dd/mm/yyyy

Người níu hồn chữ Thái ở huyện biên giới Sông Mã

Những năm gần đây, các lớp học chữ Thái được tổ chức tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La, trong đó có huyện biên giới Sông Mã nhằm góp phần duy trì bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Thái.

Lớp học chữ Thái đặc biệt nơi vùng biên Sông Mã

Lớp học chữ Thái miễn phí tại nhà Văn hóa tổ 2, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La có 30 học viên tham gia do ông Lường Tộ tổ chức và trực tiếp tham gia "đứng lớp" cùng ông Đèo Hạnh.

Đây là lớp học đặc biệt, bởi các học viên đều lớn tuổi, nhiều người đã nghỉ hưu, như: Anh Cầm Toàn, chị Lò Thị Tuyết, chị Lò Giáng Hương, chị Lò Thị Im.... Có những người trước đây làm công an, bác sĩ, giáo viên…. Có những học viên ở xa hàng chục cây số vẫn miệt mài, đều đặn đến lớp để học chữ của dân tộc mình, như: Anh Lò Ngọc Phanh, xã Chiềng Cang (20 km); chị Lò Thị Loan, bản Mung, xã Nà Nghịu (10 km)…

Người níu hồn chữ Thái - Ảnh 1.

Lớp học chữ Thái tại huyện biên giới Sông Mã (Sơn La). Ảnh: T.N.Mỹ

Tại lớp học, học viên là các mẹ, các bà trong trang phục truyền thống "áo cóm" và kiểu tóc "tẳng cẩu" mang đậm nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái, điều đó đã tôn nên nét thanh lịch và duyên dáng của phụ nữ Thái. Các bố, các ông trong trang phục "áo xửa" kiểu dáng đơn giản, ngắn ngang hông, không quá cầu kỳ, giúp người mặc thoải mái trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Trước giờ học, học viên nữ chuyện trò với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, học viên nam ngồi quanh rít thuốc lào, nói chuyện vui.

Ông Đèo Hạnh, năm nay 70 tuổi, người dân tộc Thái, nguyên Chi cục Trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sông Mã (Sơn La) là người tham gia dạy chữ Thái cho lớp học đặc biệt này, chia sẻ: Hàng tuần, tôi và ông Lường Tộ thay nhau đứng lớp. Lớp học dự kiến đến ngày 10/10/2024 sẽ bế mạc. Đến nay, học viên đã nắm được kiến thức cơ bản, biết đọc và biết được chữ Thái rất nhiều.

Giờ giải lao, nhìn thấy tôi đến thăm lớp và nói bập bẹ vài câu tiếng Thái, chị Quàng Thị Thơ, lớp trưởng đi đến bên hồ hởi bảo: Lớp học chữ Thái khai giảng từ tháng 7/2024 và có hơn 30 học viên. Các học viên đến lớp đều giao tiếp với nhau bằng song ngữ, tiếng mẹ đẻ và tiếng phổ thông, nhưng thông thạo chữ Thái thì ít lắm, vì vậy, ai cũng ham học chữ Thái. Sự học không bao giờ muộn, tuổi cao vẫn ham học, học cho mình, cho con cháu và giữ gìn chữ Thái cho cộng đồng và quê hương.

Chị Thơ bảo: Thầy Lường Tộ, thầy Đèo Hạnh là người tốt đấy. Các thầy dạy chữ Thái cho học viên. Bỏ công tuyển sinh, nghiên cứu soạn bài mà không đòi hỏi một chút gì. Thầy không lấy tiền công, còn mua thêm văn phòng phẩm...

Người níu hồn chữ Thái - Ảnh 2.

Học viên lớp học chữ Thái tranh thủ giờ giải lao trao đổi, chia sẻ bài học với nhau. Ảnh: T.N.Mỹ

"Thầy giáo" đặc biệt truyền dạy chữ Thái ở huyện biên giới Sông Mã

Ông Lường Tộ (76 tuổi), ở bản Năng Cầu, xã Huổi Một (Sông Mã, Sơn La), người mở lớp dạy chữ Thái miễn phí này là cựu chiến binh, thương binh hạng 3/4 mất 51% sức khỏe; nguyên là Chánh án huyện Sông Mã (Sơn La). 

Người níu hồn chữ Thái - Ảnh 3.

Ông Lường Tộ ở bản Năng Cầu, xã Huổi Một (Sông Mã, Sơn La) đang dạy chữ Thái miễn phí cho dân bản. Ảnh: T.N.Mỹ

Sinh ra trong gia đình có truyền thống giáo dục, ông Lường Tộ được học hành chu đáo. Khởi đầu ông làm nghề gõ đầu trẻ, sau tham gia chiến đấu trong chiến trường Lào và bị thương ở mắt. Phục viên ra quân ông chuyển sang nghề luật ở địa phương cho đến nghỉ hưu.

Ngồi bên tập tài liệu chữ Thái dưới hiên nhà sàn, ông Lường Tộ chia sẻ: "Thấy các học viên tuổi làm mẹ, làm bà đến với lớp rồi biết đọc, biết viết chữ Thái thành thạo tôi vui lắm. Công sức và tâm huyết của tôi được họ đã được đền đáp".

Thời buổi công nghệ, giáo viên đều soạn giáo án bằng máy tính "khỏe" hơn nhiều, nhưng các "thầy giáo đặc biệt" của lớp học chữ Thái soạn giáo án bằng tay. Thoáng nhìn, những dòng chữ tượng hình nhỏ li ti như những hạt đỗ tương, dù tuổi cao mắt kém, nhưng ông Tộ viết khá nhanh đều tăm tắp. Thấy tôi hỏi dạy chữ Thái vất vả không, ông Tộ cười rất vui nói: "Không đâu, còn vui nữa. Tôi chỉ muốn gieo chữ Thái cho bà con nơi đây để họ nhận thấy được giá trị văn hóa, tinh thần và phong tục tập quán của người Thái".

Người níu hồn chữ Thái - Ảnh 4.

Học viên tại lớp học chữ Thái đều là những người ở độ tuổi các mẹ, các bà, các bố, các ông. Ảnh: T.N.Mỹ

Có thể thấy rằng, các lớp học chữ Thái được mở ra đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, bên cạnh đó, cũng tạo sự kết nối giữa các thế hệ, thắt chặt tình cảm gia đình và cộng đồng. Khi học chữ Thái, người học không chỉ biết đọc và viết mà còn hiểu sâu hơn về di sản văn hóa của dân tộc mình. Điều này khơi dậy lòng tự hào dân tộc, giúp họ nhận ra giá trị của nguồn cội và có ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống.

Trần Nguyên Mỹ - Nguyễn Vinh