dd/mm/yyyy

'Ông lớn' Sao Ta: Doanh số tiêu thụ tháng 9 tăng, kết quả nuôi tôm vẫn chưa như mong đợi

Sao Ta cho biết, hoạt động kinh doanh của công ty đang trong tiến trình phục hồi, rút ngắn đà giảm ở 6 tháng đầu năm. Hiện nay, công ty tập trung chế biến các đơn hàng cao cấp cho các hợp đồng giao quý IV/2023.

Doanh số tiêu thụ tháng 9 của Sao Ta tăng 25% so với cùng kỳ 

CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố doanh số tiêu thụ tháng 9/2023 đạt 20,3 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ.

Trong tháng 9, mảng tôm của Sao Ta tăng trưởng cả về sản lượng lẫn tiêu thụ. Cụ thể, sản xuất tôm thành phẩm đạt 2.339 tấn, tiêu thụ tôm thành phẩm là 1.799 tấn tăng lần lượt 57% và 39% so với cùng kỳ.

Về nông sản, sản xuất đạt 85 tấn giảm 26% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm khoảng 128 tấn, tăng 93% so với tháng 9 năm ngoái.

Sao Ta cho biết, hoạt động kinh doanh của công ty đang trong tiến trình phục hồi, rút ngắn đà giảm ở 6 tháng đầu năm. Hiện nay, công ty tập trung chế biến các đơn hàng cao cấp cho các hợp đồng giao quý IV.

Về trại tôm, công ty đang thu hoạch và đã thu gần 2.000 tấn. Song, Sao Ta đánh giá kết quả này vẫn không như mong đợi, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ nuôi tôm thành công không cao và cỡ tôm thu hoạch chỉ vừa phải.

Sao Ta dự kiến việc thu hoạch tôm sẽ kéo dài hết tháng 11 và ngay sau đó là thả nuôi vụ mới ngay trong năm, tranh thủ thời tiết không lạnh (do hiện tượng El Nino còn kéo dài) và độ mặn có sớm (năm nay dự báo hạn và xâm nhập mặn đến sớm).

Trước đó, Sao Ta đã công bố doanh số tiêu thụ tháng 8/2023 đạt 22,4 triệu USD tăng 1,3% so với cùng kỳ (22,1 triệu USD).

Trong tháng 8, mảng tôm của Sao Ta cũng tăng trưởng cả về sản lượng lẫn tiêu thụ. Cụ thể, sản xuất tôm thành phẩm đạt 1.981 tấn, tiêu thụ tôm thành phẩm là 2.008 tấn tăng lần lượt 5%, 15% so với cùng kỳ.

Về nông sản, sản xuất đạt 75 tấn giảm 46% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm khoảng 85 tấn giảm 67% so với tháng 8 năm ngoái.

Sao Ta cho biết, so cùng kỳ năm trước, sản lượng tiêu thụ tôm tăng 15% nhưng doanh số chỉ tăng 1% do giá tiêu thụ tôm thế giới đang ở mức thấp. Đây cũng là tháng tăng trưởng dương đầu tiên trong năm nay của công ty, cho thấy cho thấy sự chuyển động phục hồi tiêu thụ.

Bên cạnh đó, trong tháng 8, công ty đã có tôm thu hoạch từ khu nuôi mới, còn khu nuôi cũ mới thả nuôi xong gần 1 tháng trước đó.

'Ông lớn' Thực phẩm Sao Ta (FMC): Lần đầu tăng trưởng dương, dự kiến lợi nhuận tăng mạnh nửa cuối năm - Ảnh 2.

Về trại tôm, công ty đang thu hoạch và đã thu gần 2.000 tấn. Song, Sao Ta đánh giá kết quả này vẫn không như mong đợi, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ nuôi tôm thành công không cao và cỡ tôm thu hoạch chỉ vừa phải.

Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, FMC ghi nhận tháng 8 tăng trưởng dương đầu tiên trong năm 2023, đồng thời đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp doanh số tăng trưởng so với tháng trước đó. Sự phục hồi tập trung chủ yếu vào hoạt động giao hàng tôm thành phẩm, trong khi mảng nông sản tiếp tục chững lại.

Sao Ta cho rằng, quý IV sẽ là quý tăng tốc tiêu thụ mặt hàng tôm ra thế giới của Việt Nam. Nguyên nhân vì giai đoạn cuối năm có rất nhiều lễ hội ở các thị trường lớn và nhu cầu tiêu thụ tôm đã qua chế biến sẽ tăng lên. Điều này phù hợp với ưu thế tôm chế biến sâu của Việt Nam. Hiện tôm chế biến sâu của Việt Nam đang chiếm thị phần khá tốt ở các thị trường lớn.

Được biết, tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Thực phẩm Sao Ta đạt 3.201 tỷ đồng, tăng 7,2% so với số đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài sản với mức 1.286 tỷ đồng, gần 40% so với đầu năm và là mức cao nhất từ trước tới nay.

'Ông lớn' Thực phẩm Sao Ta (FMC): Lần đầu tăng trưởng dương, dự kiến lợi nhuận tăng mạnh nửa cuối năm - Ảnh 3.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Thực phẩm Sao Ta đạt 3.201 tỷ đồng, tăng 7,2% so với số đầu năm.

