Theo phản ánh của một số cơ sở xuất khẩu tôm hùm ở Khánh Hòa, những ngày qua tôm hùm ở địa phương xuất khẩu qua Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, chỉ cho Việt Nam xuất tôm hùm số lượng rất ít. Nhiều xe tôm hùm nằm ngay tại cửa khẩu Móng Cái mà không thể xuất qua được, trước tình hình trên khiến nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ.
Ngày 19/11, trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Bình - Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Bình Thơm, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) cho biết, các năm trước tôm hùm xuất khẩu sang Trung Quốc không giới hạn, khi đến cửa khẩu Móng Cái sau khi làm thủ tục đều qua đó để xuất bán.
Ông Bình cho biết thêm, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm hùm lớn nhất của Việt Nam. Kể từ tháng 8 âm lịch đến nay, thị trường này hạn chế nhập hàng hải sản tươi sống. Mỗi ngày họ chỉ cho qua khoảng 40 xe vừa tôm, cua, ốc, cá nên lượng hàng tôm hùm xuất khẩu không nhiều như trước đây.
Ông Bình nói, tôm hùm là mặt hàng tươi sống khi đưa đến cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) thì bị kiểm tra, giữ lâu khiến tôm sống thành tôm chết thiệt hại nặng cho doanh nghiệp. Ông Bình đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo các đơn vị liên quan cần làm việc với phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng tôm hùm, cũng như các hải sản khác để giúp người dân xuất khẩu thuận lợi hơn.
Liên quan đến vấn đề trên, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, trước thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu tôm hùm bông (Panulirus ornatus), Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người nuôi tôm hùm lồng trên địa bàn tỉnh cần chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về thị trường tiêu thụ để có kế hoạch sản xuất phù hợp, tuân thủ các quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc để thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm khi đến kích cỡ thu hoạch. Trước mắt nên lựa chọn đối tượng nuôi: Giảm nuôi tôm hùm bông, tăng nuôi tôm hùm xanh.
Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019, các hộ nuôi tôm hùm phải nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý. Khuyến khích người dân tham gia vào chuỗi liên kết sản phẩm tôm hùm chất lượng, an toàn, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp Khánh Hòa, những năm trước, vào thời điểm này, tình hình tiêu thụ tôm hùm bông tương đối thuận lợi, tuy nhiên khoảng 3 tháng trở lại đây việc tiêu thụ tôm hùm bông trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, do không có thương lái thu mua, làm giá tôm hùm bông giảm nhiều so với trước. Trong khi đó, tôm hùm xanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn được thương lái thu mua ổn định, trung bình trên dưới 1 triệu đồng/kg, người nuôi xuất bán bình thường.
Video tôm hùm, hải sản của người dân qua Trung Quốc gặp nhiều khó khăn
Việc thương lái dừng thu mua tôm hùm bông kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến người nuôi, bởi dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán, có khoảng 200 tấn tôm hùm thương phẩm cần tiêu thụ. Nếu không xuất bán được, người nuôi sẽ không thể cầm cự bởi chi phí nuôi tăng mỗi ngày, nếu càng kéo dài, người nuôi càng dễ thua lỗ. Ngoài ra, mùa mưa bão đang đến rất gần, cần thu hoạch lượng tôm hùm đạt kích cỡ thương phẩm, tránh thiệt hại do bão lũ gây ra.
Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng mô hình liên kết và sản xuất tôm hùm trên cơ sở triển khai dự án "Xây dựng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ tôm hùm" do Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (VIFEP), Bộ Nông nghiệp và PTNT là đơn vị chủ trì.
Để xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc, theo đề nghị của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (từ tháng 9/2023), ngày 10/11/2023 Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc đã liên hệ tổ chức cuộc làm việc trực tuyến giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc (Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật; Hải quan các địa phương nhập khẩu tôm hùm bông từ Việt Nam như: Thâm Quyến, Quảng Châu, Nam Ninh) với phía Việt Nam (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Thủy sản, Thương vụ) để trao đổi về tình hình xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc.
Tại buổi làm việc, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã nêu về tình hình xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc bị ách tắc không rõ nguyên nhân từ tháng 8/2023 trở lại đây.
Cục Thủy sản cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động nuôi tôm hùm tại Việt Nam (bao gồm: đối tượng nuôi, hình thức nuôi, sản lượng nuôi, nguồn gốc con giống,..).
Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông tin về quy định của Trung Quốc về tôm hùm bông.
Cụ thể, đối với tôm hùm bông khai thác tự nhiên, năm 2021, Trung Quốc đã sửa đổi Danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần được bảo vệ; trong đó tôm hùm bông được đưa vào Danh mục loài cần được bảo vệ cấp độ 2 (có hiệu lực từ ngày 1/2/2021).
Thủ tục nhập khẩu tôm hùm bông nuôi vào Trung Quốc là nhà nhập khẩu Trung Quốc phải xin cấp phép về Bảo vệ động vật hoang dã từ Cục Ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
Thủ tục thông quan lô hàng và kiểm tra an toàn thực phẩm không thay đổi so với trước đây. Yêu cầu đối với cơ sở bao gói, cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu là phải thực hiện đăng ký danh sách kèm theo thông tin cụ thể về cơ sở nuôi tôm hùm.
Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật thông báo sẽ gửi cho phía Việt Nam biểu mẫu đăng ký mới (thông qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc) để tiến hành rà soát, thực hiện đăng ký đối với các cơ sở bao gói, cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau khi nhận được danh sách đăng ký của phía Việt Nam, phía Trung Quốc sẽ tổ chức kiểm tra trực tuyến và/hoặc trực tiếp đối với cơ sở nuôi và công bố trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về Danh sách các cơ sở bao gói xuất khẩu, cơ sở nuôi của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sống khai thác tự nhiên của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, đại diện phía Trung Quốc đề xuất hai bên nhanh chóng xem xét, ký kết Nghị định thư về kiểm soát thủy sản sống khai thác tự nhiên của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CỤC CHẤT LƯỢNG, CHẾ BIẾN VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN (BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN)