dd/mm/yyyy

Nông thôn mới ở nơi cực Bắc của Tổ quốc

Với quyết tâm cao, cùng sự đoàn kết, cố gắng của chính quyền và nhân dân các dân tộc, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện tháng 3/2021 xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Hiệu quả từ phong trào "Dân vận khéo"

Trò chuyện với PV, ông Lương Triệu Luân – Chủ tịch UBND xã Lũng Cú cho biết, Lũng Cú là xã vùng cao địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Xã có 9 thôn, trong đó 7 thôn biên giới, với điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, xuất phát điểm thấp.

Lũng Cú được tỉnh Hà Giang và huyện Đồng Văn lựa chọn là xã phấn đấu xây dựng hoàn thành các tiêu chí NTM giai đoạn 2016 – 2020. Nhưng với xuất phát điểm trong xây dựng NTM còn thấp, nền kinh tế - xã hội phát triển chủ yếu dựa vào ngành nông lâm nghiệp là chính nên gặp rất nhiều khó khăn.

Nông thôn mới ở nơi cực Bắc của Tổ quốc - Ảnh 1.

Lãnh đạo xã Lũng Cú đón nhận Quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM

Mặc dù, cơ sở hạ tầng tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiền phát triển; trình độ dân trí còn hạn chế; điều kiện thời tiết không thuận lợi, mùa đông kéo dài gây nên tình trạng thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, diện tích đất trồng trọt vừa thiếu lại vừa xấu; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chất lượng nguồn lực lao động trong nông nghiệp nông thôn còn thấp so với yêu cầu. Các nguồn hỗ trợ của Nhà nước chưa đồng bộ, chưa đáp ứng cho phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn...

Theo ông Luân, để có kết quả như ngày hôm nay, "dấu ấn" quan trọng nhất đó là công tác tuyên truyền. Ông nói: "Nhiệm vụ xây dựng NTM là trách nhiệm của toàn dân và của cả hệ thống chính trị, do vậy công tác tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu có tính quyết định đến sự thành công của chương trình".

Công tác tuyên truyền được xã tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức, như tuyên truyền miệng, thông qua các buổi họp thôn, các hội nghị của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hoá văn nghệ, hội diễn tuyên truyền trực quan thông qua pa nô, áp phích, qua các đợt học tập kinh nghiệm các mô hình, qua các mô hình "Dân vận khéo" và thực hiện cuộc vận động "Gia đình 5 không 3 sạch" do Hội phụ nữ xã phát động đạt được những kết quả đáng khích lệ, đã vận động được nhân dân tham gia tích cực thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã.

Lũng Cú sau hơn 4 năm xây dựng NTM đã huy động nguồn vốn trên 173 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hơn 56 tỷ đồng, người dân đóng góp 10,2 tỷ đồng và nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác.

Kết cầu hạ tầng được đầu tư, đường từ huyện vào trung tâm xã được mở rộng từ 5,5m lên thành 7m; 87% đường thôn, liên thôn được cứng hóa; các trường học được đầu tư xây mới khang trang, sạch đẹp đáp ứng tốt việc dạy và học; 9/9 thôn có nhà văn hóa khang trang. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12%, xã không còn hộ có nhà tạm.

Tập trung phát triển nông nghiệp

Trong quá trình xây dựng NTM, được sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn và sự hướng dẫn của các cấp, các ngành cùng với sự nỗ lực vươn lên của các hộ dân, trong 8 năm qua Lũng Cú đã thực hiện các mô hình phát triển kinh tế để nhân ra diện rộng.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: Các tổ chức, cá nhân, hộ dân cư trên địa bàn trong những năm qua luôn nhận được sự quan tâm trực tiếp của Trung tâm giống cây trồng Phó Bảng, Trạm Khuyến nông là 2 đơn vị chuyển giao KHKT. Nhân dân các thôn trên địa bàn đã liên kết chặt chẽ với Trung tâm Giống cây trồng Phó Bảng và Trạm Khuyến nông trong việc áp dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất.

Nông thôn mới ở nơi cực Bắc của Tổ quốc - Ảnh 3.

Một điểm du lịch cộng đồng tại thôn Lô Chải, xã Lũng Cú.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, liên kết với các hộ gia đình trên địa bàn xã, huyện trong việc cung ứng con giống. Tổ chức các lớp dạy nghề cho nhân dân kỹ thuật chăm sóc bò vỗ béo, chăn nuôi dê. Thực hiện các Dự án nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị như chăn nuôi gà, bò và dê.

Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, các mô hình gia trại, trang trại trong chăn nuôi ở Lũng Cú dần được hình thành và xuất hiện ngày càng nhiều. Đặc biệt, trong những năm gần đây các mô hình phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại có chiều hướng tăng trưởng mạnh mẽ.

Ông Luân dẫn chứng, các hộ chăn nuôi gia cầm trên 500 con có 4 hộ (Thôn Tả Giao Khâu 1 hộ, Séo Lủng 01 hộ, Thèn Pả 01 hộ, Lô Lô Chải 01 hộ), quy mô từ 80 – 100 con có 300 hộ gia đình. Chăn nuôi bò vỗ béo trên 60 con của Tổ hợp tác Chăn nuôi bò vỗ béo tại thôn Cẳng Tằng.

Bên cạnh đó, có các mô hình trồng rau sạch tại thôn Thèn Pả, Lô Lô Chải. Mô hình trồng lê ăn quả với diện tích 23ha của Tổ hợp tác trồng cây lê tại thôn Thèn Pả với 24 hộ tham gia, diện tích cho sản phẩm là 16,1ha. Duy trì mô hình chăn nuôi tổng hợp (bò, dê, lợn, gia cầm) với 7 hộ (Thôn Lô Lô Chải 1 hộ, Cẳng Tằng 6 hộ).

Hiện trên địa bàn xã có 2 HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ tổng hợp chăn nuôi, thêu dệt thổ cẩm, nông nghiệp và các dịch vụ khác như sửa chữa xe máy và các ngành nghề ở nông thôn. Ngoài ra, xã còn phối hợp với các cơ quan của huyện, tỉnh mở các lớp học nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn như các lớp nghề về trồng trọt, chăn nuôi, kiến thức và chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, qua đó người dân đã biết được các kiến thức về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch nghỉ dưỡng homestay, với tổng số 26 hộ tại Làng văn hóa Lô Lô Chải, xã Lũng Cú.

Theo ông Luân, với việc lấy nông nghiệp là trung tâm để phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 chỉ 15 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2020 đã đạt 36 triệu đồng/người/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 theo kết quả điều tra 114 hộ nghèo chiếm 11,72%. Hộ cận nghèo: 330 hộ chiếm 33,92%, hộ không nghèo 529 hộ chiếm 54,37%.


Minh Ngọc