Clip: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp vùng dân tộc thiểu số
Đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp vùng dân tộc bền vững
Hiện nay, tỉnh Sơn La có dân số trên 1,3 triệu người, với 12 dân tộc cùng chung sống; trong đó, trên 83,7% là người dân tộc thiểu số (DTTS) gồm: Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú, Xinh Mun, Kháng, Lào, La Ha, Tày, Hoa. Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024, với chủ đề "Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo; phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập, chung sức xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững" đã thành công tốt đẹp.
Gửi đến Đại hội tham luận về việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp vùng dân tộc thiểu số, bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết: Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường đã và đang trở thành động lực quan trọng và xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay và những năm tiếp theo nhằm thực hiện mục tiêu đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du miền núi phía Bắc, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững.
Xác định tầm quan trọng của nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ giúp thay đổi bức tranh nông nghiệp, thời gian qua sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao đã được các cấp, các ngành của tỉnh Sơn La quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.
Đến nay, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Sơn La nói chung và tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã có những kết quả tích cực góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số được đảm bảo. Thông qua xây dựng các chương trình, mô hình khuyến nông các cấp; các chương trình, dự án phối hợp với các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ giới thiệu, thử nghiệm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến cho nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Trồng cây ăn quả ghép xen cây cà phê; Chăn nuôi dê, lợn, gà… an toàn sinh học; Chăn nuôi bò cái sinh sản; nuôi cá lồng... đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chuyển giao ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ sinh học trong phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng đến đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất như: sản xuất bộ giống có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất chất lượng (mía, lúa, ngô, chè, cà phê…); Ứng dụng nhân giống vô tính; Ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi giống bò sữa thuần chủng tại Mộc Châu, phối giống nhân tạo cho bò cái có kết quả bằng tinh của giống bò chất lượng cao….Ứng dụng công nghệ mô, hom trong chọn, tạo, nhân giống các giống cây lâm nghiệp như xoan, tếch, giổi…ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa…ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất, giám sát môi trường không khí, chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý sức khỏe vật nuôi. Sử dụng men vi sinh hoạt tính trong ủ, chế biến thức ăn chăn nuôi quy mô hộ gia đình.
Xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay toàn tỉnh có 05 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận, gồm: 01 vùng chè, 01 vùng chăn nuôi bò sữa tại huyện Mộc Châu; 02 vùng cà phê và 01 vùng Na tại huyện Mai Sơn. Trong đó có 1.784/3179 các hộ gia đình và cá nhân là người dân tộc thiểu số tham gia (chiếm khoảng 56%).
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ tiêu biểu như: Mô hình Hợp tác xã ARA-Tay Coffee gồm 14 thành viên do người phụ nữ dân tộc Thái làm chủ. Địa chỉ: Xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, với sản phẩm cà phê đặc sản. Mô hình ruộng nhà mình: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quang Huy do người phụ nữ Thái làm chủ. Địa chỉ: Bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, với sản phẩm sản xuất lúa hữu cơ.
Tính đến thời điểm hiện tại tổng số mã số vùng trồng đang duy trì trên địa bàn tỉnh là 205 mã số vùng trồng xuất khẩu, trong đó có 203 mã vùng trồng xuất khẩu vùng dân tộc thiểu số, với 80 mã vùng trồng xuất khẩu có người đại diện là dân tộc thiểu số (gồm: 15 mã số xuất khẩu sang Úc, 52 mã số xuất khẩu sang Trung Quốc, 6 mã số xuất khẩu sang Newzealand, 6 mã số xuất khẩu sang Hoa Kỳ, 1 mã số xuất khẩu sang các thị trường khác). Duy trì 07/09 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt có người đại diện là người dân tộc thiểu số.
Thông qua các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp thuộc vùng dân tộc thiểu số, như: Dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng tái định cư thủy điện Sơn La đã triển khai 1 dự án sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp với bón phân hòa tan cho cây cà phê; 9 dự án tưới ẩm để hỗ trợ cho các hộ gia đình thuộc vùng tái định cư thủy điện Sơn La. Dự án Khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Từng bước phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La: Tiếp tục phát huy những kết quả ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng đã đạt được, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả và quyết tâm hoàn thành các mục tiêu theo ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp vùng dân tộc thiểu số.
Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý, dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, giảm phát thải khí nhà kính.
Xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh; chế biến công nghệ cao. Chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ và dịch vụ hỗ trợ. Hình thành hệ thống logistics nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hàng nông sản.
Hình thành một số khu, cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp (kho, bến, bãi, nhà máy chế biến, trạm, trại giống...) gắn vùng sản xuất với chế biến, thương mại. Triển khai mạnh mẽ chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Hình thành và phát triển các ngành nghề sử dụng nhiều lao động gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân và cư dân nông thôn để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ nông dân và cư dân nông thôn vùng dân tộc thiểu số nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản xuất kinh doanh; tạo sinh kế, việc làm ổn định, tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học và công nghệ.
Phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật, kiến thức sản xuất kinh doanh, khoa học và công nghệ. phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học và công nghệ. Huy động và sử dụng hiệu quả, đúng quy định các nguồn vốn, nguồn tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích đầu tư vào phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn.