Người dân Nông thôn Tây Bắc có nguồn thu từ rừng
Nằm trong vùng Nông thôn Tây Bắc, cách trung tâm xã Mường Cang chừng 3km, Co Nọi được chở che bởi những cánh rừng xanh tốt xung quanh bản. Cả bản có 44 hộ đồng bào dân tộc Thái cùng chung sống. Trong tổng số gần 90ha rừng của cả bản, thì có tới hơn 70ha là rừng sản xuất. Đây cũng là minh chứng rõ nét, phản ánh một cách đầy đủ và chân thực về việc phát triển rừng ở bản.
Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Vàng Văn Thông – Trưởng bản Co Nọi (xã Mường Cang, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu), bộc bạch: "Bà con nơi đây giữ rừng tốt lắm. Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân được hưởng lợi nên hăng hái tham gia bảo vệ rừng. Trước đây, ý thức giữ rừng của người dân trong bản chưa cao, một bộ phận nhỏ người dân còn thờ ơ, không quan tâm đến việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Giờ thì tốt rồi. Các hộ dân trong bản đã hiểu được giá trị to lớn của rừng, giữ rừng là có tiền nên hào hứng tham gia bảo vệ, phát triển rừng".
Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Than Uyên và UBND xã Mường Cang đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với bản Co Nọi theo từng năm. Trưởng bản là người đại diện, đứng ra ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ diện tích rừng trong bản. Xã Mường Cang còn tổ chức ký cám kết bảo vệ rừng với từng hộ dân trong bản.
Nông thôn Tây Bắc đưa "Rừng" vào hương ước
Để giữ rừng xanh tốt, bản Co Nọi đã đưa vào hương ước, quy ước của bản nội dung bảo vệ rừng. Các hộ dân trong bản theo đó thực hiện, ai vi phạm sẽ bị xử phạt. Bản Co Nọi cũng đã thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng, với sự tham gia tích cực của các hộ dân. Mỗi gia đình cử một người tham gia vào tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản.
Anh Thào Văn Quang, dân bản Co Nọi phấn khởi cho biết: Nhiều lần nghe cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, cán bộ xã, bản tuyên truyền về tầm quan trọng của rừng, gia đình tôi và các hộ dân trong bản đã hiểu và tích cực tham gia. Chính vì vậy, khi bản thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản, gia đình tôi và các hộ dân trong bản đều cử người tham gia. Các thành viên trong tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản thường xuyên đi tuần tra, canh gác, bảo vệ rừng. Hàng năm được nhận tiền bảo vệ rừng, bà con trong bản ai cũng phấn khởi".
Theo Trưởng bản Co Nọi, 100% hộ dân trong bản đều cử người tham gia tổ chuyên trách bảo vệ rừng. Tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản mỗi tháng đi tuần tra rừng từ 3 – 4 lần. Mỗi lần đi tuần tra rừng như vậy đều có sự gia gia của các thành viên trong tổ. Đi tuần tra rừng như vậy mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nó không chỉ giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ rừng, mà còn thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, tạo không khí vui vẻ, đoàn kết trong bản. Bên cạnh đó, tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản còn chia thành các đội nhỏ, luân phiên đi tuần tra, canh gác rừng hàng ngày, nhất là vào mùa khô hanh.
"Bản Co Nọi đã xây dựng quy chế và lịch tuần tra, canh gác, bảo vệ rừng hàng tháng, hàng quý. Hộ dân nào trong bản không cử người tham gia tuần tra rừng sẽ bị nhắc nhở. Nếu vi phạm 2 lần thì sẽ bị trừ tiền bảo vệ rừng. Còn không tham gia tuần tra rừng từ 3 lần trong tháng trở lên sẽ không được nhận tiền bảo vệ rừng của năm đó. Làm tốt quy định này, người dân trong bản ai cũng nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng" – ông Thông cho hay.
Với sự tham gia tích cực của người dân trong công tác bảo vệ rừng, từ nhiều năm nay, bản Co Nọi không xảy ra vụ cháy rừng nào. Tình trạng xâm lấn, phá rừng cũng không xảy ra trên những cánh rừng của bản. Được bảo vệ, những cánh rừng trong bản ngày càng phát triển xanh tốt. Hằng năm, mỗi hộ dân trong bản được nhận gần 3 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.