dd/mm/yyyy

Rủ nhau trồng cây ăn quả, cả bản thu nhập ổn định

Với điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả giống mới, cùng với sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm đã giúp các hộ dân bản Văn Lùng, xã Chiềng Hặc (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) thoát nghèo, vươn lên làm giàu với thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Hà Văn Hải, Trưởng bản Văn Lùng, xã Chiềng Hặc (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). Đây là một trong những hộ nông dân tiêu biểu trong phong trào trồng cây ăn quả trên đất dốc và có thu nhập ổn định.

Qua câu chuyện, anh Hải chia sẻ: Trước đây, nhân dân trong bản chủ yếu trồng ngô, sắn trên đất đồi, hiệu quả kinh tế thấp; một số diện tích đất cằn cỗi không canh tác được. Vì vậy, đời sống của người dân trong bản còn rất khó khăn, có trên 60% số hộ nghèo và cận nghèo. Những năm trở lại đây, xác định việc trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, Ban Quản lý bản đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích đất trồng cây lương thực hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa.

Rủ nhau học trồng cây ăn quả, cả bản thoát nghèo - Ảnh 1.

Anh Hà Văn Sơn chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.

Đồng thời, bản cũng đã đề nghị xã, các hợp tác xã (HTX) cử người về bản hướng dẫn bà con kỹ thuật thực hiện ghép nhãn, xoài giống mới trên các gốc cây ăn quả lâu năm; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch để nâng cao năng suất, chất lượng các loại quả.

Được anh Hải giới thiệu, chúng tôi đến thăm HTX trồng cây ăn quả xuất khẩu của ông Hà Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và An toàn Chiềng Hặc (bản Văn Lùng, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). Được biết gia đình anh là một trong những hộ tiên phong, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi mô hình từ trồng cây lương thực sang trồng cây ăn quả từ những năm đầu trong bản và có thu nhập cao, ổn định.

Rủ nhau học trồng cây ăn quả, cả bản thoát nghèo - Ảnh 2.

Anh Hà Văn Yên tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả trên internet.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả của gia đình và chia sẻ về quá trình thoát nghèo, làm giàu, ông Hà Văn Sơn cho biết: Lúc đầu trồng cây ăn quả, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về phương tiện, kỹ thuật, cách chăm sóc,.. nên số lượng và chất lượng quả thu hoạch không được như mong muốn, giá bán không cao… Nhưng với quyết tâm thoát nghèo, vợ chồng tôi cố gắng tìm hiểu kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm, chọn lọc giống… Dần dần có kinh nghiệm rồi cũng gây dựng cơ ngơi như hiện nay.

Được biết, vụ quả năm 2020 gia đình ông Sơn bán được 30 tấn xoài, 5 tấn nhãn, 2 tấn bưởi với giá bán bình quân từ 15 ngàn đồng-30 ngàn đồng/kg, tùy từng loại mang về quả thu nhập hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông Sơn còn vận động thành lập Hợp tác xã trồng cây ăn quả Nông nghiệp và An toàn Chiềng Hặc gồm 7 thành viên với diện tích hơn 25 ha. Đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất trái cây tại huyện. Ông Sơn hiểu rằng, việc trồng cây ăn quả mang tính tự phát và quy mô nhỏ lẻ sẽ khó để phát triển. Chỉ khi cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất để tăng năng suất lao động, ổn định được đầu ra sản phẩm thì mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu tối đa tổn thất sau thu hoạch.

Rủ nhau học trồng cây ăn quả, cả bản thoát nghèo - Ảnh 3.

Cổng chào vào bản Văn Lùng (Chiềng Hặc).

Không chỉ làm giàu cho bản thân mà vợ chồng ông Sơn còn nhiệt tình vận động, truyền đạt kinh nghiệm cho bà con trong bản cùng phát triển mô hình kinh tế vườn từ trồng cây ăn quả để thoát nghèo và có thu nhập cao hơn. Được giống nào tốt, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng khí hậu địa phương, hai vợ chồng ông Sơn lại bàn nhau mang đi phổ biến cho bà con trong bản.

Cũng giống như ông Sơn, nhiều người dân ở bản Văn Lùng cho biết, so với trồng lúa thì trồng cây ăn quả không vất vả bằng mà còn cho thu nhập cao gấp 3 lần. Thêm vào đó, điều kiện thổ nhưỡng của bản rất phù hợp để các loại cây ăn quả phát triển. Thực tế đã chứng minh, vài năm trở lại đây việc mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đất trồng cây lương thực để trồng cây ăn quả đã giúp người dân ở bản Văn Lùng không những thoát nghèo mà còn có cuộc sống khấm khá hơn. Các hộ gia đình trồng cây ăn quả có thu nhập cao với bình quân mỗi ha cho lãi từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm, như gia đình ông Hà Văn Bia, Hà Văn Nam, Hà Thị Thủy, Hà Văn Yến...

Rủ nhau học trồng cây ăn quả, cả bản thoát nghèo - Ảnh 4.

Ngôi nhà khang trang mới xây dựng của anh Hà Văn Yến.

Tại gia đình anh Hà Văn Yến, qua trao đổi được biết: Trước đây, thu nhập chủ yếu của gia đình anh Yến là từ trồng lúa, trồng ngô nhưng năng suất rất thấp, không ổn định. Năm 2011, cùng với việc học hỏi từ những người đi trước và tìm hiểu thêm trên sách, báo và các phương tiện truyền thông, gia đình anh đã quyết định chuyển 1 ha đất trồng ngô năng suất thấp sang trồng 500 cây nhãn ghép, sau đó trồng thêm 200 gốc xoài Đài Loan, đến nay gia đình đã có 3 ha cây ăn quả. Năm 2020, gia đình anh thu 18 tấn xoài, 6 tấn nhãn, giá bán trung bình từ 18 nghìn đồng - 20 nghìn đồng/kg, thu nhập hơn 100 triệu đồng. Nhờ việc trồng cây ăn quả đến nay gia đình anh Yến cũng có một cơ ngơi khang trang và đời sống ổn định hơn.

Rủ nhau học trồng cây ăn quả, cả bản thoát nghèo - Ảnh 5.

Đường vào bản Văn Lùng được bê tông hóa chắc chắn.

Trao đổi thêm với ông Hà Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Chiềng Hặc (Yên Châu), được biết: Hiện nay, bản Văn Lùng có 63/65 hộ đã chuyển đổi từ trồng cây lương thực sang trồng cây ăn quả và có thu nhập ổn định, còn 2 hộ chưa chuyển đổi được. Trong đó có 1 hộ là người già neo đơn và 1 hộ thuộc diện gia đình chính sách. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tích cực vận động người dân nỗ lực cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, tiếp tục nhân rộng diện tích để nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân. Đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị tạo sản phẩm OCOP của địa phương gắn với diện tích trồng cây ăn quả vừa để nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn quả vừa để phục vụ du khách xa gần…

Trung Hải - Tuệ Linh