dd/mm/yyyy

Nông dân Thuận Châu thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Năm vừa qua, “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện nhà.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt/Điện tử Trang Trại Việt, ông Lò Văn Quý – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Châu, cho biết: "Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" luôn được Hội Nông dân huyện quan tâm đặt thành mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm hằng năm để lãnh đạo, chỉ đạo Hội Nông dân cấp cơ sở tổ chức thực hiện.

Hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Thuận Châu - Ảnh 1.

Mô hình trồng chè của ông Nguyễn Văn Khiêm ở bản Thư Vũ, xã Phổng Lái, cho thu nhập 500 triệu đồng/năm.

"Đến nay, phong trào đã thu hút được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, hình thành các tổ chức kinh tế hợp tác, nhiều mô hình mới đã xuất hiện, việc liên kết "4 nhà" đã tạo tiền đề thu hút nhiều doanh nghiệp, đơn vị, tập thể, cá nhân, cán bộ khoa học kỹ thuật giúp đỡ, hỗ trợ nông dân phát triển; năng xuất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, năm sau đạt cao hơn năm trước; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân đang từng bước được nâng lên…" – ông Quý đánh giá.

Hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Thuận Châu - Ảnh 2.

Năm 2019, Hội Nông dân huyện Thuận Châu đã xây dựng phát triển mới 1 mô hình kinh tế đó là mô hình nuôi dê tại bản Nà Sành, xã Bó Mười.

Năm 2019, "Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" trên địa bàn huyện Thuận Châu luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và Hội Nông dân tỉnh Sơn La.

Hội Nông dân huyện Thuận Châu đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, doanh nghiệp hướng dẫn cơ sở Hội hỗ trợ nông dân về vốn vay, giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quảng bá sản phẩm nông nghiệp giúp nông dân có điều kiện tiếp cận thị trường và trao đổi hàng hóa tiêu thụ.

Hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Thuận Châu - Ảnh 3.

Cũng trong năm 2019, Hội Nông dân huyện Thuận Châu đã xây dựng mới 1 mô hình nuôi vịt địa phương tại bản Buống, xã Bản Lầm.

 Hội Nông dân huyện đã phối hợp nhịp nhàng với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các ngành liên quan tổ chức được 45 hội nghị chuyển giao KHKT cho 3.054 lượt hội viên nông dân tại các xã.

Phong trào đã góp phần hình thành vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất tập trung, ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, như: Vùng trồng rau ở xã Thôm Mòn, Tông Lạnh; vùng trồng chè ở xã Phổng Lái, Phổng Lập, Chiềng Pha; chăn nuôi trâu, bò sinh sản tại các xã Long Hẹ, Chiềng Pha, Phổng Lái; nuôi cá ở các xã Chiềng La, Chiềng Bôm, Púng Tra...

Hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Thuận Châu - Ảnh 4.

Mô hình trồng chè tại xã Phổng Lập.

Từ những cố gắng, nỗ lực của Hội Nông dân huyện Thuận Châu trong thực hiện "Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", đã xuất hiện ngày càng nhiều hội viên nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Điển hình như: Bà Nguyễn Thị Bình, hội viên nông dân bản Kiến Xương, xã Phổng Lái với mô hình sao sấy chè, cho thu nhập 800 triệu đồng/năm; ông Lò Văn Sứa, hội viên nông dân bản Nong Lào, xã Chiềng Pha với mô hình trồng chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, cho thu nhập bình quân 500 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí; ông Lò Văn Luận, hội viên nông dân bản Tam, xã Chiềng Ngàm với mô hình chăn nuôi tổng hợp, cho thu nhập 450 triệu đồng/năm…

Hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Thuận Châu - Ảnh 5.

Thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật của Hội Nông dân Thuận Châu, hội viên nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang canh tác cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2019, huyện Thuận Châu có 2.013 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp: Cấp Trung ương 12 hộ, chiếm 0,59%; cấp tỉnh 182 hộ, chiếm 9,04%; cấp huyện là: 263 hộ, chiếm 13,06%; cấp xã, thị trấn là 1.556 hộ, chiếm 77,29%.

Theo đó, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có mức thu nhập cao nhất đạt từ 400 triệu đồng đến 800 triệu đồng/năm là 12 hộ; các hộ nông dân có mức thấp đạt dưới 50 triệu đồng/năm là 1.116 hộ; các hộ còn lại có mức thu nhập đạt từ 50 triệu đồng đến dưới 400 triệu đồng/năm.

Hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Thuận Châu - Ảnh 6.

Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Thuận Châu đã có thêm đồng vốn đầu tư phát triển sản xuất.

Có thể thấy, "phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" trên địa bàn huyện Thuận Châu đã góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, làm thay đổi diện mạo nông thôn, xây dựng tổ chức Hội Nông dân các cấp ngày càng vững mạnh.

Để phong trào tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Thuận Châu cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội, tăng cường làm tốt các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với hộ nghèo trong việc hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn. Qua đó, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lực cho công cuộc xây dựng Nông thôn mới ở địa phương.

Tuệ Linh