dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Lai Châu nỗ lực giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở vùng Nông thôn Tây Bắc - tỉnh Lai Châu đã được cải thiện rõ rệt...

Thực trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở vùng Nông thôn Tây Bắc - Lai Châu

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, thuộc vùng Nông thôn Tây Bắc. Trong tỉnh có 20 dân tộc anh em cùng chung sống. Do trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sản xuất lạc hậu nên thu nhập và đời sống của người dân trong tỉnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh còn chiếm tỷ lệ cao. Trước đây, phần vì cuộc sống khó khăn, phần do nhận thức còn hạn chế, nên người dân các xã, bản trong tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa mấy quan tâm đến việc chăm sóc, nuôi dạy con cái. Do vậy, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh luôn ở mức cao.

Lai Châu nỗ lực kéo giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em - Ảnh 1.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh Lai Châu vẫn còn ở mức cao. (Ảnh: Thanh Ngân)

Chị Hảng Thị Pàng (SN: 1999) dân tộc Mông, ở bản Gia Khâu (xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) bộc bạch: "Vì lấy chồng sớm nên tôi cũng không hiểu biết mấy về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản hay chăm sóc con thế nào thì hợp lý. Trong suốt quá trình mang thai, tôi không được nghỉ ngơi, dưỡng thai, mà ngày ngày vẫn phải đi làm nương, làm ruộng. Tôi sinh 2 đứa con đều tại nhà, chứ không ra Trạm Y tế xã. Sau khi sinh con được hơn 1 tháng là tôi đã phải đi làm nương rồi. Tôi cho con bú sữa mẹ 4 tháng đầu, sau đó là cho ăn cơm dẻo luôn. Gia đình có rau thì ăn rau, có thịt ăn thịt, chứ cũng không biết chế độ ăn uống thế nào thì hợp lý, đủ dinh dưỡng".

Thiếu hụt kiến thức về chăm sóc sức sinh sản, dinh dưỡng như chị Pàng cũng là tình trạng chung của không ít chị em, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu. Với bà con các dân tộc thiểu số ở Lai Châu, quá trình mang thai hay chăm sóc con hầu như không được bổ sung các vi chất dinh dưỡng, mà ăn uống như những ngày bình thường khác.

Nỗ lực kéo giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở Nông thôn Tây Bắc - Lai Châu

Lai Châu nỗ lực kéo giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em - Ảnh 2.

Kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và dinh dưỡng của người dân tỉnh Lai Châu từng bước được nâng lên. ̣(Ảnh: Thanh Ngân)

Nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) dưới 5 tuổi trên địa bàn, tỉnh Lai Châu đã và đang huy động các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh vào cuộc, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt. Hàng loạt các chương trình, hoạt động về cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em được triển khai tại các huyện, thành phố trong tỉnh, với sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt, ngành Y tế Lai Châu đã thường xuyên củng cố, kiện toàn mạng lưới chuyên trách và đào tạo kỹ năng tư vấn, thực hành cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống suy dinh dưỡng đối với trẻ em dưới 5 tuổi trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngành Y tế Lai Châu cũng chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao kiến thức về dinh dưỡng cho người dân, nhất là với chị em phụ nữ người dân tộc; Tổ chức các lớp học truyền thông thực hành dinh dưỡng, trang bị kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ, phương pháp theo dõi mức độ tăng trưởng của trẻ cũng như cách chăm sóc nuôi dưỡng và nhận biết các dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ cho bà mẹ đang nuôi con bú, bà mẹ có con suy dinh dưỡng và phụ nữ đang mang thai...

Lai Châu nỗ lực kéo giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em - Ảnh 3.

Người dân tỉnh Lai Châu tích cực trồng trọt, chăn nuôi góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. (Ảnh: Thanh Ngân)

Theo ông Hoàng Văn Thắng – Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Lai Châu) ngoài đẩy mạnh các hoạt đồng truyền thông, ngành Y tế Lai Châu còn triển khai kế hoạch, giám sát hỗ trợ cân, đo trẻ đồng loạt từ 0 - 5 tuổi, kết hợp cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi uống vitamin A; xây dựng kế hoạch cấp phát viên đa vi chất hàng tháng cho phụ nữ có thai và bà mẹ sau đẻ 1 tháng tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông ngày vi chất dinh dưỡng; triển khai kế hoạch thực hành dinh dưỡng cho trẻ từ 0 - 5 tuổi bị SDD và bà mẹ có thai... Qua các hoạt động truyền thông, tư vấn, nhận thức của chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh về phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã được nâng lên. Bà con các dân tộc trong tỉnh đã quan tâm hơn tới việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng vào bữa ăn hàng ngày cho trẻ cũng như khi mang thai. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi trên đại bàn tỉnh cũng nhờ đó mà được cải thiện rõ rệt.

Tìm hiểu được biết, tỉnh Lai Châu cũng đã xây dựng kế hoạch và triển khai trong toàn tỉnh chương trình "Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam". Theo đó, tỉnh Lai Châu chỉ đạo các địa phương đưa chỉ tiêu về dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; lồng ghép các chỉ tiêu về dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời với các chỉ tiêu dinh dưỡng của các chương trình có liên quan; xây dựng thực đơn dinh dưỡng phù hợp theo nhóm đối tượng và hướng dẫn thực hành áp dụng theo thực đơn.

Không dừng lại ở đó, tỉnh Lai Châu Châu còn chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, đời sống, thu nhập của người dân tỉnh Lai Châu không ngừng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống. Kinh tế phát triển, bà con các dân tộc trong tỉnh có điều kiện quan tâm chăm lo, cải thiện bữa ăn hàng ngày cho gia đình.

Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh Lai Châu giảm qua các năm. Nếu như, năm 2017, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (cân nặng/tuổi) toàn tỉnh là 21,85%, thì đến nay tỷ lệ này đã giảm xuống còn 18,71%.

Thanh Ngân