Thứ Năm, ngày 16/01/2025 08:12 PM (GMT+7)
Nông sản Việt tăng chất lượng, giữ giá để chinh phục thị trường trong nước
2022-06-30 18:02:00
Xuất khẩu gặp khó, giá nguyên liệu tăng cao, nhiều hợp tác xã nông nghiệp đang tìm cách đưa nông sản vào tiêu thụ tại các thành phố lớn trong nước. Họ giữ chất lượng, giữ giá để chinh phục người tiêu dùng Việt.
Covid-19 khiến chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới bị đứt gãy, đến nay vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn. Nông sản Việt xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi nước này kiểm soát dịch một cách nghiêm ngặt.
Các doanh nghiệp đang tìm cách giải bài toán đầu ra cho nông sản. Trước mắt là kết nối tiêu thụ tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng - những nơi đang có sức mua tốt nhất hiện nay.
Đưa nông sản vào siêu thị
Ông Võ Đình Nguyên - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Đồng Lợi (TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), mang bơ 034 chất lượng tốt nhất để giới thiệu, kết nối với nhiều hệ thống siêu thị lớn ở TP.HCM, sáng 30/6.
Ông cho biết bơ tại Đắk Nông rất nổi tiếng nhưng vẫn tiêu thụ qua thương lái tại địa phương là chủ yếu. Cảnh bơ được mùa mất giá không còn quá xa lạ và hiện nay đang lặp lại câu chuyện này. Việc đầu ra phụ thuộc vào thương lái gây thiếu ổn định về giá. Trong khi đó, ông cho rằng quả bơ là quả có giá trị dinh dưỡng cao nhưng giá bán hiện nay lại không tương xứng.
Chưa hết, nông dân hiện đang đối mặt tình trạng giá xăng dầu, giá phân bón tăng vọt trong khi giá nông sản xuống thấp, khiến họ không còn nhiều hứng thú trong sản xuất.
Ông Nguyên kỳ vọng được kết nối và tiến đến hợp tác với đơn vị sản xuất chế biến nông sản, nhà phân phối, nhà bán lẻ... trong và ngoài nước, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị cho trái bơ cũng như sản phẩm nông sản địa phương khác. Hợp tác xã đã có kế hoạch triển khai tổ chức lại sản xuất, mở rộng thành viên, vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình sản xuất thống nhất theo tiêu chuẩn của đối tác và khách hàng
"Tôi kỳ vọng khi nhắc đến Thái Nguyên sẽ là chè, Đắk Lắk là cà phê, và nói đến Đắk Nông là nói đến bơ", ông Nguyên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Quý - Giám đốc Công ty Cà phê Hương Quê Đắk Nông, cũng cho biết sức tiêu thụ các sản phẩm của công ty hiện nay như cà phê bột, cacao bột không khả quan như trước dịch. Trong khi đó, doanh nghiệp lại gặp khó về giá nguyên liệu đầu vào. Ông nhẩm tính các chi phí đã tăng 5-7%, riêng phân bón tăng hơn 10%.
"Nhưng các sản phẩm cà phê đạt OCOP 3 sao của chúng tôi vẫn không tăng giá. Bây giờ, chúng tôi chấp nhận lời ít để tạo điều kiện sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng. Đi sau các thương hiệu cà phê lớn khác, chúng tôi cạnh tranh bằng giá tốt, chất lượng cà phê đã được chứng nhận", ông Quý nói và kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng được hệ thống phân phối, thông qua một loạt siêu thị lớn.
TP.HCM được xem là nơi có thị trường sôi động, nhất là ở hệ thống bán lẻ hiện đại. Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho hay thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước, sức mua tốt là một tín hiệu hấp dẫn để các doanh nghiệp địa phương đưa hàng vào siêu thị, tiếp cận người dân thành phố.
Tuy nhiên, khi đưa hàng vào siêu thị, các doanh nghiệp cũg phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật, logistics… Nhưng khi đã vượt qua thử thách này, việc làm thương hiệu, quảng bá sản phẩm sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số
Không chỉ đưa hàng vào kênh siêu thị, sau hai năm Covid-19, người tiêu dùng bắt đầu dần quen mua nông sản và các sản phẩm chế biến từ nông sản qua các kênh thương mại điện tử. Hiện hầu hết các sàn Tiki, Lazada, Shopee, hay các ứng dụng công nghệ như Grab, Be vẫn tiếp tục duy trì kinh doanh nhóm sản phẩm tươi sống.
Ông Vũ Quang Phong - Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cho biết theo Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, sản xuất nông nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ số vào tái cơ cấu, từng bước chuyển đổi sang kinh tế nông nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế về nhân lực và cơ sở hạ tầng vật chất dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong năng lực chuyển đổi số giữa các nhà sản xuất nông nghiệp địa phương. Cơ sở vật chất, máy móc hỗ trợ các hợp tác xã số hóa quy trình sản xuất, ứng dụng chuyển đổi số vào khâu cung ứng, tiêu thụ nông sản chưa thực sự được chú trọng. Để quá trình chuyển đổi số thành công, năng lực cán bộ hợp tác xã có sự hiểu biết và ứng dụng công nghệ thông tin là rất quan trọng.
Đại diện Grab cho biết từ đầu tháng 5/2022, ứng dụng triển khai Lễ hội trái cây mùa hè 2022 trên nền tảng nhằm mang các loại trái cây đặc sản, chính vụ chất lượng cao như sầu riêng Ri 6, vải thiều Lục Ngạn, xoài, bơ… đến với người dùng cả nước.
"Chúng tôi mong muốn tận dụng tối đa nguồn lực về công nghệ, nền tảng và hệ sinh thái rộng khắp để kết nối nông sản, đặc sản địa phương với kênh tiêu thụ nội địa ổn định, hỗ trợ giá trị sinh kế người nông dân Việt Nam và mang đến lợi ích cho cả đối tác lẫn người dùng", ông Mã Tuấn Trọng - Giám đốc phụ trách GrabFood, GrabMart và GrabKitchen tại Việt Nam, nói.
Phía Grab Việt Nam và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cũng vừa thức ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác thực hiện "Chương trình đồng hành cùng hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số".
Thông qua việc hợp tác, hai bên sẽ triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn, nâng cao kiến thức chuyển đổi số cho nhà sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản lên nền tảng. Nhà sản xuất nông nghiệp sẽ được tiếp cận người dùng tiềm năng, hỗ trợ đầu ra cho nông sản, đặc sản vùng miền tại các địa phương.
Săn đặc sản 3 miền chính gốc, giá ưu đãi, không sợ mua lầm tại TP.HCM
29/06/2022 16:41Chợ Bến Thành đông vui trở lại
26/06/2022 12:40
Tags:
Nguyên liệu đầu vào tăng, "ông lớn" F&B tăng giá
Giá xăng tăng, chi phí vận chuyển tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đang gây áp lực lên các chuỗi F&B. Đã có một số hệ thống trà, cà phê, nhà hàng lớn tăng giá.