Người tiên phong đưa cây sa nhân bén duyên với đất Mường Nhé chính là ông Pờ Dần Sinh, bản Tả Kố Khừ, xã Xín Thầu. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Pờ Dần Sinh nói những ấp ủ của ông về việc đưa cây sa nhân đến đất Sín Thầu.
"Mỗi lần sang cửa khẩu A Pa Chải, thấy dân bên kia biên giới thu mua sa nhân với giá cao, tôi đã ấp ủ ý định trồng loại cây này dưới tán rừng. Nhưng kinh nghiệm chưa có, cũng không biết lấy loại giống sa nhân nào cho tốt. Trên thị trường có rất nhiều giống sa nhân, mỗi loại quả sa nhân bán với giá khác nhau. Sa nhân tím bán có giá cao gần gấp đôi so với giống sa nhân xanh. Sau thời gian tìm hiểu về cách trồng, chăm sóc cây sa nhân, tôi đã quyết định trồng loại sa nhân tím" ông Pờ Dần Sinh chia sẻ.
Từ dự án trồng sa nhân của chính gia đình ông Sinh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2013, Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé triển khai dự án phát triển sinh kế dưới tán rừng tại các xã vùng đệm khu bảo tồn. Xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) được hỗ trợ cây giống sa nhân tím để trồng trên diện tích 1ha dưới tán rừng. Thời điểm đó, người dân trên địa bàn xã Sín Thầu chưa có nhiều thông tin. Chưa hiểu rõ giá trị kinh tế của giống cây sa nhân nên các hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng dự án từ chối tham gia.
Trước tình hình đó, với vai trò nguyên lãnh đạo xã, người có uy tín, ông Pờ Dần Sinh, đã lấy mô hình của gia đình ra để thuyết phục bà con. Đồng thời gia đình ông nhận làm mô hình điểm trồng 1ha cây sa nhân dưới tán rừng. Sau 3 năm kiến thiết, đến năm 2016, diện tích sa nhân cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/ha.
Ông Pờ Dần Sinh cho biết: "Cây sa nhân tím dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao, cây trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch. Sau đó, rễ cây lan tới đâu thì diện tích trồng sa nhân được mở rộng tới đó. Nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong thời gian 10 - 12 năm".
Ngoài hiệu quả kinh tế, sa nhân tím còn góp phần hạn chế tình trạng cháy rừng vì cây chứa nhiều nước. Việc tận dụng trồng xen các loại cây hoặc trồng dưới tán rừng còn giải quyết được tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.
Theo ông Pờ Dần Sinh thì từ năm 2016 đến nay, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình điểm của gia đình tôi, người dân xã Sín Thầu đã bắt đầu tìm mua giống cây sa nhân về trồng dưới tán rừng. Bên cạnh đó, các chương trình, dự án phát triển sinh kế của huyện, xã đều hỗ trợ giống cây sa nhân cho người dân trồng, đến nay toàn xã đã có gần 50ha cây sa nhân, trong đó có khoảng 30ha cho thu hoạch. Riêng gia đình ông hiện có trên 2ha đã cho thu hoạch.
Bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu cho biết: "Sau gần 5 năm triển khai trồng cây sa nhân dưới tán rừng, các mô hình bước đầu mang lại "hiệu quả kép" vừa mang lại giá trị kinh tế đồng thời bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Hiện nay, xã Sín Thầu phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé tiếp tục vận động người dân phát triển cây sa nhân dưới tán rừng. Các dự án hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình 30a/CP, 135/CP, nông thôn mới… người dân đều đăng ký trồng cây sa nhân, do đó dự kiến thời gian tới diện tích sa nhân của xã sẽ tiếp tục được mở rộng".
Mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng tại huyện Mường Nhé bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân các xã đang mở rộng diện tích trồng cây sa nhân. Theo ông Vùi Văn Nguyện, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: "Để trồng được cây sa nhân, đòi hỏi bà con phải giữ được rừng. Đây là lợi nhuận kép. Giữ rừng bà con được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Và trồng sa nhân dưới tán rừng người dân còn tạo được thu nhập cao cho gia đình mình".
Được biết, trong Nghị quyết của Đảng bộ huyện Mường Nhé nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ lấy phát triển kinh tế rừng làm mũi nhọn. UBND huyện Mường Nhé sẽ kết hợp các nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ bà con cây giống sa nhân để mở rộng diện tích.