Thứ Sáu, ngày 10/01/2025 07:26 PM (GMT+7)
Sinh viên khuyên nhau ăn chay để giảm chi phí sinh hoạt
2023-09-16 19:00:00
Vì điều kiện kinh tế không cho phép, đứng trước nguy cơ tăng học phí hơn 30% so với năm ngoái, nhiều sinh viên đã tính đến việc nghỉ học. Trước thông tin này, nhiều sinh viên đồng trang lứa đã đưa ra các giải pháp nhằm giảm chi phí, trong đó có việc ăn chay.
Những ngày gần đây, thông tin Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM sẽ tăng học phí trong năm học 2023-2024 đối với các khóa từ năm 2022 trở về trước khiến nhiều sinh viên lo lắng. Hầu hết sinh viên bức xúc vì việc tăng học phí bất ngờ, không báo trước, đồng thời mức tăng cũng vượt quá 10% như cam kết.
Nặng lòng, mâu thuẫn vì gồng gánh chi phí
Trải lòng trên group dành cho sinh viên, một tài khoản cho biết, bản thân cảm thấy rất nặng lòng sau khi nói chuyện với gia đình về các khoản chi phí để đi học đại học.
Tài khoản này chia sẻ, sinh ra trong gia đình làm nông, cuộc sống của cả nhà chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô. Để có thể lo cho em ăn học đại học, bố mẹ đã phải cố gắng, gồng gánh đủ bề mới có tiền học phí, tiền thuê trọ và cả tiền học tiếng Anh... Cũng chính vì quá khó khăn, đủ các loại chi phí đổ xuống, không ít lần gia đình mâu thuẫn, bất hòa với nhau.
Nam sinh viên cho biết, hiện tại vẫn chưa dám nói với bố mẹ về việc tăng học phí trong năm học này. Một phần vì thông tin tăng học phí của trường chưa rõ ràng, không biết có thực sự tăng hay sẽ điều chỉnh. Một phần khác là vì mức học phí cũ cộng với các khoản chi phí để ăn ở, sinh hoạt tại TP.HCM đã quá nặng đối với gia đình em, giờ thông báo tăng học phí nữa chắc... bố mẹ chịu không nổi.
"Thật sự em rất nặng lòng, cảm thấy bản thân có lỗi quá. Để lo cho em ăn học, bố mẹ em phải lao lực, chạy vạy vay mượn khắp nơi. Bây giờ có tăng 100 ngàn cũng khó để mở lời, chứ đừng nói tăng 170 ngàn/tín chỉ. Em nghĩ mình phải tự xoay xở, sắp xếp lại thời gian và đi làm thêm để bù khoản chi phí tăng thêm này", nam sinh viên thở dài bày tỏ.
Tương tự, H.Đ (sinh viên năm 3, tên đã thay đổi) lại muốn bỏ ngang nửa chừng vì quá áp lực chuyện chi phí, tiền bạc. H.Đ cho biết, bố mẹ em ở quê nghèo, làm việc tay chân để kiếm sống qua ngày. Mặc dù luôn động viên H.Đ rằng bố mẹ sẽ lo cho em ăn học đủ 4 năm, nhưng chi phí học hành, sinh hoạt luôn là gánh nặng lớn, là món nợ lớn mà năm này qua năm khác bố mẹ phải đối mặt.
"Giọt nước tràn ly" khi nhận được thông tin trường sẽ tăng học phí, không phải tăng 10% mà hơn 30%. Điều này khiến H.Đ hoàn toàn tuyệt vọng, không biết sẽ tiếp tục ra sao. Chính vì vậy, H.Đ đã suy nghĩ đến việc nghỉ học, từ bỏ ước mơ, chấm dứt sự khổ cực cho bố mẹ.
"Biết hoàn cảnh gia đình mình khó khăn nên từ năm nhất em đã đi làm thêm. Tranh thủ lịch trống và buổi tối, em đi làm nhiều việc như tiếp thị, bưng bê, chạy bàn... Tuy nhiên, từ năm 2 trở đi, lịch học kín mít, thời gian đi làm thêm cũng hạn hẹp. Nhiều ngày qua, em đã suy nghĩ rất kỹ, có lẽ em sẽ nghỉ học, bảo lưu kết quả để xin việc đi làm. Thú thực, gia đình em cũng khánh kiệt rồi, không cố thêm được nữa", H.Đ cho biết.
