Hội nghị đánh giá, phân hạng và công nhận lại sản phẩm OCOP
Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, tỉnh Sơn La đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin, đại chúng từ tỉnh đến cấp xã, thôn, bản; gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng NTM.
Thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP, năm 2024, tỉnh Sơn La có 9 sản phẩm OCOP cần đánh giá, phân hạng, công nhận lại và một sản phẩm trà xanh hữu cơ của Công ty cổ phần Chè Chiềng Đi đánh giá mới. Các sản phẩm được đánh giá tập trung vào nhóm thực phẩm chế biến, như: Miến dong, chè. Việc tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận các sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, cũng như hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Kiểm tra các sản phẩm, các thành viên Hội đồng đánh giá các sản phẩm đều đáp ứng tốt các điều kiện, tiêu chuẩn về đánh giá phân hạng lại sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, các chủ thể đã tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, mở rộng liên kết giữa người sản xuất, HTX, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, sau khi được đánh giá phân hạng và công nhân lại, các chủ thể cần mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng các quy trình chế biến, sản xuất tiên tiến; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đặc biệt là áp dụng chuyển đổi trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Hội đồng OCOP tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 đã công nhận 10/10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Phấn đấu mỗi xã có 1 sản phẩm OCOP
Đến nay, tỉnh Sơn La có trên 150 sản phẩm OCOP. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh Sơn La phấn đấu mỗi xã, phường có ít nhất một sản phẩm OCOP. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có ít nhất 50% sản phẩm OCOP 3 sao giai đoạn 2021-2025, được nâng hạng lên 4 sao; có ít nhất 10 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia và có từ 40-50 sản phẩm OCOP của tỉnh xuất khẩu ra nước ngoài. Việc ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những yếu tố then chốt giúp các sản phẩm nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX sản xuất sản phẩm OCOP. Thực hiện đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP, trên hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh.
Đồng thời, rà soát, định hướng phát triển các sản phẩm theo chất lượng. Tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm đã có, hoàn thiện các điều kiện để nâng hạng các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao, đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của thị trường.