Rừng thêm xanh, tiền về bản mọi người yên vui

Vinh Duy

13/05/2025 17:31 GMT +7

Nhờ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhiều hộ dân ở các xã vùng sâu, vùng xa như Chà Nưa (Nậm Pồ), Sen Thượng (Mường Nhé), Tỏa Tình (Tuần Giáo)… đã có nguồn thu nhập ổn định, trung bình từ 15 - 20 triệu đồng/hộ/năm, có nơi cao hơn tùy theo diện tích nhận khoán.

Giữ rừng là có tiền

Đứng trên đỉnh Tả Ló San, ông Ly Ha Lòng, Chủ tịch xã Sen Thượng (Mường Nhé) chỉ tay về phía xa: “Đấy là toàn bộ rừng của bản Tả Ló San quản lý, bảo vệ. Bản này chỉ có vài chục hộ dân, nhưng bảo về trên 500ha rừng. Nguồn thu nhập từ khoanh nuôi, bảo vệ rừng của các hộ dân trung bình từ 40 – 60 triệu đồng/hộ. Với người dân vùng cao, số tiền này không nhỏ, giúp họ trang trải chi phí sinh hoạt, mua giống cây trồng, vật nuôi hoặc đầu tư cho con cái học hành”.

Người dân huyện Nậm Pồ cùng lực lượng Kiểm lâm tham gia tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh Văn Mạnh

“Trước đây rừng gần như không có giá trị gì trong mắt nhiều người. Vì thế hàng năm người dân chúng tôi vẫn phát rừng để làm nương rẫy. Giờ khác rồi, giữ được rừng là có tiền, có thu nhập để nuôi con ăn học, sửa nhà, sắm xe máy…”, ông Chang Bố Tư, người dân bản Tả Ló San, xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) chia sẻ.

Bản Tả Ló San hiện đang quản lý trên 500 ha rừng. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy trái phép, mỗi năm cả bản nhận được vài tỷ đồng từ quỹ chi trả DVMTR. Quan trọng hơn, người dân có thêm động lực gắn bó với rừng, tự giác bảo vệ rừng như bảo vệ tài sản của chính mình.

Theo ông Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên thì từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai rộng khắp, nhiều gia đình ở các xã vùng cao, nơi có diện tích rừng tự nhiên lớn như Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà… đã xem việc bảo vệ rừng như một nghề mang lại nguồn sống ổn định. UBND tỉnh Điện Biên cũng có văn bản giao nhiệm vụ cho chủ tịch UBND các huyện, xã về công tác bảo vệ rừng. Nếu nơi nào để xảy ra phá rừng, mất diện tích rừng thì chủ tịch UBND xã, huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Hàng năm, người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều tham gia diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng. Từ đó nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô hanh. Ảnh Văn Mạnh.

Gắn bó với rừng, thu nhập bền vững

Không chỉ ở Mường Nhé, huyện Nậm Pồ cũng ghi nhận những chuyển biến rõ nét từ chính sách này. Xã Chà Nưa, nơi có độ che phủ rừng lên tới 64%, đã trở thành điểm sáng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Mỗi năm, hàng trăm hộ dân được nhận tiền chi trả DVMTR với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng. “Nhờ giữ rừng mà người dân có thêm nguồn thu ổn định, lại hiểu được rằng rừng mang lại không chỉ tiền mà còn giữ nước, giữ đất, chống xói mòn, hạn hán… Người dân xã Chà Nưa không chỉ giữ rừng mà hàng năm còn trồng thêm hàng trăm ha rừng để nâng độ che phủ rừng”, ông Khoàng Văn Van, Bí thư xã Chà Nưa cho biết.

Nguồn tiền từ DVMTR còn giúp người dân đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thêm thu nhập… Từ chỗ “phó mặc rừng cho Nhà nước”, nay người dân đã tham gia tích cực vào các tổ, nhóm tuần tra rừng, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Thay vì chặt rừng lấy đất, người dân đã chủ động ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, tự tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng. Nhiều nhóm hộ, cộng đồng thôn bản đã xây dựng quy ước, cam kết bảo vệ rừng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền cơ sở. Mô hình “khoán bảo vệ rừng” gắn với chi trả DVMTR không chỉ góp phần giảm áp lực lên tài nguyên rừng mà còn tạo ra sinh kế ổn định cho người dân.

Những cánh rừng của bản Tả Ló San (xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé) được người dân bảo vệ xanh tốt. Ảnh Vinh Duy.

Theo bà Mai Hương, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, năm 2024, toàn tỉnh đã chi trả tiền DVMTR cho trên 5.000 chủ rừng với tổng số tiền trên 210 tỷ đồng. Chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Điện Biên duy trì ổn định ở mức trên 43%, nhiều xã đạt trên 60%. Chi trả DVMTR là cơ chế tài chính hiệu quả, gắn quyền lợi của người dân với công tác bảo vệ rừng. Nhờ có chính sách này, tỉnh Điện Biên đã huy động được hàng chục nghìn hộ dân tham gia tuần tra, khoanh nuôi rừng, góp phần giảm áp lực cho lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương.

Để chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, các cấp, ngành của tỉnh Điện Biên đã không ngừng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Mô hình “người dân bảo vệ rừng, rừng nuôi sống người dân” thực sự đã được cụ thể hóa, trở thành một trong những điểm sáng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững ở các địa phương miền núi như Điện Biên.

Nậm Pồ chung tay xóa nhà tạm – Lan tỏa yêu thương, vững bước thoát nghèo

Nậm Pồ chung tay xóa nhà tạm – Lan tỏa yêu thương, vững bước thoát nghèo

Những năm qua, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nhà ở nhằm giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn cải thiện điều kiện sống, góp phần nâng cao chất lượng đời sống. Với sự chung tay của chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, chương trình xóa nhà tạm trên địa bàn huyện đang đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Sáp nhập các tỉnh thành, tạo bước đột phá cho công tác bảo tồn thiên nhiên, giữ 'rừng vàng' cho các loài hoang dã quý hiếm

Sáp nhập các tỉnh thành, tạo bước đột phá cho công tác bảo tồn thiên nhiên, giữ "rừng vàng" cho các loài hoang dã quý hiếm

Quyết định sáp nhập các tỉnh thành là một bước đi mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, không chỉ nhằm tối ưu hóa quản lý hành chính, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình, mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.

Lai Châu: Đồng bào Mông ở vùng cao Khun Há đồng lòng giữ rừng

Lai Châu: Đồng bào Mông ở vùng cao Khun Há đồng lòng giữ rừng

Những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng ở xã Khun Há (Tam Đường, Lai Châu) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng bào Mông nơi đây ngày càng tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng, góp phần nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn.