dd/mm/yyyy

Sa Pa: Quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp PCCCR mùa khô hanh

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kèm theo gió Ô Quý Hồ thổi mạnh kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền cho người dân, các chủ rừng chủ động PCCCR mùa hanh khô, nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do cháy rừng gây ra.
Sa Pa: Quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp PCCCR mùa khô hanh- Ảnh 1.

Hạt Kiểm lâm thị xã Sa Pa họp triển khai các giải pháp PCCCR. Ảnh: Ngọc Minh.

Chủ động PCCCR mùa hanh khô

Theo số liệu thống kê, hiện thị xã Sa Pa có gần 52.234 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích có rừng trên 45.557 ha; diện tích chưa có rừng quy hoạch phát triển lâm nghiệp trên 6.676 ha, chiếm 76% diện tích tự nhiên nằm trên địa bàn 16 xã, phường. Tỷ lệ độ che phủ của rừng đạt 66,53%.

Để chủ động PCCCR mùa hanh khô, thị xã Sa Pa đã chỉ đạo các xã, phường, chủ rừng trên địa bàn kiện toàn BCĐ chương trình phát triển bền vững, các tổ đội PCCCR cấp xã và các tổ quần chúng bảo vệ rừng tại các thôn, tổ dân phố. Duy trì và phát huy hiệu quả 16 tổ xung kích PCCCR xã, phường, với hơn 700 thành viên; 98 tổ quần chúng bảo vệ rừng tại các thôn bản, tổ dân phố, với hơn 1.460 người.

Đồng thời, tổ chức lập 15 chốt và ứng trực PCCCR tại các khu vực trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao mùa hanh khô; Vườn Quốc gia Hoàng Liên xây dựng 4 chòi canh gác lửa rừng và lắp đặt 8 biển dự báo cháy rừng tự động. Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm và UBND các xã, phường duy trì lực lượng thường trực bảo vệ rừng, PCCCR tại trụ sở cơ quan và các Trạm Kiểm lâm, các chốt bảo vệ rừng, PCCCR.

Sa Pa: Quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp PCCCR mùa khô hanh- Ảnh 2.

Sa Pa tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng mùa hanh khô. Ảnh: Ngọc Minh.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết: Trong khoảng 5 năm trở lại đây trên địa bàn thị xã rất ít xảy ra các vụ cháy rừng lớn. Chính bởi vậy nên đã tạo lớp thực bì dày, mùa đông lạnh giá, kết hợp vùng núi cao. Đồng thời, trước Tết và sau Tết Nguyên đán có gió Ô Quý Hồ thổi mạnh... Đây chính là một trong những nguyên nhân xảy ra nhiều điểm cháy rừng trong thời gian vừa qua.

Do đó, thị xã Sa Pa đã tổ chức họp triển khai các biện pháp thực hiện bảo vệ rừng, PCCCR; kiểm tra công tác PCCCR tại các xã, phường mùa hanh khô. Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, dân quân tự vệ cùng người dân tổ chức phát dọn 24,7km đường băng trắng cản lửa tại các xã giáp ranh với TP. Lào Cai và huyện Bảo Thắng; tu sửa bảng cấp dự báo cháy rừng, bảng nội quy bảo vệ rừng; các bảng biển cảnh báo cháy rừng; các chòi canh lửa rừng của Vườn Quốc gia Hoàng Liên...

Chỉ đạo các xã, phường, chủ rừng, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn rà soát, bảo dưỡng, sắp xếp, đầu tư bổ sung thêm các loại trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ PCCCR để sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.

Sa Pa: Quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp PCCCR mùa khô hanh- Ảnh 3.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết thị xã đang quyết liệt triển khai các giải pháp PCCCR. Ảnh: Mùa Xuân.

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức PCCCR cho người dân 

Theo ông Phạm Tiến Dũng, hiện nay đang là thời kỳ cao điểm mùa khô hanh, người dân đang đốt nương làm rẫy cho vụ mới nên để công tác PCCCR hiệu quả các xã, phường cần kiểm soát tốt và tuyên truyền người dân đốt nương đúng thời gian quy định, hướng dẫn người dân làm đường băng cản lửa...

Công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng, PCCCR được lồng ghép trong các cuộc họp, hội nghị xã, thôn, bản; trên hệ thống loa truyền thanh; tuyên truyền bằng xe máy, xe lưu động đến từng thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư để nhân dân nâng cao cảnh giác, trách nhiệm trong công tác PCCCR tại cơ sở.

