dd/mm/yyyy

Nuôi lợn trong nhà lạnh “tuyên chiến” với dịch bệnh

Trong điều kiện chưa có vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi, mô hình chăn nuôi lợn bằng trại lạnh và khép kín, trở thành vũ khí hữu hiệu để nông dân tỉnh Đồng Nai tuyên chuyến với dịch bệnh.

Rất nhiều ưu điểm

Ông Đinh Văn Sơn (ở xã Bình Lộc, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) kể: Gia đình chăn nuôi lợn từ năm 2015 đến nay. Nhờ chính quyền tạo điều kiện tham quan học tập kinh nghiệm nhiều nơi nên ông Sơn nhận thấy chăn nuôi chuồng lạnh có nhiều ưu điểm.

Năm 2016, gia đình ông đầu tư 1,5 tỷ đồng để nâng cấp từ chuồng hở thành chuồng lạnh trên diện tích chăn nuôi 1ha.

Nuôi lợn trong nhà lạnh “tuyên chiến” với dịch bệnh - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều nông hộ ở Đồng Nai áp dụng mô hình chăn lợn nuôi trại lạnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Nuôi lợn chuồng lạnh mặc dù không phải là mô hình mới lạ nhưng hiệu quả kinh tế mang tính bền vững. Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn lợn diễn biến phức tạp, thì việc triển khai mô hình nuôi lợn chuồng lạnh là lựa chọn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi hiện nay".

Ông Nguyễn Kim Đoán

Các dãy chuồng nuôi được ông xây dựng theo quy trình khép kín, có trang bị hệ thống máy lạnh, quạt gió để duy trì ở nhiệt độ ổn định 27 độ C. Ngoài ra ông còn đầu tư hệ thống hầm biogas để thu gom toàn bộ chất thải và khử mùi hôi chuồng trại.

Ông Sơn cho biết, lợn nuôi trong môi trường nhiệt độ phù hợp, đảm bảo mát quanh năm ở nhiệt 27 độ C giúp đàn lợn tăng trưởng nhanh. Nhiệt độ luôn ổn định nên lợn không bị hiện tượng sốc nhiệt, giúp giảm stress đàn lợn.

Khi lợn khỏe thì việc hấp thụ và chuyển hóa thức ăn cũng tốt hơn. Lợn tăng trọng nhanh, rút ngắn thời gian chăn nuôi trung bình khoảng 10 ngày so với chăn nuôi chuồng hở.

Từ đó, giảm được lượng thức ăn, công chăm sóc, tiết kiệm điện, nước. Lợn khỏe mạnh có sức đề kháng tốt nên ít bị dịch bệnh.

Đặc biệt, trong năm 2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát gây thiệt hại khắp nơi thì trang trại của của ông Sơn không bị ảnh hưởng gì do lợn được chăn nuôi theo quy trình khép kín trong chuồng lạnh.

Mặc dù chăn nuôi lợn trong chuồng lạnh tốn chi phí xây dựng hệ thống làm lạnh ban đầu nhưng lợn tăng trọng nhanh, đảm bảo quy trình an toàn sinh học. "Vì thế, nuôi lợn chuồng lạnh có hiệu quả kinh tế cao hơn 20% so với nuôi chuồng hở"- ông Sơn nói.

Đến nay, ông Sơn duy trì tổng đàn với quy mô 240 con lợn nái và sinh sản và khoảng 6.500 con lợn thịt.

Vốn lớn - hiệu quả lớn

Còn tại huyện Thống Nhất, trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Kim Đoán được xem là mô hình chăn nuôi lợn nông hộ hiện đại nhất khu vực này. Ông Đoán cho biết, sau 7 năm liên tục đầu tư, đến nay ông đã xây dựng được trại lợn hiện đại như mong đợi.

Trại lợn được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại, từ tủ điều khiển nhiệt độ và hệ thống bơm nước tự động để điều chỉnh nhiệt độ thích hợp trong chuồng, nhất là mỗi khi cúp điện.

Hệ thống máng ăn tự động giúp nhân công tiết kiệm công lao động vì chỉ cần cần ấn nút là thức ăn tự chuyển đến các ô chuồng. Khâu tự động này còn giúp quản lý tốt lượng thức ăn cho đàn lợn.

Ông Đoán cho biết, dù vốn đầu tư xây dựng trại lợn hiện đại không hề nhỏ, với trên 6 tỷ đồng trên diện tích 2ha nhưng hiệu quả mang lại cũng rất lớn. Hiện ông đang duy trì quy mô tổng đàn trên 1.000 con lợn nhưng cả trại chỉ cần 2 lao động thường xuyên.

Hệ thống trang trại lạnh khép kín, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học nên dù nằm ngay trong vùng trọng điểm chăn nuôi của Đồng Nai, trại lợn của ông Đoán vẫn an toàn qua các mùa dịch tả lợn châu Phi.

Cũng vì chăn nuôi khép kín nên rất hiếm khi ông Đoán phải sử dụng kháng sinh. "Nếu đầu tư chăn nuôi hiện đại cùng chế độ dinh dưỡng tốt, hiệu quả mang lại cao hơn rất nhiều so với chăn nuôi trại hở, mức tối thiểu cũng 5-10%" - ông Đoán phân tích.

Với tư cách là Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai, ông Đoán cho rằng, phương pháp chăn chuồng lạnh đang ngày càng chiếm ưu thế và khẳng định tính hiệu quả. Phương pháp này giúp người chăn nuôi chủ động trong việc quản lý dịch bệnh, ít bị ảnh hưởng môi trường bên ngoài, lợn tăng trọng nhanh. 

Nguyên Vỹ