H.Đ cũng cho biết thêm, em sẽ cố gắng chăm chỉ làm việc để dành dụm tiền bạc và quay trở lại trường học sớm nhất có thể. Bởi lẽ, H.Đ nhận thức được, chỉ có đi học, có tấm bằng đại học thì mới có nhiều cơ hội thay đổi cuộc đời.
Ở ký túc xá, ăn chay để giảm chi phí
Trước những tâm sự "gan ruột" của sinh viên nghèo về ảnh hưởng khi học phí tăng, nhiều tài khoản đã để lại các bình luận tích cực, đưa ra nhiều lời khuyên để các bạn vượt qua thời điểm khó khăn, thách thức để tiếp tục việc học.
Trong đó, tài khoản M.L chia sẻ, nếu việc ở trọ bên ngoài có chi phí cao thì sinh viên nên cân nhắc xin vào ở ký túc xá. Theo đó, tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, giá phòng chỉ 180.000 đồng/tháng/sinh viên (phòng 8 người); 240.000 đồng/tháng/sinh viên (phòng 6 người). Tính cả chi phí đi ăn uống, vé xe buýt đi học, chi phí điện, nước, internet... thì chỉ dao động từ 2-2,5 triệu/tháng nếu sinh viên chi tiêu hợp lý.
Ngoài ra, nhiều sinh viên còn "mách nước", xin vào ký túc xá Trường cao đẳng xây dựng TP.HCM, với mức giá 397.000 đồng/tháng/sinh viên (phòng 6 người); 267.000 đồng/phòng/sinh viên (phòng 8 người). Ở ký túc xá này thuận tiện cho việc di chuyển tới trường học vì chỉ có khoảng cách từ 6-10 phút đi bộ.
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên mách nhau ăn đồ chay để giảm chi phí. Theo tài khoản này, đồ chay ở khu vực ký túc xá rất đa dạng như bún bò, phở, bún riêu, cơm..., giá thành rẻ hơn nhiều so với đồ mặn nhưng vẫn đảm bảo no.
"Chỉ 15.000 đồng/suất đồ chay là bao no luôn. Nếu một ngày ăn đủ ba bữa thì chỉ tốn 45.000 đồng. Muốn ăn ngon hơn, các bạn có thể mua suất giá 20-25.000 đồng, dù sao cũng rẻ hơn so với ăn đồ mặn", một tài khoản chia sẻ.
Bên cạnh đó, rất nhiều cư dân mạng phản đối việc sinh viên có ý định nghỉ học, bảo lưu hoặc đi làm thêm... vì lý do khó khăn học phí. Theo nhiều tài khoản, vấn đề về học phí là câu chuyện chung, sinh viên cần bàn bạc với gia đình để chuẩn bị.
"Phụ huynh phải gồng gánh cũng vì mục đích là cho con em ăn học, thành đạt để có cuộc sống tốt hơn. Nếu khó khăn về chi phí, các bạn nên trao đổi với phụ huynh để tìm các hướng khác như vay mượn người thân, vay vốn sinh viên... để duy trì việc học. Sinh viên không nên vì khó khăn mà tự quyết định nghỉ học, không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của mình mà còn làm cho gia đình buồn", một tài khoản đăng tải.
Đối với việc làm thêm, nhiều người cho rằng, việc học tập ở môi trường đại học khá căng thẳng. Do đó, đi làm thêm là điều sinh viên hết sức cân nhắc. Nếu làm thêm với mục đích để trải nghiệm thì khác, còn làm thêm để kiếm tiền thì sẽ có khả năng ảnh hưởng đến việc học.
"Đi làm thêm thì lương cũng chỉ ba cọc, ba đồng nhưng thời gian phải bỏ ra rất nhiều. Đi làm thêm chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến việc học, có thể dẫn đến nợ môn, rớt môn, ra trường muộn hơn... thì chi phí này còn nhiều hơn cả tiền có được khi đi làm thêm", một cựu sinh viên đưa ra lời khuyên.