dd/mm/yyyy

Nhiều cửa hàng nông sản an toàn của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình hoạt động hiệu quả, là lựa chọn của người tiêu dùng

Ngoài những nhiệm vụ công tác thường xuyên, định kỳ, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình còn triển khai hàng chục cửa hàng nông sản an toàn với lượng khách hàng đặt mua sắm rất đông mỗi ngày giúp nông sản dễ dàng tới tay người tiêu dùng, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 này.

Đưa 1.600 hộ nông dân thoát nghèo

Phát triển hội viên, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên được đặc biệt chú trọng. Nhiều loại hình tập hợp nông dân vào Hội như tổ hội, chi hội theo ngành nghề, tổ vay vốn, nhóm liên kết, tổ hợp tác, câu lạc bộ mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, thu hút nông dân vào tổ chức Hội.

Trong 3 năm qua, các cấp hội đã kết nạp được 9.775 hội viên mới, nâng tổng số hội viên nông dân toàn tỉnh Ninh Bình lên 130.151 người, bằng 89,2% số hộ nông dân.

Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã kết nạp 1.315 hội viên mới, 1.602 chi hội có quỹ hội. 

Nhiều cửa hàng nông sản an toàn của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình hoạt động hiệu quả, là lựa chọn của người tiêu dùng - Ảnh 1.

Mô hình nuôi ngao, hàu giống ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thu 1 tỉ đồng/ha. Ảnh: Vũ Thượng

Ngoài ra, Hội đã triển khai 416 mô hình giảm nghèo bền vững đưa 1.600 hộ nông dân thoát nghèo.

Tính đến 30/5/2021 tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (cả nguồn Trung ương ủy thác) đạt trên 42 tỷ đồng, tăng hơn 14,9 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ năm 2018; đã có 668 hộ hội viên, nông dân được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân; 100% cơ sở Hội có nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Tính tới nay, có 8 hội nông dân cấp huyện, 141 cơ sở hội, 1.602 chi hội. Chất lượng hoạt động của các cơ sở hội, chi hội được nâng lên rõ, 100% cơ sở hội xếp loại vững mạnh và khá; 8/8 hội nông dân huyện, thành phố hàng năm đều được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Nhiều cửa hàng nông sản an toàn của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình hoạt động hiệu quả, là lựa chọn của người tiêu dùng - Ảnh 2.

Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình giúp tiêu thụ nông sản là hành tím cho nông dân. Ảnh: PV

Về đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, đến nay 100% chủ tịch Hội nông dân cơ sở có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 70,4% có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên, 100% cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ chuyên môn đại học.

Hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho 100% cán bộ Hội các cấp với nội dung, chương trình phù hợp với từng đối tượng, chú trọng tới đội ngũ cán bộ Hội cơ sở.

"Các cấp Hội chú trọng xây dựng tổ chức, bộ máy. Trọng tâm là xây dựng chi hội, cơ sở hội vững mạnh; sắp xếp bộ máy giúp việc cơ quan chuyên trách Hội Nông dân cấp huyện, cấp tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả" - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình Đinh Hồng Thái.

Chuỗi cửa hàng nông sản an toàn hiệu quả

Để trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho nông dân, các cấp Hội tổ chức dạy nghề cho gần 17.252 hội viên nông dân, có 4.086 nông dân qua dạy nghề có việc làm. Riêng Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình trực tiếp tổ chức 26 lớp dạy nghề cho 565 hội viên.

Ngoài ra các cấp Hội nông dân còn tích cực phối hợp với các ngành khai thác nguồn vốn, vật tư từ chương trình hỗ trợ sản xuất để xây dựng mô hình, hỗ trợ nông dân kiến thức trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng và thực hiện một số đề tài, dự án, mô hình trình diễn kỹ thuật ứng dụng các quy trình chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, môi trường.

Nhiều cửa hàng nông sản an toàn của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình hoạt động hiệu quả, là lựa chọn của người tiêu dùng - Ảnh 3.

Ông Đinh Hồng Thái - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình (phải) giới thiệu về cửa hàng nông sản Sông Vân của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Vũ Thượng

Và để giúp nông dân dễ dàng tiêu thụ nông sản, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã khai trương cửa hàng nông sản Sông Vân, cửa hàng nông sản an toàn thứ 26 triển khai trên toàn tỉnh Ninh Bình của Hội. Những cửa hàng nông sản với nguồn nông sản, thực phẩm an toàn sản xuất sạch, bố trí hiện đại, tổ chức bán hàng đáp ứng với bối cảnh dịch Covid-19 đang là lựa chọn của rất nhiều người tiêu dùng tại thành phố Ninh Bình.

Kết quả đã thành lập mới 101 tổ hợp tác và 29 hợp tác xã; phối hợp tổ chức 7.586 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phòng chống dịch COVID-19, dịch tả lợn Châu Phi... cho 317.338 lượt cán bộ, hội viên nông dân.

Nhiều cửa hàng nông sản an toàn của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình hoạt động hiệu quả, là lựa chọn của người tiêu dùng - Ảnh 4.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình và đại diện Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt tới từng nông dân trao quà hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 tới sản xuất, kinh doanh.

Về hoạt động xã hội khác, mới đây, ngày 29/6 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình phối hợp cùng Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, Văn phòng Đại diện Báo tại khu vực Bắc Miền Trung trao 60 suất quà tới các hộ là hội viên nông dân huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) có hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.

"Tới đây, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục phối hợp cùng Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt trong công tác thông tin, tuyên truyền cũng như triển khai những hoạt động xã hội khác hướng về hội viên, bà con nông dân' - ông Đinh Hồng Thái - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình.

Các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các tổ vay vốn do hội nông dân quản lý. Đến 31/5/2021, dư nợ chương trình phối hợp với Ngân hàng CSXH là trên 763 tỷ đồng (21.903 hộ vay); dư nợ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 2.217 tỷ đồng, tăng 545 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ năm 2018.

PV BMT