Sẽ bội thu!
Từ một công trình thủy lợi với diện tích mặt nước trên 7 ha chủ yếu phục vụ tưới cho hàng chục ha lúa của các thôn vùng hạ du, mấy năm gần đây, hồ Ba Khe ở thôn Lạc Tiến (xã Kỳ Bắc) trở thành một điểm sáng trong phong trào nuôi cá lồng bè của huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Sau những điểm nuôi lẻ tẻ, bắt đầu từ tháng 3 năm 2018, HTX Nuôi trồng thủy sản (NTTS) Quang Minh do ông Hoàng Văn Quang cùng với 9 hộ dân trong xã Kỳ Bắc được thành lập. Sau khi nhận thầu diện tích mặt nước, HTX đã đầu tư hệ thống lồng bè với 20 chiếc với chi phí đầu tư gần 2 tỷ đồng, thả nuôi cá nước ngọt theo hình thức nuôi lồng bè.
Qua hơn 1 năm thả nuôi, nhờ môi trường nước trong lành và biết áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, các lồng nuôi cá chất lượng cao như: diêu hồng, cá lóc, cá leo, cá lăng, cá chình sinh trưởng rất nhanh và đồng đều. Ngay khi thu hoạch lứa cá đầu tiên vào dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2018, mô hình đã thu lợi gần 800 triệu đồng.
Thắng lợi của vụ nuôi trên là cơ sở để HTX của ông Quang và các thành viên mở rộng thêm 6 lồng bè, trong đó chủ lực là cá diêu hồng có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ.
Cùng với nuôi trong lồng bè, HTX còn mở rộng thả hàng vạn con cá các loại như: cá rô phi, cá mè, cá trắm bên ngoài tự nhiên. Một mặt tận dụng được nguồn thức ăn dư thừa của cá trong lồng, tăng thêm nguồn thu; mặt khác sử dụng các loại cá này làm thức ăn cho cá leo, cá lóc trong lồng.
Ông Quang phấn chấn cho biết: Hiện tại HTX chúng tôi đã sẵn sàng cung ứng ra thị trường từ 15 - 20 tấn cá chất lượng cao phục vụ cho người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán này. Đầu ra cho sản phẩm không chỉ các vùng lân cận của Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh mà còn cả Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Một điều mà theo ông Quang các sản phẩm cá lồng bè sẽ dễ dàng được tiêu thụ là do những biến động thực phẩm như hiện nay, mà đáng chú ý nhất là thịt lợn.
“Phải tới sau khi thu hoạch mới cho kết quả cụ thể, tuy nhiên, chúng tôi tin chắc Tết này HTX sẽ thắng lợi”- ông Quang nói.
Một cơ sở nuôi cá lồng bè khác dự kiến thắng lợi lớn ở huyện Kỳ Anh là Tổ hợp tác nuôi cá xã Kỳ Xuân trên đập Khe Còi có diện tích 5 ha. Từ 6 lồng ban đầu vào năm 2016, năm nay tổ hợp đã tăng lên 20 lồng nuôi, trong đó chủ lực vẫn là cá diêu hồng, cá chép, cá trắm cỏ.
Tổ trưởng Lê Đình Đức cho biết: Quy trình nuôi của tổ hợp là hướng đến thu hoạch phục vụ Tết nhằm đảm bảo giá trị kinh tế cao nhất. Vào thời điểm này khi Tết Canh Tý đã cận kề, các chủ lồng đã bắt đầu lựa chọn cá theo trọng lượng. Với năng suất bình quân từ 2 - 3 tấn/lồng, tổ hợp chúng tôi sẽ xuất bán ra thị trường hàng chục tấn cá các loại.
Ông Quang cho biết, một lượng lớn cá tại tổ hợp xuất bán trong dịp Tết đã có thương lái đặt mua từ nhiều tuần trước với mức giá bán cao hơn cá nuôi ao đất khoảng 1,2 - 1,5 lần.
Theo tiết lộ của vị tổ trưởng năng động, dám nghĩ dám làm này, ngoại trừ năm đầu tiên thành lập, còn lại từ mấy năm nay, năm nào doanh thu của tổ hợp tác cũng đạt trên 1,5 tỷ đồng.
Sẽ tăng nhanh mô hình nuôi cá lồng bè
Ông Lê Văn Trọng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh - cho biết, nghề nuôi các lồng bè phát triển mạnh từ sau sự cố môi trường biển 2016.
“Sau sự cố môi trường biển, nhiều người dân đã nhanh nhạy chuyển hướng làm ăn, tranh thủ diện tích mặt nước ở các hồ, đập phát triển nghề nuôi cá lồng bè ngày càng bền vững, áp dụng kỹ thuật tiên tiến”- ông Trọng thông tin.
Theo ông Trọng, cá nuôi trong lồng dễ chăm sóc, có thể nuôi được mật độ cao, nhiều chủng loại, nhất là những loại cá đặc sản với nguồn thức ăn sẵn có. Nhờ đó, không những giảm chi phí mà môi trường nước bị ít ô nhiễm, cá sinh trưởng tốt, chất lượng thịt ngon.
Ông Trọng cho biết, toàn huyện có 30 hồ, đập. Đây là điều kiện để bà con vận dụng phát triển nghề nuôi cá lồng bè.
Để hỗ trợ người dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Kỳ Anh cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp về hướng dẫn, kiểm tra việc chăm sóc cá theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ vậy, bà con nắm được các quy trình kỹ thuật và áp dụng vào thực tế để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, đảm bảo được môi trường, môi sinh, gắn với bảo vệ môi trường tại vùng nuôi.
Với thị trường tiêu thụ ổn định không chỉ giúp các hộ nuôi tăng thu nhập mà còn là cơ hội để người nuôi trồng thủy sản ở Kỳ Anh phát triển và nhân rộng mô hình trong những vụ sản xuất tiếp theo.