Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm việc với tỉnh Điện Biên
Theo báo cáo của tỉnh Điện Biên, từ đầu năm đến ngày 21/7 trên địa bàn tỉnh Điện Biên chịu ảnh hưởng của 24 đợt thiên tai, gồm các loại hình: rét đậm, rét hại, dông lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhà nước, nhân dân. Thống kê chung toàn tỉnh, thiệt hại do mưa lũ, thiên tai gây ra làm 23 người bị chết, mất tíchvà bị thương; 1.591 ngôi nhà bị thiệt hại và 301 nhà phải di dời khẩn cấp; 2.313,199 ha lúa, hoa màu, cây trồng bị thiệt hại; 2.481 con gia súc, gia cầm bị chết. Về cơ sở hạ tầng, mưa lũ làm 87 công trình, dự án thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, cơ sở y tế, nhà văn hóa thôn, bản bị hư hỏng. Tổng thiệt hại do mưa bão, lũ quét gây ra tại Điện Biên ước 501 tỷ đồng.
Nhấn mạnh thiệt hại do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2 gây ra trên địa bàn, đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, nêu rõ: Trong số 24 đợt thiên tai xảy ra tại Điện Biên thì riêng khoảng thời gian từ đầu năm đến 21/7 diễn ra 22 đợt; từ 22/7 đến nay xảy ra hai đợt mà thiệt hại nặng nề nhất là lũ quét tại xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) xảy ra đêm 24 rạng sáng ngày 25/7 làm 7 người chết, mất tích và nhiều người bị thương.
Ngay khi thiên tai, lũ quét xảy ra UBND tinh Điện Biên đã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai cấp huyện cùng các sở, ngành chủ động khắc phục theo phương châm "bốn tại chỗ", khẩn trương hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại theo quy định; giúp người dân sớm ổn định lại cuộc sống.
Riêng lũ quét tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên ngay khi lũ quét tràn qua, tỉnh đã phân công, huy động 11.176 lượt người thuộc các lực lượng vũ trang (biên phòng, công an, quân đội, dân quân tự vệ, dự bị động viên) và cán bộ các sở, ban, ngành cùng nhân dân tại địa phương hỗ trợ. Tổng kinh phí khắc phục thiệt hại thiệt hại tại Mường Pồn đến nay là 34,62 tỷ đồng (trong đó bao gồm 10 tỷ đồng ngân sách Trung ương hỗ trợ; 10 tỷ đồng ngân sách tỉnh hỗ trợ).
Từ kinh nghiệm phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, trước thời điểm xảy ra bão số 3 và nguy cơ ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các huyện, thị, thành phố rà soát dưa 249 hộ dân (ở các huyện Nậm Pồ, Mường Lay, Mường Chà, Tuần Giáo, thành phố Điện Biên Phủ, Tủa Chùa) di dời khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Kiểm tra các hồ đập trên địa bàn tỉnh (15 hồ thủy lợi, 15 hồ thủy điện), chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa thực hiện đúng quy trình vận hành đặc biệt là việc thông báo xả lũ, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó tình huống khẩn cấp.
Với sự chủ động phòng chống, khắc phục thiệt hại đúng phương châm "bốn tại chỗ", đến thời điểm nay tại các vùng bị thiệt hại do thiên tai ở Điện Biên đã cơ bản ổn định tình hình; nhân dân vùng thiên tai tin tưởng sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự hỗ trợ khắc phục của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, với xuất phát điểm của tỉnh rất nhiều khó khăn, hơn 90% ngân sách của tỉnh phụ thuộc ngân sách Trung ương bởi vậy thiên tai xảy ra khiến Điện Biên càng thêm khó khăn; nguồn lực khắc phục hư hỏng công trình hạ tầng, hỗ trợ nhân dân cải thiện đời sống, sản xuất sau thiên tai còn rất nhiều khó khăn. Để có thêm nguồn lực khắc phục thiệt hại, hỗ trợ nhân dân vùng thiên tai phục hồi sản xuất Điện Biên đã có báo cáo chi tiết, đề nghị Trung ương xem xét bố trí ngân sách dự phòng Trung ương hỗ trợ cho tỉnh khoảng 700 tỷ đồng (riêng hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên là 283,5 tỷ đồng).
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trân trọng gửi lời chia sẻ, động viên, thăm hỏi của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tới toàn thể Nhân dân tỉnh Điện Biên đã phải gánh chịu hậu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 2 (tháng 7.2024) gây ra. Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân các chiến sĩ, các gia đình có người thân thiệt mạng, bị thương, mất tích, mất mát về nhà cửa, tài sản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trực tiếp kiểm tra, thăm hỏi người dân vùng ảnh hưởng thiên tai
Từ thực tế khảo sát tình hình khắc phục bão lũ tại hai xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) và Mường Pồn (huyện Điện Biên), Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Điện biên cùng với các nhà hảo tâm, sự chung tay của người dân với tinh thần "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều" đã giúp đỡ người dân bị thiệt hại nơi lũ quét sớm vượt qua những mất mát, khó khăn ban đầu, dần ổn định đời sống.
Trước dự báo bão lũ còn nhiều diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu tỉnh Điện Biên không được chủ quan, bởi nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét là hiện hữu đối với địa phương trong những ngày mưa bão. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, mục tiêu quan trọng nhất của Điện Biên là sớm ổn định tình hình, khắc phục tình trạng chia cắt giao thông cục bộ, đặc biệt các khu vực vùng sâu, vùng xa, các xã biên giới; đưa mọi hoạt động trở lại bình thường. Bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men; công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân; sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, dọn vệ sinh môi trường, bảo đảm các điều kiện an toàn để đón học sinh trở lại trường học, người dân và doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất…
Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt đề nghị Điện Biên cần đề cao tính dự báo tình hình mưa lũ, triển khai tốt phương châm "4 tại chỗ" bảo đảm kịp thời, hiệu quả…Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, tuần đường trên các tuyến đường để kịp thời phát hiện, báo cáo thiệt hại; các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng lãnh đạo tỉnh Điện Biên lãnh đạo huyện Điện Biên quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, nhất là đối với các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, hộ khó khăn bị mất người thân, nhà cửa do thiên tai; tiếp tục duy trì công tác truyền thông, cập nhật tình hình nhanh đến nhân dân để chủ động ứng phó với mưa lũ, kịp thời sơ tán, bố trí chỗ ăn ở an toàn, bảo đảm cung cấp lương thực cho người dân…