dd/mm/yyyy

Những cách làm hay để giữ địa bàn không còn bóng cây có chứa chất ma túy

Trong những năm qua, lực lượng công an các tỉnh Đắk LắK, Đắk Nông, Gia Lai… đã phát hiện một số trường hợp trồng cây cần sa. Các đối tượng này trồng cần sa ngay tại vườn nhà mình. Để phòng, chống việc trồng và tái trồng cây cần sa, các cơ quan chức năng đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp để giữ địa bàn trong sạch.

Bằng nhiều mô hình, cách thức làm hay, sáng tạo, các địa phương ở Tây Nguyên đang cố gắng, nỗ lực để nâng cao nhận thức nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy, đem lại bình yên cho bản làng và cộng đồng dân cư trên vùng cao nguyên đất đỏ.

Những cách làm hay để giữ địa bàn không còn bóng cây có chứa chất ma túy- Ảnh 1.

Thượng tá Nguyễn Trần Tuấn - Trưởng Công an huyện Krông Búk , tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại lễ ra quân thực hiện tháng hành động phòng chống ma túy năm 2023. Krông Búk từng là địa bàn phức tạp và nóng bỏng về tình trạng trồng và tái trồng cây cần sa của tỉnh Đắc Lắk, nhưng trong năm 2023 trên địa bàn huyện không phát hiện vụ trồng cần sa trái phép nào xảy ra. Ảnh: N.G

Đi tới từng buôn làng để tuyên truyền, vận động

Trung tá Phạm Hồng Anh, Phó phòng Cảnh sách điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Gia Lai) cho biết, từ 15/1/2019 đến 15/8/2023, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tỉnh Gia Lai rà soát phát hiện bắt giữ 16 vụ/19 đối tượng trồng cây có chứa chất ma túy. "Qua kết quả điều tra các vụ án, hầu như những đối tượng này cung cấp từ hạt giống cho đến thu mua sau khi thu hoạch" – ông Anh thông tin.

Theo Trung tá Phạm Hồng Anh, cần sa được trồng trên một số địa bàn, chủ yếu ở 3 huyện biên giới trên địa bàn tỉnh, chứ không phải phổ biến. Khu vực trồng là những vùng giáp ranh, vùng sâu, vùng xa. Quan điểm của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai cũng như lãnh đạo Phòng Cảnh sách điều tra tội phạm về ma túy là phát hiện đến đâu, xử lý đến đó. Lực lượng công an tỉnh Gia Lai cũng tập trung nắm bắt và có biện pháp để đấu tranh, xử lý các đối tượng lập nhóm trao đổi riêng về cần sa.

Cùng với việc đấu tranh, triệt phá những vụ việc liên quan tới trồng cây có chứa chất ma túy, trong các loại tội phạm liên quan tới ma túy, lĩnh vực trồng cây có chứa chất ma túy công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng. Công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền cho cán bộ cơ sở, hai là các già làng, trưởng thôn – những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để họ nhận biết đặc điểm cây cần sa, qua đó họ sẽ cung cấp những thông tin có giá trị để lực lương chức năng phát hiện, bắt giữ và triệt phá các vụ việc liên quan tới trồng, tiêu thụ cây cần sa.

Trung tá Phạm Hồng Anh cũng đánh giá cao hoạt động của đội tuyên truyền xung kích của Công an tỉnh Gia Lai. Đội tuyên truyền xung kích này theo sự chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh đã đi tới tận buôn làng để tuyên truyền, vừa sử dụng hình ảnh, vừa chiếu phim, kết hợp tặng quà, giao lưu văn hóa, văn nghệ. Quan trọng nhất trong đội có người có thể nói được tiếng địa phương và trực tiếp trao đổi với già làng, trưởng thôn về cách nhận biết đặc điểm các loại cây có chứa chất ma túy, qua đó họ sẽ cung cấp thông tin có giá trị để lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá các vụ việc liên quan tới trồng, tiêu thụ cây cần sa.

"Những địa bàn mà đội tuyên truyền xung kích đi qua rồi, theo đánh giá của chúng tôi, gần như đến thời điểm này chưa phát hiện vụ việc trồng cây có chứa chất ma túy" - Trung tá Phạm Hồng Anh nói và cho biết thông qua các hoạt động tuyên truyền đã làm cho người dân nhận thức được tác hại của loại tội phạm này và gần như không dính vào, thậm chí còn tham gia vào việc giám sát, phát hiện hộ dân nào có vấn đề không bình thường, như thắp điện suốt ngày đêm để giúp cây tăng trưởng nhanh thì sẽ báo cho lực lượng công an để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Tuyên truyền, vận động "nói không với ma túy"

Cùng với việc tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành NNPTNT tỉnh Gia Lai nói không với ma túy, trong năm 2023, Sở NNPTN tỉnh Gia Lai đã chủ động huy động, lồng ghép nguồn lực, tập trung ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình,  dự án thuộc lĩnh vực cơ quan, đơn vị quản lý thực hiện đầu tư, hỗ trợ vùng trọng điểm về trồng và có nguy cơ tái trồng cây có chứa chất ma túy, đặc biệt hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hôi trên địa bàn.

Những cách làm hay để giữ địa bàn không còn bóng cây có chứa chất ma túy- Ảnh 3.

Lực lượng Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk xuống từng thôn, bản nơi có nguy cơ cao về trồng cây có chứa chất ma túy để tuyên truyền, vận động người dân nhận biết đặc điểm của cây cần sa, những tác hại để nâng cao nhận thức, giúp ngăn chặn, triệt phá và xóa bỏ tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn. Ảnh: N.G

Cùng với đó, Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc ngành NNPTNT rà soát trên diện tích đất rừng và đất trồng cây công nghiệp thuộc các Ban quản lý rừng thuộc Sở, đồng thời tập trung vào các thôn, làng trọng điểm có nhiều dân di cư tự do, các nương rẫy tự phát trong rừng để tích cực tuyên truyền, vận động.

Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai, từ 1/1/2023 đến 15/11/2023, các đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện rà soát trên 486 nghìn ha đất do các cơ quan, đơn vị quản lý. Kết quả, đến nay chưa phát hiện có trồng loại cây có chứa chất ma túy.

Tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk – nơi lực lượng công an đã phát hiện một số vụ việc trồng cây cần sa lớn, công tác tuyên truyền, vận động người dân để nhận biết về tác hại của cây có chứa chất ma túy cũng được quan tâm, triển khai. Công an huyện Cư Kuin đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban ngành của huyện và các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương trực tiếp đến những khu vực có nguy cơ cao về trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy để tuyên truyền, phát tờ rơi, vận động người dân không trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy.

Đáng chú ý, Công an huyện Cư Kuin đang phối hợp với UBND huyện xây dựng mô hình xã không có tệ nạn ma túy. Thông qua mô hình này, lực lượng chức năng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con nói không với ma túy, đồng thời phối hợp cùng với gia đình quản lý, giáo dục con, cháu trong nhà nói không với tệ nạn ma túy.


Khương Lực