Ngày 1/8 mới đây, một kie lan đột biến (mầm từ cây mẹ có khả năng phát triển thành cây con) thuộc giống lan đột biến Bướm đại ngàn dài khoảng 10cm đã được đấu giá trong 12 giờ liên tục. Sau đó, một vị khách đã chốt giá ở mức cao ngất ngưởng 11,7 tỷ đồng.
Theo bà Phạm Thị Oanh (TP Hòa Bình) - chủ vườn lan Hiển Oanh, giá trị của lan đột biến cao là sự thật bởi những loài lan này rất hiếm gặp và không thể nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm. Theo lời bà Oanh, cách đây 15 năm, bà cùng chồng là ông Nguyễn Văn Hiển đã tạo ra dòng lan đột biến Hiển Oanh (còn gọi "Năm cánh trắng HO").
Bà Oanh nói từng bán dòng lan này với giá hơn 1 tỷ đồng/cây và đây là giá trị thực bởi: "Vĩnh viễn không thể nuôi cấy mô ra cây hoa lan Hiển Oanh, nếu có cấy mô thì cũng sẽ không thể ra được cây con chuẩn như lan rừng, lan đột biến, nhất là chất lượng hoa cũng không bằng".
Bà Oanh nói thêm, do giá trị cao, có người đã mạo nhận là chính chủ của dòng lan Hiển Oanh để rao bán trên mạng.
Nói về hiện tượng nhiều người mua lan đột biến 5ct năm cánh trắng Phú Thọ, nhưng thực chất là lan nuôi cấy mô được bán tràn lan trên mạng với giá rẻ, TS. Khuất Thị Hải Ninh - giảng viên Viện Công nghệ Sinh học Lâm nghiệp (Trường Đại học Lâm Nghiệp) nhận định: Thời gian qua thị trường lan đột biến trong nước rộ lên thông tin cho rằng một số nhà vườn đã nuôi cấy mô loại hoa cảnh này thành công và bán tràn lan trên thị trường, nhưng tôi cho rằng việc sử dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống lan đột biến rồi cung cấp cho người trồng ở Việt Nam là chưa có.
Theo bà Ninh, một số nước như Trung Quốc, Thái Lan,… có thể họ đã nghiên cứu từ lâu thì mới ra được cây con có mặt hoa y chang cây mẹ, với điều kiện là nuôi cấy mô từ kie lan mẹ. Nhưng nếu sử dụng kie lan làm vật liệu ban đầu thì phải mất vài năm mới ra được số lượng cây con nhiều. Bên cạnh đó, rất khó để lấy được 1 kie lan làm mẫu sạch ngay lần đầu để nhân giống mà có thể phải mất hàng trăm kie hay thậm chí nhiều hơn nữa để nghiên cứu.
Trong khi đó, ở Việt Nam một kie lan hiếm có độ dài vài cm được đẩy lên giá vài triệu đến trăm triệu, hoặc cả tỉ đồng nên không một nhà trồng lan nào dám chấp nhận độ rủi ro quá lớn ấy ra để đưa số lượng lớn kie lan cho nhà nghiên cứu thử nghiệm.
"Còn việc thị trường xuất hiện tràn lan nhiều giống lan được nuôi cấy mô thì có thể họ dùng quả lan để đưa đến các phòng nuôi, cấy mô rồi nhân giống, nhưng cây sinh ra từ cách này sẽ bị phân ly, không giữ được mặt hoa và bị biến đổi rất nhiều..." - TS. Khuất Thị Hải Ninh cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Vạn - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho rằng hoa lan, đặc biệt giống lan đột biến gen đẹp và chắc chắn quý, nhưng không thể có giá lên tới vài tỷ đồng.
