Nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao hấp dẫn tại Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường ở Lào Cai
07/04/2025 17:53 GMT +7
UBND huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã long trọng tổ chức khai hội đền Mẫu Trịnh Tường năm 2025 tại xã Trịnh Tường.
Đền Mẫu Trịnh Tường có nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ hấp dẫn du khách
Tại chương trình, khán giả được hòa mình trong không gian văn hóa nghệ thuật với gần 10 tiết mục ca, múa,… ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, con người Việt Nam… do các diễn viên đến từ Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai biểu diễn.
Với sự chuẩn bị chu đáo, dàn dựng công phu, các nghệ sỹ, diễn viên đã mang đến không khí rộn ràng, vui tươi ngợi ca sự đổi thay, phát triển của quê hương, đất nước.
Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham quan, trải nghiệm. Lễ hội không chỉ góp phần giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khơi dậy ước mơ, lý tưởng cao đẹp và tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc.

Lễ hội đền Mẫu Trịnh Tường được tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch hằng năm cầu quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn với những giá trị văn hóa truyền thống, tín ngưỡng dân gian đa sắc màu, hấp dẫn.
Qua đó cũng quảng bá, giới thiệu với du khách thập phương về các giá trị văn hóa du lịch tâm linh, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nơi địa đầu biên cương của Tổ quốc.
Năm nay, Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường có nhiều hoạt động hấp dẫn phục vụ nhân dân địa phương và du khách tới tham quan chiêm bái.
Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường diễn ra từ ngày 4 – 7/4 (tức 6-10//3 năm Ất Tỵ). Trong những ngày này, Đền Mẫu Trịnh Tường thu hút hàng nghìn người dân từ khắp mọi miền đất nước đến thăm quan, kính dâng nén nhang tưởng nhớ tới Thánh Mẫu Thượng Ngàn.
Trong khuôn khổ Lễ hội hàng loạt các hoạt động, trò chơi như bắn nỏ, thi đấu kéo co, đẩy gậy thu hút sự tò mò, thích thú của du khách.

Anh Trương Văn Út, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát (Lào Cai) chia sẻ: Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường năm 2025 có rất nhiều trò chơi và phần thi cho các địa phương tham gia. Bản thân tôi rất ấn tượng với phần thi giã bánh dày của các đội đến từ các xã đại diện cho các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì trên địa bàn huyện.
Qua phần thi sẽ cho thấy được sự dẻo dai của các chàng trai, sự khéo léo của các cô gái; đồng thời thể hiện tính đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện.
Các hoạt động đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc với các môn thể thao truyền thống như: Múa Lân - Sư - Rồng, thi giã bánh dày, thi đấu các môn thể thao và các trò chơi dân gian.
Nhiều sản phẩm nông sản được trưng bày tại Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường
Bên cạnh đó, tại khu vực trưng bày không gian văn hóa, sản phẩm OCOP và các sản vật của địa phương; triển lãm ảnh về các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh của huyện Bát Xát với nhiều nét đặc sắc, truyền thống cũng là một địa điểm thu hút đông đảo du khách đến khám phá, check-in.
Chị Nguyễn Thị Thúy, du khách đến từ thành phố Lào Cai cho biết: Đến với Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường tôi được biết đến với ý nghĩa tâm linh, thư hai nữa Đền rất đặc trưng sát với biên giới, khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Đối với Bát Xát có rất nhiều du khách tìm đến.
Ngoài đi Lễ Đền thì tôi cũng rất thích các gian hàng của địa phương và các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội.

Các hoạt động tại Lễ hội, thể hiện được bản sắc văn hóa các dân tộc, gắn các hoạt động văn hóa với du lịch, góp phần quảng bá vùng đất Bát Xát giàu truyền thống Cách mạng và bản sắc văn hóa tới du khách gần, xa.

Đền Mẫu Trịnh Tường tọa lạc bên bờ sông Hồng, thuộc thôn Phố Mới 1, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát. Ngôi Đền là nơi thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn - Thánh Mẫu thứ hai trong Tam tòa Thánh Mẫu, cai quản nhạc phủ, tức là cai quản vùng rừng núi, trấn giữ biên ải. Đền được xây dựng từ đầu thế kỷ XX và được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2016.
Đây là di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với đời sống tâm linh của người dân Bát Xát nói riêng, cộng đồng các dân tộc tỉnh Lào Cai nói chung. Lễ hội được khai mạc với hai phần: Phần lễ được tổ chức với các nghi thức truyền thống rước kiệu, khai mạc lễ hội, thực hành tín ngưỡng...; phần hội đa dạng, phong phú với hội thi giã bánh dày và các trò chơi dân gian…