dd/mm/yyyy

Nông dân Tân Uyên: Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Nông dân huyện Tân Uyên (Lai Châu) tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập...

Nếu so với các huyện trong tỉnh Lai Châu, huyện Tân Uyên có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Cùng với hàng loạt chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, huyện Tân Uyên đang tiếp thu, tận dụng triệt để các tiến bộ khoa học mới phù hợp với địa phương để ứng dụng, chuyển giao tới bà con nông dân. Để đạt được mục tiêu này, trước hết, các xã đã tuyên truyền bà con nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Nông dân Tân Uyên chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) được thấy rõ trên địa bàn xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu), tiêu biểu như vườn bắp cải trái vụ của gia đình anh Phạm Thanh Tuấn, bản Tân Bắc, xã Pắc Ta là một điển hình. Cây bắp cải đưa vào trồng ở Tây Bắc không còn là loại rau mới bởi nơi đây được gọi là "vựa rau" của toàn huyện.

Nông dân Tân Uyên: Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất   - Ảnh 1.

Mô hình trồng bắp cải trái vụ của nông dân xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) theo hướng an toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ. Ảnh: Vinh Duy

Bắp cải là loại rau được trồng phổ biến nhiều năm, song bà con vẫn chỉ trồng đúng thời vụ vào mùa đông, bởi giống bắp cải vốn ưa lạnh và không chịu được nhiệt, không phù hợp với điều kiện mưa nhiều. Nhưng, không có gì là không thể, nay cây trồng này tiếp tục được gia đình anh Tuấn đưa vào trồng 4.000m2. Gia đình anh đã lựa chọn thử nghiệm mô hình trồng bắp cải trái vụ theo hướng an toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ. Điều kiện chăm sóc yêu cầu cao hơn, cây giống phải chăm sóc kỹ càng, trồng đúng thời điểm song gia đình anh vẫn đáp ứng được để đảm bảo kỹ thuật trồng cũng như năng suất.

Cùng với mô hình bắp cải trái vụ, hiện nay các hộ dân tại xã Pắc Ta cũng đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối theo chuỗi giá trị. Gia đình ông Tòng Văn Dài, bản Bó Lun có hơn 1ha đất sản xuất nông nghiệp. Những năm trước, ông dành phần lớn diện tích để trồng các cây hoa màu, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao, đầu ra bấp bênh, vụ thu hoạch trùng vào mùa mưa bão nên thường xuyên bị thương lái ép giá.

Sau vài lần thử nghiệm một số loại cây trồng khác nhau, cuối cùng ông Dài nhận ra việc trồng cây ngô sinh khối chuyên phục vụ chăn nuôi mang lại kết quả khả quan nhất. Với diện tích hiện có, gia đình ông chỉ cần đầu tư khoảng 8 tạ phân chuồng, 2 tạ phân NPK có thể đủ cho cây trồng phát triển đến khi thu hoạch. Việc sử dụng phân chuồng đang là giải pháp hữu hiệu nhất trong điều kiện giá cả phân bón hóa học tăng cao như hiện nay.

Nông dân Tân Uyên: Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất   - Ảnh 3.

Mô hình trồng dưa bao tử trong nhà lưới ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel đang là hướng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn được bà con nông dân huyện Tân Uyên áp dụng. Ảnh: Bảo Anh

Hướng tới việc sản xuất nông nghiệp sạch và an toàn, việc sử dụng các chế phẩm sinh học đã và đang được các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện áp dụng triệt để. Vừa qua chúng tôi được cùng đoàn công tác của Hội Nông dân tỉnh Lai Châu và huyện Tân Uyên đến thăm 2 mô hình chăn nuôi gia súc lớn nhất huyện Tân Uyên, đó là hợp tác xã (HTX) Phan Vinh và cơ sở chăn nuôi Kiên Nhiễu (tổ dân phố 5, thị trấn Tân Uyên). Cả 2 cơ sở đều chăn nuôi bò với quy mô lớn, khoảng 60 con và thực hiện chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết.

 

Nông dân Tân Uyên: Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất   - Ảnh 4.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, Huyện ủy Tân Uyên thăm mô hình chăn nuôi gia súc tập trung ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học của Hợp tác xã Phan Vinh (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu). Ảnh: Bảo Anh

Dù vị trí chuồng trại bố trí gần khu dân cư song các chất thải chăn nuôi không hề gây ô nhiễm không khí, môi trường; có được kết quả đó nhờ 2 cơ sở đều sử dụng phương pháp đệm lót sinh học, với mức đầu tư không lớn nhưng việc sử dụng phương pháp này là hoàn toàn mới, đưa khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, giảm tối đa ảnh hưởng môi trường xung quanh. Chia sẻ với chúng tôi, ông Phan Vinh, Chủ nhiệm HTX cho hay, sử dụng đệm lót  sinh học vừa đảm bảo vệ sinh chuồng trại, môi trường mà nguồn phân chuồng bón cho cây trồng vẫn đảm bảo để kích thích cây trồng tăng trưởng.

Các cấp các ngành Tân Uyên nỗ lực hỗ trợ nông dân

Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt/Trangtraiviet Điện tử, ông Lê Thanh Huy, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) cho biết: Với những điển hình kể trên, có thể nói ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp hiện nay đã trở thành nhu cầu cần thiết đối với nông dân. Đáp ứng nguyện vọng đó, hàng năm, các phòng, ban, tổ chức hội nông dân của huyện Tân Uyên tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ như tổ chức hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất cho bà con nông dân.

Nông dân Tân Uyên: Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất   - Ảnh 5.

Mô hình áp dụng giống mới trong sản xuất lúa nếp N98 tại bản Tân Pắc, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Vinh Duy

Tổ chức chuyển giao kiến thức cho người dân thông qua những mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán sản xuất; cụ thể như mô hình áp dụng giống mới trong sản xuất lúa nếp N98 tại  bản Tân Pắc, xã Pắc Ta; mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống lúa sén cù tại xã Mường Khoa; mô hình trồng cây khoai sọ tại xã Hố Mít…

Việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp của huyện nhờ đó đã có nhiều bước tiến quan trọng, đạt hiệu quả kinh tế cao ở hầu hết các lĩnh vực, làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người dân. Các mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT được triển khai, nhân rộng đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế so với diện tích sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Nông dân Tân Uyên: Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất   - Ảnh 6.

Huyện Tân Uyên xây dựng kế hoạch vùng trồng chè chất lượng cao. Ảnh: Bảo Anh

Để tạo sức bật mạnh mẽ hơn nữa cho huyện Tân Uyên, các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan cần tiếp tục khảo nghiệm, thử nghiệm các giống mới trong trồng trọt, chăn nuôi. Nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ KHKT đạt hiệu quả kinh tế cao. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT; khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Bên cạnh đó cần quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông nhằm hỗ trợ nông dân trong việc chuyển giao, ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp; thường xuyên rà soát, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn…


Vinh Duy – Bảo Anh