"Ngoài để chơi ra, không biết lan có giá trị gì khác khi cả năm chỉ ra hoa một lần, mỗi lần thời gian ngắn. Mua giá ấy chắc chỉ có người rất nhiều tiền lại ham hoa lan. Bên cạnh đó, giá trị tài sản phải được nhiều người kiểm nghiệm nhưng thực tế, người bán phát giá theo chủ quan của họ, không ai xác định được. Quan điểm của Hội Sinh vật cảnh là lan quý thật, hiếm thật nhưng không phải quý tới mức tiền tỷ vì chỉ để ngắm, có tác dụng gì nữa đâu" - ông Vạn nói.
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Ngọc Sơn, một người chơi lan có tiếng ở Thái Bình, đồng thời là quản trị viên một nhóm chơi lan lên tới hàng chục ngàn thành viên trên mạng xã hội Facebook, ngoài để ngắm, thưởng thức về mặt tinh thần, lan đột biến hoàn toàn có thể giúp nhiều người làm giàu.
"Với tư cách là người chơi lan, đam mê lan, cảm nhận của tôi là phong trào chơi lan bây giờ khác xưa nhiều lắm, vui có, buồn có nhưng không thể phủ nhận là thú chơi lan bây giờ ngoài đam mê, còn có thể làm giàu bằng chính đam mê ấy. Đó là sự khác biệt, đẩy thú chơi lan lên một tầm cao mới, nói hơi quá nhưng có thể tạm gọi là một ngành công nghiệp lan var (đột biến), bởi giá trị cao của var. Khi cây var được coi là hàng hóa giá trị cao, được mua bán quy đổi thành tiền mặt thì lan var chả khác gì bất động sản, vàng..."- anh Sơn nói.
Theo anh Sơn, khi lan var đã trở thành mặt hàng giá trị kinh tế cao thì sẽ có thị trường giao dịch của nó. Bông lan đột biến có thương hiệu, hiếm và đẹp đương nhiên sẽ có giá cao hơn lan thường. Sẽ có cạnh tranh, có chiến lược, có ép giá, thổi giá và đương nhiên sẽ có những rủi ro. Người chơi cần ý thức được những rủi ro, tìm hiểu kĩ về nguồn gốc cây lan trước khi đầu tư.
"Nếu so sánh giá trị kinh tế của hoa lan với cây cảnh, chắc chắn lan có giá trị, tiềm năng kinh doanh cao hơn vì có thể nhân giống, còn cây cảnh không thể nhân giống, muốn có giá trị cao phải độc nhất vô nhị, tuổi thọ lớn, dáng thế đẹp... Hãy chơi lan theo hoàn cảnh của mình và nhất là phải tỉnh táo, có sự hiểu biết về lan. Đừng lao vào mua bán lan đột biến theo đám đông để rồi khi thất bại lại đổ vạ cho bị lừa, bị thôi miên, bị làm giá..." - anh Sơn khuyến cáo.
Còn theo anh Lê Văn Quyền - chủ một vườn lan tại thị trấn Lương Sơn (Hoà Bình), sở dĩ nhiều người săn lùng lan đột biến, khiến giá loài lan này bị đẩy lên cao tới mức khó tin là do giống lan này cực đẹp và hiếm có khó tìm. Các loài lan quý trở thành mục tiêu săn lùng của những người chơi có điều kiện về kinh tế, đúng như câu "vua chơi lan, quan chơi trà".
Tuy nhiên, mục đích của hầu hết những giao dịch khủng, đằng sau đó là chuyện đánh bóng tên tuổi nhằm mục đích kinh doanh, mua đi bán lại kiếm lời.
"Đầu tư vào lan đột biến nếu không tính toán, cân nhắc kỹ, nguy cơ thua lỗ, ngậm trái đắng là rất lớn. "Ví dụ như trước đây, khi dòng 5ct Năm cánh trắng Phú Thọ mới xuất hiện, giá của nó rất cao, tiền tỷ mỗi cây, nhưng khi giống lan này được nhân ra nhiều, phổ biến từ Bắc vào Nam thì giá giảm xuống chỉ còn vài trăm triệu/cây, thậm chí có thể còn giảm nữa còn vài chục triệu đồng mỗi cây" - anh Quyền nói.