏ địa phương năng suất không cao, quả nhỏ, mã không đẹp, ít thương lái thu mua, người trồng nhãn gặp không ít khó khăn, thậm chí một số hộ đã chặt bỏ.

Lão nông bắt đất nương cằn cỗi nhả ra tiền - Ảnh 2.

Để vườn nhãn xanh tốt, cho quả sai trĩu, ông Lèo Văn Lo, bản Cỏ (xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) đã cùng vợ, con bỏ nhiều công sức chăm sóc.

Theo ông Lèo Văn Lo, năm 2011 phong trào cắt ghép, cải tạo giống nhãn địa phương bằng giống nhãn Miền Thiết có nguồn gốc từ tỉnh Hưng Yên rộ lên, bà con dân bản ai nấy cũng làm theo. Thấy vậy ông cũng quyết định cắt tỉa cành, chuyển toàn bộ vườn nhãn sang ghép giống nhãn Miền Thiết. "Thật bất ngờ, chỉ sau 2 năm ghép nhãn Miền Thiết, vườn nhãn của gia đình tôi đã cho ra trái chất lượng khác hẳn, quả to, hương vị thơm ngon, vỏ mỏng, cùi dày. Thương lái tìm đến mua ngày một nhiều. Từ ngày cải tạo giống đến nay, 3ha nhãn của tôi năm nào cũng mang lại thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng", ông Lèo Văn Lo phấn khởi cho biết.

Lão nông bắt đất nương cằn cỗi nhả ra tiền - Ảnh 3.

Ông Lèo Văn Lo đang chăm sóc vườn nhãn.

Để nhãn Miền Thiết sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao, ông Lo bón phân đúng quy cách, đủ liều lượng. Đặc biệt, sau khi thu hoạch xong, ông bón phân ngay để cây phục hồi. Đồng thời, tiến hành cắt tỉa cành, lá cho thông thoáng, tập trung dinh dưỡng nuôi cây. Khi nhãn ra hoa, ông Lo bón thêm phân lần nữa. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên kiểm tra tình hình phát triển của cây, khi cây xuất hiện sâu bệnh hại, tiến hành phun thuốc xử lý ngay… Nhờ vậy mà vườn nhãn của gia đình ông Lo năm nào cũng cho quả xum xuê.

Lão nông bắt đất nương cằn cỗi nhả ra tiền - Ảnh 5.

Biết cách chăm sóc, làm cho nhãn chín sớm nên gia đình ông Lo luôn bán được giá cao trong đầu vụ thu hoạch nhãn.

Để giảm chi phi đầu tư cho vườn nhãn, ông Lo tận dụng phân trâu, bò có sẵn để ủ, bón cho cây. Cách làm này không chỉ tiết kiệm mà còn nâng hiệu quả giá trị sản phẩm nhãn, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao.

"Từ khi ghép cải tạo giống nhãn Miền Thiết đến nay, năm nào vườn nhãn của gia đình tôi cũng cho thu hoạch từ 40 - 48 tấn quả. Riêng vụ nhãn năm năm 2020 vừa rồi, từ 3ha nhãn, gia đình tôi thu về hơn 400 triệu đồng. So với trồng lúa, trồng đỗ, thì trồng nhãn cho thu nhập cao gấp nhiều lần. Năm nay thời tiết ủng hộ, vườn nhãn sai quả, ước tính sẽ cho sản lượng và thu nhập cao hơn năm ngoái", ông Lo hồ hởi nói.

Được biết vào năm 2017, ông Lo đã tham gia Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hợp Lực, liên kết sản xuất với các hộ, liên kết với doanh nghiệp trong khâu thu mua, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhờ thế đầu ra cho nhãn ổn định, vụ nhãn nào, gia đình ông Lo cũng bán được giá, kinh tế của gia đình ngày càng dư giả.

 

Hà Hoàng