dd/mm/yyyy

Nông dân túc trực 24/24 giờ quanh... chuồng lợn vì sợ cắt điện đột xuất

Những ngày này, ông Đinh Văn Mừng và nhiều hộ chăn nuôi lợn ở xã Đông Đô, huyện Hưng Hà (Thái Bình) phải khốn khổ, "ăn trực nằm chờ" bên đàn lợn 24/24 giờ, không dám đi đâu chỉ vì... bị cắt điện đột xuất, không kịp trở tay.

Hôm cắt sáng, hôm cắt chiều lung tung không theo lịch cố định

Theo phản ánh của một số hộ chăn nuôi lợn ở xã Đông Đô, huyện Hưng Hà (Thái Bình), hơn 10 ngày nay, trên địa bàn xã cắt điện luân phiên khiến cho cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn, khốn khổ hơn khi người dân phải luôn túc trực bên cạnh đàn lợn 24/24 giờ chỉ vì... bị cắt điện.

Ông Nguyễn Văn Mừng, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà phờ phạc sau nhiều đêm mất ngủ vì túc trực bên đàn lợn, từ cuối tháng 5 đến nay, thì ngày nào trên địa bàn xã Đông Đô cũng bị cắt điện. Điều đáng nói, theo ông Mừng, ngày đầu tiên bị cắt điện người dân không hề nhận được thông báo gì. Sau khi người dân phản ánh, thì mới có lịch thông báo cắt điện qua Zalo nhưng thời gian cắt điện cũng mỗi hôm một giờ khác nhau.

"Hôm cắt sáng, hôm cắt chiều, hôm thì cắt đêm. Có hôm cắt từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Hôm sau thì cắt điện từ 20 giờ tối đến hơn 23 giờ đêm. Điều này khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Đặc biệt, ảnh hưởng rất lớn đến đàn lợn hàng trăm con, khi chúng tôi thường xuyên phải túc trực bên cạnh, ban ngày thì không dám đi đâu, ban đêm ngủ không yên vì lo bị cắt điện!?", ông Mừng bức xúc.

Nông dân túc trực 24/24 giờ quanh... chuồng lợn vì sợ cắt điện đột xuất - Ảnh 1.

Ông Đinh Văn Mừng, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà (Thái Bình) bên cạnh chiếc máy phát điện cũ kỹ. Hiện mỗi ngày chi phí để chạy máy phát điện từ 200.000 - 250.000 đồng tiền dầu. Ảnh: Bình Minh

Hiện nay, trang trại của ông Mừng nuôi hơn 400 con lợn thịt và 30 lợn nái. Để "đối phó" với tình trạng bị cắt điện, ông đã phải chạy máy phát, đầu tư thêm quạt gió để đàn lợn được "mát mẻ", có "không khí để thở".

"Tôi ngủ không dám ngủ, khi cắt điện thì phải vận hành máy phát. Trong thời gian chạy máy phát điện phải trông nom, nhỡ máy phát gặp trục trặc thì cả gia tài tiêu tan trong phút chốc!", ông Mừng nói.

Theo ông Mừng, giá lợn hơi vẫn đang ở mức thấp, thức ăn chăn nuôi vẫn cao, người dân thua lỗ thì nay người chăn nuôi phải bỏ thêm chi phí mua máy phát điện, rồi tiền dầu để chạy máy... Chi phí bị đội lên rất nhiều.

Ông Mừng có 2 trang trại, một trang trại nuôi lợn thịt và một trang trại nuôi lợn nái nên phải chạy song song 2 máy phát điện. Chi phí chạy máy phát điện mỗi ngày mất 200.000 - 250.000 tiền dầu. "Nếu tình trạng cắt điện tiếp tục kéo dài thì người chăn nuôi lợn sẽ vô vàn khó khăn...", ông Mừng thở dài.

Cũng theo ông Mừng, do tình trạng cắt điện chưa biết khi nào dừng lại, những hộ chăn nuôi lợn ở Đông Đô đều nhớn nhác đi tìm mua máy phát điện, đầu tư thêm quạt thông gió, gia cố lại hệ thống làm mát. Hiện nếu mua một cái máy phát điện mới có giá lên tới 40 triệu đồng.

Không dám đi đâu vì sợ mất điện là... lợn chết

Cũng rơi vào tình trạng thấp thỏm, lo âu, ông Đinh Văn Doanh, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà cho biết, gia đình đang nuôi 30 nái và 200 lợn thịt. Hơn chục ngày trở lại đây, ông không dám đi đâu ra khỏi nhà vì phải canh máy phát điện và đàn lợn.

Ông Doanh chua xót nói: "Giờ canh đàn lợn còn hơn cả canh chăm con ốm. Nếu tình trạng cắt điện kéo dài thì người chăn nuôi sẽ là người khổ nhất, không may xảy ra vấn đề gì thì người dân phải chịu chứ có được hỗ trợ gì đâu".

Theo ông Doanh, mỗi ngày cắt điện khoảng 4 tiếng, nếu có "sự cố" thì 5 tiếng. Hiện nay, trang trại của ông chạy một máy phát điện, chi phí tiền dầu trong 4 tiếng chạy máy phát mất khoảng 150.000 đồng.

Nông dân túc trực 24/24 giờ quanh... chuồng lợn vì sợ cắt điện đột xuất - Ảnh 2.

Hiện nay, trang trại của ông Mừng đang nuôi 400 lợn thịt và 30 lợn nái. Ảnh: Bình Minh

Những ngày này, việc bị cắt điện đang là nỗi lo thường trực của người chăn nuôi. Mất điện khiến các nông hộ “trở tay không kịp”, kéo theo đó là những hệ quả cho nền khôn lường.

Mới đây, thông tin 1.000 con gà sắp đến thời gian xuất chuồng bị chết do ngạt khí vì mất điện đột ngột ở một trang trại tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) với thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu đồng không khỏi khiến nhiều người xót xa, điều này đồng nghĩa tài sản của người nông dân “đổ sông đổ bể”.

Ông Cao Văn Thìn, Chủ trang trại chăn nuôi gà trên cho biết, thiệt hại gần 100 triệu đồng là con số quá lớn với một nông dân như ông. Bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền của, vốn liếng của gia đình đổ vào đầu tư chăn nuôi lứa gà này tiêu tan.

Chiều 7/6, Bộ Công Thương họp thông tin về tình hình cung ứng điện, trong bối cảnh nhiều địa phương tại miền Bắc. Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, công suất khả dụng của tất cả nguồn ở miền Bắc (gồm điện nhập khẩu) là 17.500-17.900 MW, tức khoảng 59,2% công suất lắp đặt. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng khoảng 20.000 MW và có thể lên tới 23.500-24.000 MW vào thời điểm nắng nóng. Như vậy, ước tính, mỗi ngày thiếu 30,9 triệu kWh và ngày cao nhất có thể tới 50,8 triệu kWh.

Lý do phải cắt điện, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực nói, hai nguồn cung ứng lớn ở phía Bắc là thủy điện và nhiệt điện đều gặp khó khăn do nắng nóng, hạn hán khiến mực nước các hồ cạn và nhiều tổ máy gặp sự cố.

Minh Ngọc