Theo đánh giá mới nhất SSI Research, hoạt động kinh doanh của Thực phẩm Sao Ta có thể đã qua đáy và dự báo lợi nhuận nửa cuối năm nay của doanh nghiệp này có thể tăng tới 39% so với nửa đầu năm.

Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận gộp của Thực phẩm Sao Ta kỳ vọng sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm 2023 do chi phí đầu vào giảm nhờ doanh nghiệp này đưa vào vận hành vùng nuôi mới có chi phí sản xuất tôm nguyên liệu thấp; đồng thời giá tôm nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng giảm xuống. 

Tính đến tháng 7/2023, Thực phẩm Sao Ta đang vận hành một vùng nuôi thương mại với diện tích 525 ha, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022. Vùng nuôi này sẽ cung cấp khoảng 40% tổng nguyên liệu tôm đầu vào cho sản xuất của Thực phẩm Sao Ta trong nửa cuối năm 2023. Tỷ lệ tự cung này cao hơn so với mức 30% ghi nhận trong năm 2022.

Do thiếu nguồn tôm giống chất lượng và khỏe mạnh, khu trang trại Vinfarm ở Vĩnh Thuận (203 ha) của Thực phẩm Sao Ta mới bắt đầu đưa vào khai thác toàn bộ trong tháng 7/2023, muộn hơn 1 tháng so với kế hoạch.

Thực phẩm Sao Ta cho biết, công ty đã vận hành thương mại với 2 nhà máy chế biến mới, với các sản phẩm mới dành cho thị trường riêng. Các nhà máy mới nâng tổng công suất chế biến của doanh nghiệp này lên 45.000 tấn/năm, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm nay, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta dự kiến nhà máy Tam An sẽ đạt 20% công suất hoạt động và nhà máy Sao Ta sẽ đạt 40% công suất hoạt động.

SSI Research hiện ước tính tỷ suất lợi nhuận gộp của Thực phẩm Sao Ta trong cả năm nay sẽ ở mức 10,8%, so với mức 11% trong năm 2022, và dự kiến sẽ nâng lên mức 11,2% trong năm 2024. Đặc biệt, việc Thực phẩm Sao Ta đẩy mạnh khai thác thị trường Nhật Bản đang đem lại lợi thế cho doanh nghiệp này.

Kim ngạch xuất khẩu của Thực phẩm Sao Ta đã bắt đầu có tín hiệu phục hồi rõ rệt kể từ tháng 6/2023. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 19 triệu USD trong tháng 6/2023, đi ngang so với hồi tháng 6/2022 nhưng tăng tới 37% so với mức bình quân tháng của 5 tháng đầu năm 2023. Sang tháng 7/2023, doanh thu thuần đã đạt 21 triệu USD, tiếp tục đi ngang so với tháng 7/2022 nhưng sản lượng tiêu thụ đã tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, và tăng tới 53% so với mức bình quân tháng trong quý II/2023, chủ yếu nhờ nhu cầu từ thị trường Nhật Bản tăng lên.

Hiệp hội Chế biến và Xuất Khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Lũy kế tới hết quý III/2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu hải sản có thể có chiều hướng khả quan hơn nếu sau chương trình thanh tra của EC vào tháng 10 đối với hải sản khai thác kết quả đánh giá tích cực. Tuy nhiên, về góc độ tiêu thụ thì tôm và hải sản cũng có hy vọng lạc quan về sự hồi phục của các thị trường, cùng những biến động khác.

Sau tin Nhật Bản xả nước thải nhiễm phóng xạ, có thể người tiêu dùng Nhật sẽ thận trọng với tiêu thụ thủy sản nội địa, do vậy sẽ tìm đến thủy sản nhập khẩu nhiều hơn. Các thị trường khác cũng cân nhắc việc nhập khẩu từ Nhật Bản và các nước láng giềng của Nhật, tạo cơ hội cho thủy sản Việt Nam.

Những thông tin trên, cùng với dấu hiệu kinh tế hồi phục ở một số thị trường sẽ đem lại hy vọng cho xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm, với dự báo lạc quan doanh số xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 8/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 337 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 2,2 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ.

Theo đó, xuất khẩu sang 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đà tăng trưởng dương của tháng 7; xuất khẩu sang các thị trường nhỏ hơn như Australia, Đài Loan, Thụy Sỹ ghi nhận tăng trưởng dương từ 3 - 51%; xuất khẩu sang các thị trường như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn ghi nhận sụt giảm từ 32 - 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu, tôm chân trắng (chiếm tỷ trọng 74%) có giá trị xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD, giảm 29%. Giá trị xuất khẩu tôm sú (chiếm 14%) đạt 315 triệu USD, giảm 25%, xuất khẩu tôm loại khác (chiếm 12%) đạt 257 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường Mỹ và Trung Quốc, xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm nay sẽ thu hẹp dần mức giảm và ghi nhận kết quả tích cực hơn nửa đầu năm.

Nguyễn Phương