Đồng vốn dịch vụ môi trường rừng là động lực với Nông thôn Tây Bắc
Những năm gần đây, ở vùng Nông thôn Tây Bắc, người dân xã Nậm Manh (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) có thêm nguồn thu nhập ổn định từ việc bảo vệ rừng. Nhờ có sự chăm sóc, bảo vệ của người dân, những cánh rừng trên địa bàn xã ngày càng phát triển xanh tốt.
Dọc đường từ thị trấn Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn) vào xã Nậm Manh, chúng tôi được "mục sở thị" màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng. Đứng trên hành lang tầng 2 trụ sở UBND xã, chỉ tay về phía cánh rừng xanh thắm, ông Khổng Văn Thành – Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Manh phấn khởi cho biết: "Nhờ có sự vào cuộc bảo vệ của người dân, mà những cánh rừng của xã phát triển ngày càng xanh tốt. Ý thức giữ rừng của người dân các bản trong xã được nâng lên nhiều so với trước. Nhờ đó, trong những năm gần đây, trên địa bàn xã không xảy ra vụ cháy rừng nào. Tình trạng phá rừng làm nương hay khai thác lâm sản trái phép cũng giảm mạnh so với trước đây.
Điều này cho thấy, người dân trong xã đã có sự thay đổi lớn về nhận thức và ngày càng nêu cao trách nhiệm bảo vệ rừng. Sự thay đổi đó bắt nguồn từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ khi chính sách này đi vào cuộc sống, người dân trong xã đã coi rừng như tài sản của mình để bảo vệ".
Anh Vàng A Mua, dân bản Nậm Pồ (xã Nậm Manh) vui vẻ nói: "Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, năm nào gia đình tôi và các hộ dân trong bản cũng được nhận một khoản tiền bảo vệ rừng. Điều khiến bà con dân bản vui mừng và ngày càng nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, đó là số tiền được nhận năm sau cao hơn năm trước. Năm 2020, gia đình tôi và các hộ dân trong bản được chi trả gần 15 triệu đồng/hộ tiền bảo vệ rừng. Khoản tiền đó, gia đình tôi dùng để trang trải cuộc sống và mua sắm vật tư, phân bón phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế".
Như bao hộ dân khác ở bản Huổi Chát, năm 2020 gia đình anh Mùa A Thống được nhận gần 10 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Bản Huổi Chát có hơn 1.600ha rừng. Anh Thống chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của bản. Thu nhập của gia đình tôi chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa, ngô là những cây trồng chính. Những năm gần đây, nghe lời cán bộ xã tuyên truyền, vận động, gia đình tôi và các hộ dân trong bản tích cực tham gia bảo vệ rừng.
Nhờ đó, mỗi năm gia đình tôi có thêm một khoản thu nhập nữa từ việc bảo vệ rừng. Gia đình tôi đã đầu tư số tiền đó để mở rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế. Sau vào năm tích cực lao động sản xuất, gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã".
Bảo vệ rừng để Nông thôn Tây Bắc thêm xanh, thêm giàu đẹp
Tìm hiểu được biết, Bản Huổi Chát là một trong những bản sử dụng khá hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng. Mỗi năm, bản Huổi Chát được chi trả hơn 1 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Hằng năm, các hộ dân trong bản đã trích một khoản tiền dịch vụ môi trường để đóng góp xây dựng bản thành bản du lịch công đồng. Bản Huổi Chát cũng là một trong những bản đầu tiên của xã Nậm Manh đăng ký xây dựng bản du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ số tiền mà các hộ dân đóng góp, Ban quản lý bản đã đầu tư xây dựng 3 sân chơi, với tổng diện tích 7.800m2; lắp 42 đèn chiếu sáng trên các tuyến đường nội bản; mua giống hoa về trồng, hỗ trợ 9 hộ gia đình xây dựng chòi dừng chân ngắm cảnh. Bên cạnh đó, bản còn thành lập quỹ chung để chi trả tiền điện và tu sửa các hạng mục khi bị hư hỏng.
Xã Nậm Manh hiện có gần 10.000ha rừng, trong đó có hơn 4000ha rừng phòng hộ và hơn 5.000ha rừng sản xuất. Các bản trong xã đều thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng, với sự tham gia tích cực của người dân. Tổ chuyên trách bảo vệ rừng của các bản thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng, nhất là vào mùa khô hanh. Năm 2020, 576 hộ dân ở xã Nậm Mạnh được nhận hơn 4 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.
Bí thư Đảng ủy xã Khổng Văn Thành cho hay: "Thời gian tới, xã Nậm Manh tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước về lâm nghiệp, nhất là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân trong xã có thêm nguồn thu nhập ổn định. Có thu nhập từ nghề rừng, người dân các bản trong xã ngày càng gắn bó, tích cực bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn".