Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Hòa Bình: Góp phần phát triển rừng bền vững

Bài, ảnh: Giang Dương

25/05/2018 08:55 GMT +7

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao sự vào cuộc của xã hội, những năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Hòa Bình đã thực hiện tốt chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), góp phần tích cực phát triển ngành lâm nghiệp địa phương.

Theo quy định của Chính phủ, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cá nhân hưởng lợi từ DVMTR như nhà máy thủy điện, công ty nước sạch, các cơ sở du lịch sinh thái…phải trả phí DVMTR. Nguồn thu này được dùng để chi trả cho các chủ rừng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Quỹ BV&PTR Hòa Bình được thành lập theo Quyết định số 2642 ngày 31.12.2011 của UBND tỉnh, là đơn vị sự nghiệp công lập, được giao thực hiện những chính sách trên.

Hiệu quả từ việc chi trả DVMTR đã giúp phát triển rừng bền vững.
Hiệu quả từ việc chi trả DVMTR đã giúp phát triển rừng bền vững.

Hòa Bình là tỉnh có diện tích rừng lớn, với trên 347.000ha đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có gần 98.000ha diện tích nằm trong diện được cung ứng DVMTR với 14.788 hộ dân được thụ hưởng. Tỉnh có hai lưu vực sông lớn là sông Đà và sông Mã, với 9 nhà máy thủy điện; 2 doanh nghiệp cấp nước sinh hoạt, thuộc diện phải chi trả DVMTR. Năm 2017, tổng nguồn thu DVMTR của đơn vị đạt trên 15 tỉ đồng, trong đó: quỹ Trung ương điều phối 13,8 tỷ đồng, thu nội tỉnh đạt trên 1,4 tỉ đồng. Tổng kinh phí chi trả cho các đối tượng cung ứng DVMTR là trên 19,7 tỉ đồng.

Quỹ BV&PTR Hòa Bình đã chú trọng thực hiện hiệu quả việc chi trả tiền DVMTR, làm cơ sở tổ chức thực hiện chính sách chi trả cho các chủ rừng. Đồng thời, kết hợp lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, chủ rừng và người dân địa phương về công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đồng thời, thực hiện rà soát đối tượng sử dụng DVMTR làm cơ sở theo dõi, giám sát và thu tiền sử dụng dịch vụ. Qua 7 năm triển khai, chính sách chi trả DVMTR đã có tác động tích cực đối với đời sống người dân. Nhận thức của các chủ rừng được nâng lên, công tác bảo vệ rừng được tăng cường. Đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa, những nơi chưa có nguồn thu từ rừng phần nào được cải thiện.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là một trong những doanh nghiệp trả phí DVMTR lớn tại tỉnh Hòa Bình.
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là một trong những doanh nghiệp trả phí DVMTR lớn tại tỉnh Hòa Bình.

Ông Nguyễn Thạch Lam – Giám đốc Quỹ BV&PTR tỉnh Hòa Bình cho biết: “Việc chi trả DVMTR tại địa phương còn thúc đẩy quản lý, phát triển rừng bền vững, bảo vệ hiệu quả môi trường sinh thái, chống lũ ống, lũ quét, đồng thời góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân”.

Tuy nhiên, công tác chi trả DVMTR ở Hòa Bình còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc chi trả cho các hộ dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR đến các đối tượng sử dụng, cung cấp sử dụng DVMTR, xây dựng các đề án hoạt động còn hạn chế do thiếu kinh phí. Chưa có biện pháp xử lý, quy định chế tài đối với đơn vị chưa ký hợp đồng ủy thác; chậm hoặc không nộp tiền theo hợp đồng đã ký.

“Trong thời gian tới, Quỹ sẽ tăng cường quản lý công tác thu - chi, hoàn thiện tổ chức hoạt động, tăng cường phối hợp giữa các ngành trong thực hiện thu. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp trong diện chi trả DVMTR phối hợp một cách chủ động, nhanh chóng”, ông Lam cho biết.