Nông thôn Tây Bắc: Nông nghiệp Lai Châu khởi sắc, dân bản no ấm

Thanh Ngân

28/07/2025 16:25 GMT +7

Lai Châu – mảnh đất biên cương hùng vĩ, bao năm gắn liền với những nương ngô, ruộng lúa bậc thang, nay đang chuyển mình mạnh mẽ, viết nên câu chuyện cổ tích về sự trỗi dậy của nông nghiệp. Từ những cánh đồng hoang sơ, khô cằn, giờ đây đã mọc lên những trang trại trù phú, những vườn cây ăn trái xum xuê, mang theo khát vọng làm giàu, đổi đời của người dân bản địa.

Nông nghiệp Lai Châu "vươn mình"

Nằm ở địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Lai Châu là một trong những tỉnh khó khăn của cả nước. Người dân nơi đây bao đời gắn bó với phương thức canh tác truyền thống, năng suất thấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhưng chính trong khó khăn ấy, một khát vọng lớn đã nhen nhóm, phải “thay da đổi thịt” cho nông nghiệp, phải đưa bà con thoát nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Và giờ đây, khát vọng ấy đang dần trở thành hiện thực sinh động.

Từng bước bảo đảm an ninh lương thực, tạo đà cho sản xuất hàng hóa phát triển, là những bước tiến  không ngừng của ngành nông nghiệp Lai Châu. (Ảnh: Thanh Ngân)

Những năm gần đây, không khó để nhận ra sự đổi thay trên những cung đường dẫn vào các bản làng ở Lai Châu. Thay vì những nương ngô, sắn đơn thuần, giờ là bạt ngàn những đồi chè xanh mướt, những vườn cây mắc ca, quế, cà phê đang vào mùa thu hoạch, hay những ao cá tầm, cá hồi quy mô lớn. Nông nghiệp Lai Châu đang chuyển dịch mạnh mẽ từ sản xuất tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa tập trung, có giá trị kinh tế cao, gắn với chuỗi liên kết.

Ông Bùi Huy Phương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lai Châu, cho biết: "Lai Châu sở hữu tiềm năng và thế mạnh rất lớn mà ít địa phương nào có được. Khí hậu đa dạng theo độ cao, nguồn đất đai rộng lớn, sạch, chưa bị ô nhiễm là lợi thế vượt trội để phát triển nông nghiệp đặc sản, hữu cơ, gắn với du lịch sinh thái".

Nhiều hộ dân ở Lai Châu có thu nhập "khủng" từ chăn nuôi gia súc quy mô lớn. (Ảnh: Thanh Ngân)

Đúng vậy, Lai Châu có lợi thế lớn về khí hậu cận nhiệt đới và ôn đới trên các vùng núi cao, rất thích hợp cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như chè Shan tuyết, chanh leo, mắc ca, sâm Lai Châu, và các loại cây dược liệu quý. Bên cạnh đó, hệ thống sông ngòi, suối và các hồ thủy điện tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thủy sản nước lạnh như cá tầm, cá hồi – những đặc sản mang lại thu nhập “khủng” cho người dân. Chăn nuôi đại gia súc theo hướng trang trại, bán chăn thả cũng là một thế mạnh, đã và đang được người dân triển khai trên diện rộng.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dân bản no ấm

Câu chuyện về anh Cứ A Sinh, ở bản Chu Va 12 (Tam Đường, Lai Châu) là một minh chứng sống động cho sự đổi thay. Từng là hộ nghèo khó, thu nhập chủ yếu dựa vào trồng ngô, lúa, giờ đây anh Sinh đã là chủ của một đồi chanh leo rộng hơn 1ha, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

"Trước đây, nghĩ đến trồng cây gì mới là sợ lắm, vì không biết có bán được không, có thất bát không. Năm 2021, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, được hỗ trợ giống, lại được công ty bao tiêu sản phẩm, tôi mạnh dạn đưa cây chanh leo vào trồng thay thế cây ngô trên 1ha đất đồi của gia đình. Nhờ trồng chanh leo mà thu nhập, đời sống của gia đình tôi đã được cải thiện rõ rệt. Giờ không còn lo thiếu ăn, thiếu mặc nữa. Con cái cũng được đi học đầy đủ, nhà cửa khang trang hơn” – anh Sinh vui vẻ nói.

