Sìn Hồ chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp
Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp của huyện Sìn Hồ trong những năm gần đây, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Có được sự chuyển biến tích cực đó một phần là nhờ huyện Sìn Hồ đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương, của tỉnh Lai Châu. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo động lực cho nông dân khởi nghiệp, thực hiện các mô hình sản xuất mới, từ đó thay đổi cách thức, tư duy sản xuất để bắt kịp xu hướng mới. Nhiều hộ dân ở Sìn Hồ cũng đã mạnh dạn thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, huyện Sìn Hồ đã thực hiện hơn 30 dự án hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản và kinh doanh. Nhiều hợp tác xã trên địa bàn đã được hỗ trợ như: Hợp tác xã Nông Sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ; Hơp tác xã Mý Dao; Cơ sở sản xuất Nấm đông trùng hạ thảo Sìn Hồ...
Dưới sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nhiều Hợp tác xã ở Sìn Hồ đã không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kích thích sinh trưởng… trong sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả sản phẩm.
Nắm bắt được xu hướng hiện nay, huyện Sìn Hồ đã ưu tiên nguồn lực thực hiện các mô hình trồng cây dược liệu, hoàn thiện mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, đem lại nguồn thu ổn định cho bà con. Cụ thể như: Mô hình trồng và tiêu thụ Sâm đương quy tại xã Phăng Sô Lin; mô hình liên kết phát triển chè tại Hồng Thu, Phìn Hồ; mô hình nuôi Ngựa sinh sản tại xã Phăng Sô Lin; nuôi Dê tại xã Tả Ngảo... Hiện các mô hình đều được nhân rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các xã, người dân có động lực triển khai thêm các mô hình kinh tế tiềm năng.
Anh Tẩn Xoang Páo, ở bản Tả Sử Trồ (Phăng Sô Lin, Sìn Hồ) phấn khởi cho biết: "Gia đình tôi rất vui khi được tham gia mô hình nuôi Ngựa sinh sản và trồng dược liệu. Ngựa là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, ít bệnh tật và không tốn nhiều công chăm sóc. Việc trồng cây dược liệu không chỉ giúp bảo tồn cây thuốc quý, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2023, gia đình tôi đã thu hơn 60 triệu đồng từ việc trồng dược liệu. Thu nhập tăng lên, cuộc sống của gia đình tôi cũng được cải thiện đáng kể".
Thúc đẩy các mô hình sản xuất phát triển
Các sản phẩm mũi nhọn của Sìn Hồ như: chè Shan tuyết chất lượng cao tại xã Hồng Thu; Phìn Hồ... được Công ty Cổ phần Đầu Tư & Phát Triển Chè Tam Đường bao tiêu sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người dân có nguồn thu ổn định. Riêng sản phẩm chè cổ thụ tại xã Sà Dề Phìn, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển thêm các loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm với rừng chè cổ thụ. Hiện nay lượng du khách đến tham quan ngày một tăng, đã góp phần quảng bá hình ảnh địa phương ra ngoài tỉnh, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến triển khai các mô hình kinh tế mới như: trồng Sâm, xây dựng khu nghỉ dưỡng...
Được biết, để tập trung phát triển các mô hình sản suất, thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia từ huyện đến xã. Hàng năm Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, gắn trách nhiệm cá nhân với việc hoàn thành nhiệm vụ cuối năm để đánh giá, nâng cao hiệu quả hoạt động. Sìn Hồ cũng chú trọng xây dựng, ban hành các văn bản giao vốn, quy định thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, đặc thù… chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc các chương trình hỗ trợ sản xuất... Đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân về các chính sách, đối tượng thụ hưởng và quyền lợi khi tham gia các mô hình sản suất để người dân nắm bắt thông tin, việc kiểm tra, giám sát diễn ra thường xuyên đã kịp thời giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại cơ sở.
Trên cơ sở đánh giá sát tiềm năng, lợi thế của từng vùng, thời gian tới, huyện Sìn Hồ sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn và vận động người dân tích cực phát triển các mô hình sản xuất phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; Chú trọng xây dựng vùng sản xuất tập trung, đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển theo hướng liên kết sản xuất. Theo đó, các xã vùng cao của huyện Sìn Hồ sẽ tập trung phát triển các loại dược liệu, rau củ và cây ăn quả ôn đới chịu lạnh, tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng … Các xã vùng thấp của huyện sẽ tập trung phát triển các loại cây phù hợp khí hậu cận nhiệt đới như: Dứa, xoài, cam và chăn nuôi thủy sản...