dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Đặc sản chè dây nơi cổng trời Ka Lăng

Thứ dây leo mọc hoang trên rừng ở vùng Nông thôn Tây Bắc đã thành đặc sản nổi tiếng nơi cổng trời Ka Lăng (huyện Mường tè, tỉnh Lai Châu).

Ngược núi Nông thôn Tây Bắc xem chè dây...

Từ thứ cây leo mọc hoang trên rừng, người dân ở vùng Nông thôn Tây Bắc này lấy về, làm ra thứ chè đặc sản thơm ngon, có lợi cho sức khỏe. Đó là chè dây – loại chè đặc sản nổi tiếng nơi cổng trời Ka Lăng (huyện Mường tè, tỉnh Lai Châu).

Theo lời giới thiệu của ông Tống Văn Thi – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Tè, một ngày cuối tháng 10, chúng tôi ngược dốc vào Ka Lăng để tìm hiểu về chè dây. Ka Lăng là xã vùng cao biên giới thuộc vùng Nông thôn Tây Bắc, cách trung tâm huyện gần 70km. Đường vào Ka Lăng tuy dốc dựng ngược, song dễ đi hơn trước rất nhiều. Dọc 2 bên đường là những vạt rừng xanh thẵm, phủ kín sườn đồi, ngọn núi.

Nông thôn Tây Bắc: Đặc sản chè dây nơi cổng trời Ka Lăng - Ảnh 1.

Người dân xã Ka Lăng vào rừng hái chè dây. (Ảnh: Thanh Ngân)

Rót chén chè mời khách, anh Khoàng Xì Chừ - Chủ tịch UBND xã Ka Lăng, giới thiệu: "Đây là chè dây – loại chè đặc sản của xã nhà đấy. Chè dây Ka Lăng được xếp hạng 3 sao sản phẩm OCOP năm 2020 của tỉnh Lai Châu".

Chè dây Nông thôn Tây Bắc - đặc sản Ka Lăng

Cầm chén nước màu vàng sẫm, đưa lên nhấp thử một ngụm, tôi cảm nhận được mùi thơm và vị ngọt của nước chè. Ông Chừ chia sẻ: "Chè dây Ka Lăng được chế biến từ thứ cây leo mọc hoang ở trên rừng. Người dân trên địa bàn xã biết đến loại cây này từ nhiều năm rồi, còn tên gọi là chè dây thì mới biết cách nay tầm 4 năm trở lại đây thôi. Thời điểm đó, có 1 cán bộ của Sở Giáo dục Đào tạo Lai Châu vào Ka Lăng công tác, nhìn thấy loại cây này bảo là chè dây, nên người dân mới biết đến tên gọi của nó. Mấy năm về trước, chè dây mọc nhiều trên những cánh rừng của xã. Khi phát hiện ra tác dụng của chè dây, nhiều người dân lấy về chế biến, bán ra thị trường".

Nông thôn Tây Bắc: Đặc sản chè dây nơi cổng trời Ka Lăng - Ảnh 2.

Sản phẩm chè dây Ka Lăng được xếp hạng 3 sao sản phẩm OCOP năm 2020 của tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Thanh Ngân)

Qua câu chuyện với ông Chừ, được biết: Cách sơ chế chè dây khá đơn giản. Sau khi cắt từ rừng về, người dân đem rửa sạch, thái nhỏ cả thân và lá, rồi cho vào sao lên. Sau khi sao xong, thì bỏ vào túi ni lông ủ chừng 1 buổi, rồi đưa ra phơi khô là có thể sử dụng được. Thường thì người dân bán sản phẩm chè dây ra thị trường với giá dao động từ 120 – 150.000 đồng/kg. Không ít hộ dân trong xã có thu nhập ổn định từ việc lấy chè dây về sơ chế bán ra thị trường.

Theo ông Chừ, chè dây Ka Lăng không chỉ dễ uống, mà còn có nhiều tác dụng cho sức khỏe. "Tuy chưa có nghiên cứu cụ thể về chè dây Ka Lăng, song theo nhiều người sử dụng cho biết, thì chè dây có tác dụng: Giải độc gan, chữa bệnh dạ dày, giảm mỡ máu. Hợp tác xã Bình An, ở thị trấn Mường Tè đứng ra thu mua sản phẩm chè dây của người dân, sau đó đóng gói bán ra thị trường" – Chủ tịch UBND xã Ka Lăng cho hay.

Nông thôn Tây Bắc: Đặc sản chè dây nơi cổng trời Ka Lăng - Ảnh 3.

Sản phẩm chè dây Ka Lăng sau khi sơ chế. (Ảnh: Thanh Ngân)

Theo ông Chừ, để chè dây phát triển ổn định, bền vững, thời gian tới, xã Ka Lăng sẽ tuyên truyền, vận động người dân trồng nhân rộng diện tích thứ chè đặc sản này. Đồng thời, xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân khi vào rừng lấy chè dây không cắt tận gốc, mà bớt lại chừng 1m để loại cây này tiếp tục phát triển.

 

Thanh Ngân