dd/mm/yyyy

Nông dân hồ hởi, phấn khởi trước thông tin tổ yến “bay” chính ngạch sang Trung Quốc

hông tin tổ yến được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung quốc khiến cả người nuôi và doanh nghiệp kinh doanh tổ yến rất vui mừng, phấn khởi. Đây cũng là động lực lớn thúc đẩy mô hình nuôi chim yến phát triển mạnh hơn.

Anh Đinh Văn Tảo, nông dân ấp Long Hòa, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đang nuôi 2 nhà yến hơn 5 năm rất phấn khởi khi mô hình này đạt hiệu quả khá so với làm vườn, ruộng. Hay tin tổ yến xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung quốc, anh cũng như nhiều nông dân nuôi chim yến tại địa phương rất phấn khởi.

“Chim yến nuôi thì ngon rồi đó, tôi ở đây bán tổ yến thô gần 20 triệu đồng/kg. Nếu nuôi chim yến mà nó ở là ngon lắm, cái nhà này tôi lấy mỗi tháng gần 2kg, bán được gần 30 triệu đồng, hiệu quả lắm, không con gì bằng. Trước giờ chưa xuất khẩu nếu mà yến xuất khẩu được thì lên giá nữa, ngon lắm” - anh Đinh Văn Tảo nói.

Nông dân hồ hởi, phấn khởi trước thông tin tổ yến “bay” chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Các kỹ thuật viên làm vệ sinh, phân loại trước khi sơ chế tổ yến thành nhiều sản phầm khác nhau.

Tỉnh Tiền Giang có mô hình nuôi chim yến thương phẩm lâu đời và phát triển mạnh nhất khu vực ĐBSCL, với hơn 1.500 nhà nuôi chim yến, tập trung nhiều ở Thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo và Thành phố Mỹ Tho. Tùy theo quy mô thiết kế mà mỗi nhà yến có mức đầu tư từ 1 tỷ đồng đến nhiều tỷ đồng. Không ít “đại gia” giàu lên từ con chim yến được nhiều người biết đến như: Mười Thiết, Ba Tiến, Tám Như, Thổ Sơn...

Tuy nhiên, do chỉ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tiểu ngạch nên giá trị tổ yến thời gian qua chưa cao và không khỏi cảnh bấp bênh “được mùa, rớt giá”. Chính vì vậy, mặc dù được phép xuất khẩu chính ngạch, nhưng mối quan tâm giờ đây là làm sao nâng cao và bảo đảm được chất lượng sản phẩm, chuẩn hóa quy trình sản xuất.

Nông dân hồ hởi, phấn khởi trước thông tin tổ yến “bay” chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Từ tổ yến các doanh nghiệp tại tỉnh Tiền Giang đã chế biến ra hàng chục sản phẩm có ích cho sức khỏe con người.

Thời gian qua, nhiều cơ sở, doanh nghiệp chế biến tổ yến đã đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu mang tính cạnh tranh.

Ông Trần Quang Hùng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hùng Hậu tại thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang- doanh nghiệp chuyên nuôi và sơ chế tổ yến cho biết: “Đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì tổ (dạng thô) phải đạt loại 1 trở lên, yến đạt chất lượng mình phải làm vệ sinh, nhà cửa sạch sẽ, thu hoạch, bảo quản tổ yến phải không nhiễm khí độc, không bị ôxy hóa, đưa vô một phòng để riêng. Hiện giờ yến xuất khẩu được là niềm vui của người nuôi chim yến”.

Nông dân hồ hởi, phấn khởi trước thông tin tổ yến “bay” chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 3.

Người dân ngày càng sử dụng tổ yến để bồi bổ cho cơ thể do giá cả hợp lý.

Để phát triển mô hình sản xuất yến theo chuỗi giá trị, nhiều công ty chủ trương xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ tổ yến; liên kết sản xuất và tiêu thụ với các hộ nuôi chim yến xa gần, thu mua sản phẩm yến.

Cùng với trái sầu riêng, khoai lang thì tổ yến vừa được phía Trung quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch, đây là tín hiệu vui cho người nông dân, doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung và mô hình nuôi chim yến tại tỉnh Tiền Giang nói riêng. Khi hàng hóa không ngừng nâng cao chất lượng, chuẩn hóa quy trình sản xuất, tổ yến sẽ tiếp tục “bay xa, bay cao”./.


Nhật Trường