Thứ Năm, ngày 16/01/2025 08:08 PM (GMT+7)

Nguyên liệu đầu vào tăng, "ông lớn" F&B tăng giá

2022-06-28 14:10:00

Giá xăng tăng, chi phí vận chuyển tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đang gây áp lực lên các chuỗi F&B. Đã có một số hệ thống trà, cà phê, nhà hàng lớn tăng giá.

Ông lớn F&B tăng giá

Hôm 27/6, chuỗi Highlands Coffee gây chú ý vì thông báo tăng giá. Highlands Coffee đang sở hữu khoảng 500 cửa hàng trên toàn quốc. Hai thị trường lớn của thương hiệu này là TP.HCM và Hà Nội được lựa chọn tăng giá đầu tiên, từ 27/6, riêng cửa hàng tại các tỉnh thành khác sẽ tăng từ ngày 1/7.

Theo khảo sát, đồng loạt các cửa hàng thuộc hệ thống Highlands Coffee tại TP.HCM đã đổi bảng giá mới, các cửa hàng tại Hà Nội cũng tương tự.

Nguyên liệu đầu vào tăng, "ông lớn" F&B tăng giá - Ảnh 1.

Hôm 27/6, chuỗi Highlands Coffee thông báo tăng giá. Ảnh: Phúc Minh

Nhóm cà phê phin, ly cỡ vừa, Highlands Coffee tăng 4.000 đồng, từ 35.000 đồng lên 39.000 đồng/ly, cỡ lớn tăng 6.000 đồng lên 45.000 đồng/ly, cỡ nhỏ giữ giá 29.000 đồng. Cà phê espresso đồng loạt tăng 10.000 đồng/ly ở các kích cỡ.

Nhóm sản phẩm trà có mức tăng mạnh nhất. Giá bán các ly trà cỡ nhỏ và vừa đều tăng 6.000 đồng, ly lớn cỡ lớn tăng tới 10.000 đồng, từ 55.000 đồng lên 65.000 đồng/ly.

Phía Highlands Coffee giải thích việc tăng giá là do "tình hình biến động thị trường hiện nay" và mong muốn giữ được và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Thương hiệu này mong nhận được sự thông cảm từ khách hàng về việc tăng giá.

Trước đó, chuỗi Pizza 4P's với 24 chi nhánh trên toàn quốc cũng thông báo điều chỉnh giá bán vì chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Theo đại diện thương hiệu này, việc tăng giá do giá nguyên liệu đầu vào tăng, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá nhằm đảm bảo chất lượng món ăn cũng như các dịch vụ khác tại hệ thống.

Đơn vị sở hữu 130 nhà hàng kinh doanh các chuỗi thương hiệu Dairy Queen, The Pizza Company, AKA House, Holy Crab, The Coffee Club cũng buộc phải tăng giá một số sản phẩm của nhà hàng vì sức ép giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao. Một số chuỗi nhà hàng lẩu, nướng khác tại TP.HCM thời gian qua cũng ghi nhận có điều chỉnh giá, mức tăng khoảng 10% so với giá cũ.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng

Kể từ khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa trở lại do kiểm soát được dịch Covid-19, các chuỗi F&B đang dần phục hồi. Tuy nhiên, theo các thương hiệu, một trong những áp lực đang đối mặt hiện nay là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Không chỉ nguyên liệu chính là thực phẩm tươi sống, trà, cà phê tăng giá mà chi phí bao bì, chi phí vận chuyển đều tăng theo.

Nguyên liệu đầu vào tăng, "ông lớn" F&B tăng giá - Ảnh 3.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến các chuỗi F&B gặp áp lực về giá vốn bán hàng. Ảnh: Phúc Minh

Đại diện Gong Cha - thương hiệu đang có 40 cửa hàng trên cả nước, nhận định giá xăng tăng liên tục, đến nay đã vượt 32.000 đồng/lít gây áp lực lên nhiều mặt hàng. Thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành F&B đang phải gồng mình trước chi phí đầu vào.

"Nguyên liệu của chúng tôi nhập khẩu 100% nên chịu tác động nhiều về logistics, vận chuyển từ quốc tế rồi đến vận chuyển trong nước, đó là chưa kể giá nguyên liệu tăng, giá bao bì, ly cốc cũng tăng", đại diện Gong Cha nói.

Theo ông, chi phí tăng thêm này gây áp lực lên giá vốn. Doanh nghiệp đang thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp để giảm chi phí vận hành.

Tuy nhiên, khi được hỏi, liệu sắp tới có tăng giá hay không, đại diện Gong Cha khẳng định: "Từ nay đến ít nhất hết năm nay, chúng tôi sẽ không tăng giá".

Giải thích thêm về việc này, phía Gong Cha cho rằng sau dịch, sức mua chưa thể phục hồi so với trước, việc tăng giá thời điểm này sẽ gây áp lực cho túi tiền người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh giá nhiều loại hàng hóa thời gian qua đều nhích tăng.

Đại diện The Coffee House cũng xác nhận giá cả nguyên liệu đầu vào tăng khiến doanh nghiệp nào cũng gặp khó. Tuy nhiên, thương hiệu này đang quan tâm nhiều hơn đến bài toán làm thế nào để thu hút trở lại cửa hàng thay vì tăng giá.

"Chúng tôi đang tập trung các biện pháp khiến khách quay lại cửa hàng như ưu tiên ra mắt sản phẩm mới, xây dựng bộ sản phẩm mới, đa dạng nền tảng. Mục tiêu lúc này là khách hàng hình thành thói quen quay lại cửa hàng. Hiện tín hiệu khách trở lại sau dịch cũng đã khá tốt", vị này nói thêm.

Phúc Minh
Săn hàng hiệu chỉ 50.000 đồng, 100.000 đồng ở “thiên đường shopping” Sài Gòn

Săn hàng hiệu chỉ 50.000 đồng, 100.000 đồng ở “thiên đường shopping” Sài Gòn

Hàng loạt sản phẩm của các thương hiệu thời trang nổi tiếng trong và ngoài nước đang giảm giá lên tới 70-80%. Một số thương hiệu khuyến mãi sốc, với sản phẩm bán ra từ 50.000 đồng, 100.000 đồng.