Hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân vùng thiên tai ổn định cuộc sống (Kỳ 1)

Khương Lực Thứ bảy, ngày 07/10/2023 23:23 PM (GMT+7)
Tại những vùng phải hứng chịu nhiều thiên tai, trong đó có lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…, cuộc sống người dân thường nghèo khó, bấp bênh. Để hỗ trợ họ sớm ổn định cuộc sống, việc tạo ra những sinh kế mới, giúp họ tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình là rất quan trọng.
Bình luận 0

Kỳ 1: Sau an cư, người dân mong muốn ổn định sinh kế

Đã 4 năm sau trận lũ lịch sử, một phần diện tích đất sản xuất của người dân ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa được khôi phục do lũ ống, lũ quét tàn phá các công trình thủy lợi trên địa bàn. Hiện tại, hệ thống kênh mương mới được khôi phục lại khoảng 65%, nên người dân mong muốn các cấp chính quyền hỗ trợ để sớm khôi phục lại, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân vùng thiên tai ổn định cuộc sống (Kỳ 1) - Ảnh 1.

Gia đình bà Ngân Thị Suối là hộ chăn nuôi giỏi nhất bản Sa Ná. Từ khi chuyển về nơi ở mới, bà mạnh dạn nuôi nhím, nuôi thỏ và dúi. Mỗi năm thu nhập được vài chục triệu đồng. Ảnh: Khương Lực

Hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân vùng thiên tai ổn định cuộc sống (Kỳ 1) - Ảnh 2.

Bà Hà Thị Quỳnh ở bản Lở, xã Nam Động, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa mong muốn sớm được hỗ trợ, bố trí đất để phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. Ảnh: Khương Lực

"Đối với dân ở nơi đây đa số 90% là nghề nông, sống chủ yếu về nông, lâm nghiệp, bây giờ do thiên tai hỏa hoạn thì một số hộ đang thiếu đất canh tác, đất nông nghiệp" - ông Ngân Văn Thêu, Bí thư, kiêm Trưởng bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa nói và mong muốn cùng với việc hỗ trợ khôi phục lại hệ thống thủy lợi, các cấp chính quyền cần quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay để các hộ dân có thể phát triển chăn nuôi, giúp cải thiện kinh tế cho gia đình.

Chuyển về sống tại Khu tái định cư bản Lở, xã Nam Động, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, bà Hà Thị Quỳnh thấy yên tâm vì không lo bị đất đá sạt lở nữa. Trước kia, bản Lở ở gần khu vực núi Bom Dưới thường xuyên đối mặt với nguy cơ sạt lở đất. Khi chuyển về khu tái định cư, bản được quy hoạch khang trang, đẹp mắt, đời sống của 34 hộ dân trong bản dần ổn định.

Tuy nhiên, do nơi các hộ dân được bố trí, sắp xếp ổn định vốn là những thửa ruộng ít ỏi của người dân, nay chuyển thành nơi ở nên người dân không còn đất để sản xuất. Cuộc sống hiện tại chỉ dựa vào lâm nghiệp, nên rất khó khăn, vất vả. Nhiều người không biết làm gì để xoay xở, trang trải chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày.

Liên quan tới vấn đề hỗ trợ sản xuất cho người dân vùng thiên tai, bà Hà Thị Nga – Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, để người dân ổn định sản xuất sau khi các hộ dân đến các khu tái định cư mới, huyện Quan Hóa đã lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ phát triển sản xuất và ưu tiên cho các hộ tái định cư, hỗ trợ bằng cây giống, con giống để người dân tái sản xuất.

"Như điểm tái định cư tập trung ở bản Lở này, huyện Quan Hóa có hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ mỗi hộ dân 1 con bò cái sinh sản để các hộ dân tái sản xuất" – bà Nga nói và cho biết đến nay trên địa bàn huyện Quan Hóa đã bố trí, sắp xếp cho 73 hộ dân sinh sống ổn định tại khu tái định cư mới và bố trí tái định cư cho 38 hộ xen ghép tại địa bàn để ổn định gia đình, tránh sạt lở đất và lũ ống, lũ quét.

Những năm qua, vùng thượng du Thanh Hóa liên tục chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề do thiên tai. Đặc biệt, các trận mưa lũ đã gây ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, gây thiệt hại nặng về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn, đời sống, sản xuất của nhân dân.

Bảo vệ tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021-2025 và  thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án.

Ông Lê Bá Lương - Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, triển khai thực hiện các văn bản trên, từ năm 2021 đến nay, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã bố trí, tái định cư xen ghép 145 hộ với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ di chuyển trên 8 tỷ đồng; hoàn thiện 4 khu tái định cư tập trung được đầu tư theo hình thức khẩn cấp năm 2021, 2022 để sắp xếp ổn định cho 151 hộ dân với tổng kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng trên 45 tỷ đồng. Đến nay, các khu tái định cư đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các hộ dân đã di chuyển đến nơi ở mới. 

 Theo ông Lương, tại các khu tái định cư tập trung, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ cho người dân từ san mặt bằng cho đến điện, nước và những hạ tầng thiết yếu để đảm bảo phương châm người dân di dời ra nơi ở mới tốt hơn ở nơi ở cũ. Cùng với việc hỗ trợ định mức về di chuyển cho các hộ dân, tỉnh Thanh Hóa cũng hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất cho các khu tái định cư, trong đó chủ yếu lồng ghép vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo để hỗ trợ các mô hình cây, con trồng trọt, chăn nuôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem