Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao thành tựu của Lai Châu
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Ở Lai Châu để phát triển đô thị, các khu công nghiệp, vùng nông nghiệp quy mô lớn như dưới xuôi rất khó khăn. Do vậy, tỉnh cần tính toán tìm ra đặc điểm riêng, giá trị riêng để đô thị ở đây trở thành đô thị "phố núi". Quy hoạch của tỉnh chỉ như định hướng mang tính chiến lược, thực tế có thể chưa là quy hoạch đủ chi tiết manh tính hoạch định quốc gia; chưa đặt vào kết nối trong quy hoạch liên tỉnh, quy hoạch vùng trung du miền núi phía Bắc và chưa được nhìn nhận trong mối quan hệ quy hoạch vùng với quy hoạch vùng khác. Một bài toán đặt ra chúng ta cần sắp xếp thứ tự ưu tiên, nên làm cái gì trước cái gì sau, tư duy kết nối liên tỉnh và giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với các vùng khác phải có lộ trình thống nhất. Trong vấn đề kết nối cần rà soát quy hoạch vùng để xác định cái gì mở ra trước. Do vậy, Lai Châu nên kết nối nối và tận dụng vấn đề này để phát triển.
Cùng đó, Lai Châu cần bám sát với Bộ Xây dựng trong việc quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, có phân vùng đô thị nông thôn một cách hợp lý, tỉnh coi phát triển đô thị gắn với chuyển đổi sang kinh tế đô thị; tỉnh xem xét xây dựng thành phố Lai Châu trở thành loại 2 thậm chí loại 1 trong tương lai, nhưng không nhất thiết phải lấy một số chỉ số mang tính chất về diện tích, dân số. Phát triển đô thị phải có lộ trình từ phát triển các ngành nghề mũi nhọn, cộng thêm nhiệm vụ giữ gìn màu xanh, nguồn sinh thủy, biên cương để phát triển. Sớm xây dựng mạng lưới đô thị nông thôn Lai Châu, dựa vào cảnh quan để duy trì tiềm năng riêng biệt đô thị.
Lai Châu cần có tiếng nói với các địa phương khác trong vùng để ưu tiên phát triển một số tuyến giao thông, giao thông là vấn đề quyết định lớn sự phát triển của tỉnh Lai Châu. Tỉnh chú trọng xây dựng một số sản phẩm đặc trưng theo tiềm năng được đánh thức bởi giao thông; quan tâm các cây có đặc tính vùng bản địa để phát nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp du lịch.
Đặc biệt, Lai Châu là tỉnh có tiềm năng đất hiếm, nên tỉnh cần quản lý tốt tránh khai thác tùy tiện xuất khẩu thô, nên đầu tư ngành công nghiệp chế biến sâu tạo thành phẩm. Tỉnh quan tâm giữ màu xanh của rừng để tạo đà cho phát triển du lịch, dược liệu và thủy điện. Con người Lai Châu nếu để thiếu rừng sẽ mất đi nguồn nước, vì vậy phải giữ rừng để giữ nguồn nước và giữ thu nhập, có cơ chế dịch vụ rừng thông qua thu dịch vụ môi trường rừng.
7 nhiệm vụ trọng tâm và 4 đột phá phát triển
Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng và phê duyệt thống nhất, đồng bộ với quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế xã hội của vùng và cả nước. Đồng thời, Quy hoạch thể hiện tư duy, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội, động lực phát triển với 5 quan điểm phát triển, 7 nhiệm vụ trọng tâm và 4 đột phá phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030 phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng trung du và miền núi phía Bắc, trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực bên trong và bên ngoài, xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đến năm 2050 phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh có kinh tế, xã hội trên mức trung bình của cả nước.
Song song với việc xây dựng định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, Quy hoạch tỉnh Lai Châu xác định cụ thể phương án bố trí, sắp xếp không gian phát triển cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh theo định hướng "Một trục - hai vùng - ba trụ cột" cho cả thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đây là điểm mới, khác biệt, có tính đột phá chiến lược, vừa bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức thực hiện, vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế và cơ hội cho sự phát triển.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ cho biết: Sau 3 năm chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, Quy hoạch tỉnh Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1585/QĐ-TTg, ngày 07/12/2023. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới; là cơ sở pháp lý vững chắc để tỉnh hoạch định các định hướng phát triển và phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đưa tỉnh Lai Châu phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu khẳng định: Quan điểm xuyên suốt của Quy hoạch tỉnh là xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Để hiện thực hóa tầm nhìn của Quy hoạch tỉnh, Lai Châu sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân về nội dung cốt lõi của quy hoạch, tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao trong thực hiện quy hoạch. Ban hành Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong quy hoạch gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, nhất là quy hoạch về đất đai, xây dựng cho phù hợp với Quy hoạch tỉnh; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách, góp phần huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện hiệu quả Quy hoạch.
Dịp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Đoàn Công tác tặng 30 suất quà, Chương trình Tết Sum vầy tặng 173 suất quà cho các gia đình người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo và đoàn viên người lao động trên địa bàn tỉnh Lai Châu.