Số hóa thông tin rau VietGAP
Thông tin tại Diễn đàn kết nối nông sản 970 với chủ đề "Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm", bà Nguyễn Thị Nga - điều phối viên dự án của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) đã chia sẻ về Dự án Thí điểm kiểm soát việc tuân thủ quy trình VietGAP và chất lượng bằng kỹ thuật số trong chuỗi giá trị rau Việt Nam.
Theo đó, dự án đang được triển khai với 40.000ha tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nơi có điều kiện khí hậu phù hợp để trồng các loại rau ôn đới vào mùa hè. Mỗi năm huyện Mộc Châu và huyện Vân Hồ (Sơn La) sản xuất khoảng 70.000 tấn rau theo quy trình VietGAP với giá trị khoảng 30 triệu USD.
Theo bà Nga, sản xuất rau theo quy trình VietGAP sẽ cho năng suất cao hơn 110%. Đặc biệt, thị trường sẵn sàng chi trả thêm 30 - 40% chi phí cho rau có chứng nhận VietGAP.
"Dự án đã giúp người dân ứng dụng ghi chép điện tử để nhập thông tin sản xuất; in tem nhãn tại trang trại với thông tin sản phẩm, mã QR và mã vạch cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Đây là những yếu tố rất quan trọng trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm" - bà Nga nói.
"Quét mã QR, người tiêu dùng muốn nhận được những thông tin về vùng sản xuất, nhà đóng gói, trọng lượng gói sản phẩm, hạn sử dụng, chứng nhận…".
Bà Nguyễn Thị Nga -
Điều phối viên dự án của ACIAR
Ngoài ra, với phần mềm mới có thể liên kết tất cả, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR sẽ được cung cấp thông tin về nông dân và cây trồng. Nhà bán lẻ chỉ cần quét mã QR sẽ có thông tin về VietGAP và nguồn gốc, nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình vận chuyển. Nhật ký truy xuất việc tuân thủ VietGAP cho từng chuyến hàng sẽ được hệ thống xây dựng báo cáo tuân thủ cho từng lô hàng được lưu trữ bằng điện toán đám mây.
Bà Nga cũng cho biết thêm, qua nghiên cứu khách hàng cho thấy, đa số người tiêu dùng nghĩ rằng bao bì, chứng nhận và nhãn mác trên bao bì là yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, đa số khách hàng đã sử dụng mã QR để kiểm tra sản phẩm nhưng không kiểm tra thường xuyên do tin tưởng vào nhãn hiệu.
"Mã QR được coi là rất hữu ích cho các sản phẩm được tiêu thụ tươi trực tiếp như cà chua, dưa chuột, trái cây có vỏ mỏng. Quét mã QR, người tiêu dùng muốn nhận được những thông tin về vùng sản xuất, nhà đóng gói, trọng lượng gói sản phẩm, hạn sử dụng, chứng nhận…" - đại diện ACIAR chia sẻ.
Truy xuất nguồn gốc là trọng tâm chuyển đổi số nông nghiệp
Nêu quan điểm để thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri cho rằng, muốn thúc đẩy số hoá trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cơ quan nhà nước cần có những hướng dẫn để doanh nghiệp dễ hiểu hơn.
"Đó là phần quan trọng số một. Nếu cơ quan nhà nước không sẵn sàng mở hướng để các doanh nghiệp tư nhân tham gia trong lĩnh vực số hoá thì tôi khẳng định quá trình này sẽ rất lâu, rất trễ và rất xa so với thực tế" - bà Thực nói.
Theo bà Thực, việc truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin sản phẩm là điều kiện vô cùng quan trọng và cực kỳ hữu ích đối với người sản xuất cũng như cung ứng sản phẩm để bảo vệ thương hiệu của mình cũng như quảng bá sản phẩm, bảo vệ nhà cung cấp.
Bà Thực đưa ra ví dụ, với một HTX dịch vụ nông nghiệp ở Bình Phước mới thành lập, họ ứng dụng các công nghệ số, công nghệ truy xuất nguồn gốc rất nhanh. Và vườn sầu riêng của HTX là một trong những cơ sở tiêu biểu khi phía Trung Quốc giám sát vấn đề thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc vùng trồng. Để ứng dụng công nghệ số phục vụ truy xuất nguồn gốc thì nền tảng ứng dụng cho nó phải linh hoạt. Không thể đưa nền tảng đồng nhất ứng dụng cho tất cả mọi nơi. Trong quá trình làm hồ sơ về mã số vùng trồng, khoảng 70 – 80% là sao chép của người nọ sang người kia. Tuy nhiên, điều này không thực tế chút nào.
Bà Thực đưa thêm một ví dụ, có hộ dân nói rằng: "Chúng tôi không dùng hoá chất này. Tôi dùng những chế phẩm sinh học tự tạo ra trong quá trình sản xuất sản phẩm, thì chúng tôi có được kê vào hồ sơ không hay tôi lại phải bê đúng thông tin của người khác?". Vậy, người dân phải được quyền nói thật, làm thật.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, truy xuất nguồn gốc là một trong 8 vấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp. Hiện nay, Việt Nam có 19.000 HTX nông nghiệp, 14.200 doanh nghiệp nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ hạng 1, đây là các dữ liệu cấu thành Big data của ngành nông nghiệp.
Về các giải pháp cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, ông Toản cho rằng cần có các cơ chế, hành lang tạo điều kiện, làm sống ứng dụng bởi bất kỳ phần mềm nào cũng cần thời gian vận hành và xây dựng dữ liệu.