Cây chè là một trong những mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở Lai Châu. (Ảnh: Thanh Ngân)

Không chỉ có chanh leo, nhiều nông dân khác ở các xã, bản của Lai Châu cũng đang gặt hái thành công với mô hình trồng cây mắc ca. Với tuổi thọ cây lên đến hàng chục năm, mắc ca đang được kỳ vọng là cây "làm giàu" bền vững cho bà con. Đặc biệt, các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm như các đồi chè, vườn cây ăn quả đang thu hút du khách, mang lại nguồn thu kép cho người dân.

Nhiều giải pháp thúc đẩy nông nghiệp phát triển

Để đạt được những kết quả đáng khích lệ này, Lai Châu đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược. Xác định nông nghiệp là trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Lai Châu đã tập trung nguồn lực đầu tư, ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Đặc biệt, tỉnh Lai Châu cũng đã rà soát, quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, hình thành các vùng nguyên liệu lớn cho các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực như chè, mắc ca, cây ăn quả, cây dược liệu, cá nước lạnh. Điều này giúp tối ưu hóa sản xuất, tạo ra sản lượng lớn và ổn định, dễ dàng kết nối với thị trường.

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thu nhập, đời sống của người dân Lai Châu ngày càng cải thiện, nâng cao. (Ảnh: Thanh Ngân)

Mặt khác, tỉnh Lai Châu còn khuyến khích và hỗ trợ nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, từ chọn giống, kỹ thuật canh tác, tưới tiêu tiết kiệm đến bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Các mô hình nhà lưới, nhà kính, tưới nhỏ giọt cũng đang dần được nhân rộng.

Một trong những giải pháp được tỉnh Lai Châu chú trọng, đó là kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Sự hợp tác giữa "4 nhà" ngày càng chặt chẽ, tạo niềm tin cho người nông dân.

Với những bước đi vững chắc, nông nghiệp Lai Châu đang dần khẳng định vị thế ở vùng nông thôn Tây Bắc. Từ một tỉnh khó khăn, giờ đây Lai Châu đang trở thành điểm sáng về phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Những cánh đồng, trang trại không chỉ mang lại no ấm, sung túc cho người dân, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.

Ngành nông nghiệp Đắk Lắk vào ‘guồng’ sau hợp nhất, sáp nhập, ngoài cà phê, trái cây, thế mạnh còn là thủy sản

Ngành nông nghiệp Đắk Lắk vào ‘guồng’ sau hợp nhất, sáp nhập, ngoài cà phê, trái cây, thế mạnh còn là thủy sản

Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, ngành nông nghiệp Đắk Lắk (khi đã sáp nhập, hợp nhất 2 tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên thành công) đã khẩn trương bắt tay vào công việc, bảo đảm hoạt động thông suốt và sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới.

Hoa lan cắt cành, hướng đi hiệu quả trong phát triển nông nghiệp đô thị tại TP.HCM

Hoa lan cắt cành, hướng đi hiệu quả trong phát triển nông nghiệp đô thị tại TP.HCM

Tổ hợp tác Lan Việt, xã Củ Chi, TP.HCM mới (xã Củ Chi được hình thành từ sáp nhập xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội và Phước Vĩnh An của huyện Củ Chi, TP.HCM cũ), do bà Trần Thị Mỹ Trinh làm tổ trưởng được xem là điểm sáng cho tiềm năng phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại, bền vững với mô hình trồng hoa lan cắt cành.

Kiến nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp làm dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1

Kiến nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp làm dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1

Ngày 23/7, Đoàn khảo sát số 2 của Tổ Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2025 - 2030 do ông Võ Hoàn Hải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm Trưởng đoàn và ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa đã có cuộc khảo sát khu vực quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và làm việc với Đảng ủy xã Phước Dinh.