Bên cạnh đó, các xã, phường cũng phối hợp với các đơn vị, lực lượng tăng cường tuần tra, giám sát rừng thường xuyên; hướng dẫn người dân sử dụng lửa gần rừng, ven rừng; kiểm soát chặt chẽ hoạt động đốt nương làm rẫy, xử lý thực bì. Tiếp tục căn cứ đặc điểm khí hậu, tình hình thời tiết trên địa bàn để dự tính, dự báo nguy cơ xảy ra cháy rừng, thông tin kịp thời đến các chủ rừng, nhân dân để có giải pháp phòng, chống hiệu quả.

Tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các xã, phường với Chủ tịch UBND thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm trước UBND thị xã nếu để xảy ra cháy rừng.

Thị xã Sa Pa cũng đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm cử cán bộ của đơn vị bám sát địa bàn, khi xảy ra cháy rừng cần tập trung xử lý dứt điểm các điểm cháy không để lan rộng. Xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng lửa trong rừng gây ra cháy rừng.

Rà soát các phương án PCCCR, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ "chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ" trong PCCCR; 3 kịp thời "phát hiện đám cháy; huy động lực lượng; xử lý hậu cháy".

Ông Đỗ Ngọc Minh, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Sa Pa (Lào Cai), thông tin: Do ảnh hưởng của gió Ô Quý Hồ nên các xã giáp ranh Vườn Quốc gia Hoàng Liên có nguy cơ cháy rừng cao. Do vậy, chúng tôi l đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn thường xuyên phối hợp với cấp uỷ, chính quyền cơ sở tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các điểm có nguy cơ cháy rừng cao.

Giải pháp hiệu quả nhất trong công tác PCCCR vẫn là người dân cần chấp hành tốt các quy định về PCCCR và thực hiện phát đường băng cản lửa. Theo dõi diễn biến rừng bằng phần mền cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên vệ tinh. Kịp thời phát hiện, xử lý, dập tắt ngay các đám, điểm cháy rừng từ khi mới phát sinh, không để bùng phát, cháy lan, cháy lớn các điểm cháy.

Sa Pa: Quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp PCCCR mùa khô hanh- Ảnh 4.

Sa Pa quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp PCCCR mùa khô hanh. Ảnh: Ngọc Minh.

Theo dự báo thời tiết trên địa bàn thị xã Sa Pa sẽ có nhiều ngày nắng hanh, kèm theo gió Tây Nam khô nóng thổi mạnh; cấp dự báo cháy rừng đang ở cấp IV (cấp nguy hiểm), có thể lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) trong những ngày tới. Để chủ động phòng ngừa, ứng phó tốt cháy rừng, thị xã Sa Pa yêu cầu các xã, phường không chủ quan, lơ là trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp.

Tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khu vực trọng điểm về phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái pháp luật; kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán, vận chuyển, tang trữ, kinh doanh, chế biến lâm sản.

Nhất là tăng cường kiểm tra các khu vực trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao; rà soát bổ sung phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, PCCCR của các đơn vị, chủ rừng theo quy định; có phương án bảo đảm lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng và hậu cần; tổ chức lực lượng thường trực, sẵn sàng huy động ứng phó với tình huống cháy rừng có thể xảy ra, không để cháy lớn.

Trong thời gian từ ngày 19- 23/2, trên địa bàn thị xã Sa Pa đã xảy ra nhiều đợt đợt cháy rừng tại 7 xã, phường (Tả Van, Mường Hoa, Thanh Bình, Phan Si Păng, Tả Phìn) với 11 điểm cháy, tổng diện tích cháy lên tới 36,97 ha. Trong đó cháy rừng tại xã Tả Van kéo dài và thiệt hại nặng nhất.

Ngay sau khi xảy ra các điểm cháy rừng, chính quyền, lực lượng chức năng đã vào cuộc triển khai ngay các giải pháp chữa cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ". Kịp thời huy động lực lượng tại chỗ đến tăng cường, chủ công là các tổ bảo vệ rừng, dân quân, bộ đội, công an, kiểm lâm, cán bộ và nhân dân trên địa bàn, với gần 3.000 lượt người tham gia.

Mùa Xuân